3 năm kiềm tỏa, quốc gia tỷ dân đã đạt được "giấc mơ vàng": Ra mắt mẫu điện thoại được ca tụng là kỳ quan

Mạnh Kiên |

Bất chấp những hạn chế bủa vây, Trung Quốc tung ra một chiếc điện thoại khiến cả thế giới ngưỡng mộ vì năng lực công nghệ đỉnh cao.

Chiếc điện thoại đỉnh cao

Khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thăm Trung Quốc vào đầu tuần trước, một chiếc điện thoại thông minh màu xanh nước biển đến từ quốc gia tỷ dân lặng lẽ được tung ra thị trường.

Đó không phải là thiết bị bình thường. Sự ra mắt của mẫu điện thoại tưởng chừng không liên quan này làm dấy lên mối lo ngại thầm kín rằng các hạn chế mà Mỹ đặt ra đã không ngăn được Trung Quốc đạt được tiến bộ công nghệ quan trọng.

Điện thoại thông minh mới của Huawei, Mate 60 Pro, đại diện cho đỉnh cao về năng lực công nghệ của Trung Quốc, với con chip tiên tiến bên trong được thiết kế và sản xuất trong nước bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khắt khe từ Mỹ.

Paul Triolo, người đứng đầu chính sách công nghệ tại công ty tư vấn kinh doanh Albright Stonebridge Group tại Washington, gọi chiếc điện thoại mới là "một đòn giáng mạnh vào tất cả các nhà cung cấp công nghệ trước đây của Huawei, chủ yếu là các công ty Mỹ".

"Điều này cho thấy họ không cần công nghệ Mỹ mà vẫn sản xuất được sản phẩm. Chúng có thể không tốt bằng các mẫu tiên tiến của phương Tây, nhưng vẫn ở mức khá", chuyên gia nhận định.

Thiết kế chip mới mạnh đến mức nào vẫn là câu hỏi mở. Điều bất thường là Huawei tiết lộ rất ít về các khía cạnh chính của điện thoại, chẳng hạn như liệu nó có hỗ trợ 5G hay quy trình nào được sử dụng để sản xuất.

3 năm kiềm tỏa, quốc gia tỷ dân đã đạt được giấc mơ vàng: Ra mắt mẫu điện thoại được ca tụng là kỳ quan - Ảnh 1.

Trong một tuyên bố, Huawei chỉ đơn giản giới thiệu chiếc điện thoại này là bước đột phá trong lĩnh vực "liên lạc vệ tinh".

Đài truyền hình Trung Quốc CGTN, trong một bài đăng trên X gọi chiếc điện thoại này là "chip xử lý cao cấp đầu tiên" của Huawei kể từ khi lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng.

Nikkei Asia đưa tin, SMIC sử dụng "quy trình 7 nanomet" để sản xuất chip cho Huawei, công nghệ tiên tiến nhất ở Trung Quốc, được coi là ngang bằng với các chip bên trong iPhone của Apple ra mắt vào năm 2018.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm mục đích làm chậm tiến độ của Trung Quốc trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn bằng cách cắt giảm khả năng mua hoặc chế tạo chất bán dẫn tiên tiến, vốn là bộ não của các hệ thống này. Việc ra mắt chip 7 nanomet sản xuất trong nước của quốc gia châu Á cho thấy điều đó đã không xảy ra.

Các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để nói hoạt động sản xuất chip của Trung Quốc sẽ trở nên cạnh tranh như thế nào. Nhưng điều rõ ràng là Trung Quốc vẫn đang tham gia cuộc chơi.

Chris Miller, giáo sư tại Đại học Tufts và là tác giả cuốn sách "Cuộc chiến chip", cho biết: "Điều này cho thấy các công ty Trung Quốc như Huawei vẫn còn nhiều khả năng đổi mới".

Khó ngăn cản công nghệ Trung Quốc

Washington phải đối mặt với tình thế khó khăn tương tự trong việc làm thế nào để cản trở sự phát triển công nghệ của Liên Xô trước đây.

Willy Shih, nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết bước đột phá của Huawei gợi nhớ những gì đã xảy ra với công nghệ Hệ thống Định vị Toàn cầu, ngày nay thường được gọi là GPS.

