Mức chi tiêu dành cho các thiết bị phần cứng và phần mềm xoay quanh công nghệ Internet of Things trên toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh chóng, từ mức 726 tỷ USD vào năm 2019 đạt mức 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2023, theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường danh tiếng IDC. Ngay trong năm 2020 này, mức chi tiêu dành cho việc triển khai những thành phố thông minh sẽ sớm đạt 124 tỷ USD, tăng trưởng 18,9% so với năm trước đó.
Đầu tư mạnh mẽ vào các thiết bị IoT và triển khai thành phố thông minh là bước đầu trong kế hoạch nâng tầm chất lượng cuộc sống của rất nhiều quốc gia trên thế giới trong năm 2020. Trong năm nay, thế giới cũng sẽ chứng kiến sự phát triển bùng nổ của mạng 5G, giúp hiện thực hóa ước mơ xây dựng thành phố thông minh hoàn hảo từ cách đây gần 2 thập kỷ của con người. Không ai khác, chính phủ các nước sẽ phải có sự liên kết chặt chẽ với những công ty công nghệ hàng đầu để tìm ra giải pháp chuẩn xác, hiệu quả nhất cho kế hoạch này.
Samsung, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc đang chứng tỏ vị thế đi đầu của mình trong việc giúp chính phủ các nước xây dựng những thành phố thông minh, với sự kết nối hoàn hảo giữa phần cứng và phần mềm. Theo nhiều chuyên gia, thương hiệu giá trị nhất Hàn Quốc (theo Interbrand) này đang sở hữu 3 lợi thế lớn để có thể thực hiện điều ấy.
Nền tảng IoT vững chắc
Đầu năm nay, khác biệt với các đối thủ, Samsung lần đầu giới thiệu chiến thuật multi-hub dành cho các thiết bị IoT. Dựa vào thế mạnh là nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới (theo Canalys, Counterpoint), nhà sản xuất TV số 1 thế giới (theo Statista, IHS Markit) đồng thời là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đồ điện tử gia dụng như tủ lạnh hay máy giặt, công ty Hàn Quốc tìm ra cách thức mới rất sáng tạo để điều khiển các thiết bị trong nhà. Bằng cách ứng dụng công nghệ "đánh thức nhiều thiết bị" lên các sản phẩm có Bixby (trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo của hãng), khi người dùng cất tiếng nói, thiết bị điện tử nào ở gần nhất sẽ trả lời.
Ví dụ, khi người dùng nói câu "Hey Bixby, hãy bật bài mới nhất của BTS xem nào!", thiết bị ở gần nhất có thể là tủ lạnh, điều hòa hay TV cũng có thể nhận diện giọng nói và phát nhạc. Trong thế giới đồ điện tử gia dụng của Samsung, bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể được tích hợp Bixby, kể cả đó là điều hòa di động hay máy giặt. Đầu 2020, Samsung công bố đang sở hữu lượng người dùng nền tảng SmartThings lên tới 110 triệu và con số này vẫn sẽ còn tăng trưởng mạnh trong các năm tới.
Dẫn đầu trong lĩnh vực mạng 5G
5G không còn là tương lai mà đã trở thành thực tại. Năm 2019, Samsung chính là hãng dẫn đầu thị phần smartphone 5G, chiếm 75% lượng smartphone bán ra. Trong đó doanh số Galaxy Note10+ 5G còn đạt tới 1,6 triệu máy, theo số liệu của đơn vị nghiên cứu thị trường IHS Markit. Thương mại hóa mạng 5G sẽ giúp tăng số lượng thiết bị được kết nối IoT lên thêm 10 lần với tốc độ nhanh gấp 20 lần sử dụng 4G như hiện tại. Quan trọng hơn, tốc độ truyền tải dữ liệu của 5G cho phép Samsung có thể tung ra thị trường những sản phẩm robot thông minh - vốn cần rất nhiều dữ liệu đầu vào để có thể hoạt động tốt.
Có 5G hỗ trợ, robot thông minh mới có "đất diễn" thực thụ.
Tại Hội chợ điện tử tiêu dùng CES 2020, những chú robot của Samsung đã chính thức cất tiếng chào thế giới. Ballie - chú robot nhỏ có hình dáng một quả bóng tennis sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết những điều bất thường trong nhà của bạn, tự động điều chỉnh nhiệt độ, dọn dẹp nhà đón chào chủ nhân. Trong khi Bot Chef, robot làm bếp thông minh có khả năng học hỏi từ gu ăn uống, sở thích và thậm chí là cả tình trạng sức khỏe của bạn để nấu những món ăn phù hợp, giàu dinh dưỡng.
Cũng trong sự kiện này, Samsung lần đầu công bố khái niệm "Kỷ nguyên trải nghiệm", nơi con người đóng vai trò trung tâm, phần cứng và phần mềm được kết nối liền mạch nhằm tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa tốt nhất, mang đến cuộc sống thuận tiện và ý nghĩa cho con người.
Tiềm lực và kinh nghiệm
2019 đánh dấu mức dự trữ tiền mặt lớn nhất trong lịch sử Samsung, lên tới 95 tỷ USD. Tuy nhiên công ty sẽ không để lượng tiền mặt này nằm yên. Từ năm 2018, Samsung đã công bố sẽ đầu tư tới 22 tỷ USD cho IoT, 5G và AI đến 2021. Trên thế giới, không nhiều công ty có tiềm lực mạnh mẽ đến mức có thể đầu tư ở tầm cỡ đó.
Songdo - thành phố "thông minh nhất trong thế giới các thành phố thông minh"
Mặc dù khái niệm "thành phố thông minh" chỉ mới xuất hiện trong vòng chưa tới 20 năm nay, song từ năm 2001, Samsung đã đầu tư xây dựng Songdo, thành phố diện tích 600ha, được mệnh danh "thông minh nhất trong thế giới các thành phố thông minh". Công nghệ hiện diện khắp mọi nơi tại Songdo, nơi cư dân có thể trò chuyện với hàng xóm qua video call, hay tham dự các khóa học từ xa thông qua hệ thống tích hợp sẵn trong căn hộ. Trên đường phố, các cảm biến đặt gắn khắp nơi sẽ thu thập thông tin lượng người tham gia giao thông, tình hình rác thải, tội phạm đang diễn ra ở đâu... để cảnh báo cho người dân và chính quyền. Là thành phố thông minh đầu tiên, Songdo đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để Hàn Quốc xây dựng các "Smart City" tiếp theo như Busan và Sejong trong năm 2019 với trọng tâm là dữ liệu lớn, robot, IoT và AI.
Trong cuộc đua vào Kỷ nguyên trải nghiệm, nơi những công nghệ như 5G, IoT và AI có thể giúp ích cho cuộc sống con người từ phạm vi cá nhân, mở rộng đến quy mô thành phố, Samsung rõ ràng đang là người dẫn đầu.