Mỹ phát triển công nghệ này và hạn chế xuất khẩu, cảnh giác trong việc để nó rơi vào tay đối thủ. Nhưng những hạn chế xuất khẩu đã thúc đẩy Moscow và các nước khác phát triển phiên bản của riêng họ.

"Từ tình huống Mỹ thống trị công nghệ và mọi người phải đến Mỹ để hỏi mua, ngày nay có những lựa chọn thay thế khác nhau. Bạn phải tự hỏi liệu điều tương tự có đang xảy ra với Huawei hay không", Shih nói.

3 năm kiềm tỏa, quốc gia tỷ dân đã đạt được giấc mơ vàng: Ra mắt mẫu điện thoại được ca tụng là kỳ quan - Ảnh 2.

Cuộc đua xây dựng chip tiên tiến trong nước của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 5/2019, khi cuộc chiến thương mại dẫn đến việc cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei.

Một số người tự hỏi liệu đây có phải là "hình phạt tử hình" đối với Huawei hay không khi công ty này đang gặp khó khăn trong việc có được các linh kiện quan trọng.

Huawei từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của Washington với tư cách là công ty tiên phong đáng nể nhất trong ngành công nghệ Trung Quốc.

Kể từ năm 2012, Huawei là nhà cung cấp thiết bị cần thiết để vận hành mạng Internet toàn cầu lớn nhất thế giới, vị thế mà hãng này vẫn duy trì bất chấp lệnh trừng phạt.

Huawei cũng là công ty nộp nhiều đăng ký bằng sáng chế hơn bất kỳ công ty nào khác ở Trung Quốc.

Các lĩnh vực kinh doanh của Huawei bao gồm các trạm gốc cung cấp vùng phủ sóng di động, thiết bị giám sát video và hệ thống cáp ngầm, tất cả đều yêu cầu chip làm bộ não.

Sau lệnh trừng phạt từ năm 2019, Ren Zhengfei, nhà sáng lập Huawei đã tập hợp các nhân viên cùng nhau chiến đấu hết mình vì sự sống còn của công ty.

Họ dự trữ chip từ các nhà cung cấp nước ngoài, dự đoán rằng Washington có thể thu hẹp các lỗ hổng trong lệnh trừng phạt, điều sau đó thực sự xảy ra.

Washington đã lấp từng lỗ hổng, bao gồm áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với SMIC, nhà máy duy nhất ở Trung Quốc có khả năng sản xuất chip tiên tiến cho Huawei và thúc đẩy các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip chuyên dụng ngừng bán hàng sang Trung Quốc trên phạm vi lớn.

3 năm kiềm tỏa, quốc gia tỷ dân đã đạt được giấc mơ vàng: Ra mắt mẫu điện thoại được ca tụng là kỳ quan - Ảnh 3.

Kể từ đó, Huawei chuyển sang chế độ sinh tồn, tận dụng số chip dự trữ của mình để chạy đua giành giải pháp sản xuất chip trong nước.

SMIC đã nỗ lực tạo ra những con chip tiên tiến kể từ khi thành lập vào năm 2000, nhưng giấc mơ từ lâu dường như chỉ là điều viển vông.

Miller nói: "Thật khó để bắt kịp vì đây là loại chip được sản xuất phức tạp nhất. Không có gì phức tạp hơn thứ con người tạo ra… đây thực sự là một việc khó khăn".

Miller cho biết vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa khả năng của SMIC và TSMC, công ty dẫn đầu ngành sản xuất chip mới nhất cho các thương hiệu như Apple. Hiện vẫn chưa rõ liệu SMIC có thể sản xuất chip tiên tiến ở quy mô và chi phí giúp sản phẩm của họ có khả năng cạnh tranh toàn cầu hay không.

Shih nói rằng bất kể SMIC có thể đạt đến đỉnh cao như thế nào, nơi đây chắc chắn có thể sản xuất chip thế hệ cũ trên quy mô lớn, đẩy giá chip giảm xuống trên toàn thế giới.

Ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt, các công ty Mỹ như Intel và Qualcomm đã mất doanh số bán hàng đáng kể ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, yếu tố làm giảm ngân sách nghiên cứu và phát triển.

Các giám đốc điều hành Mỹ lo ngại tình hình có thể ảnh hưởng đến vị thế lâu dài, trong một ngành mà chỉ một số ít công ty mạnh nhất, nhanh nhất có xu hướng tồn tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại