Hồi đầu tháng, chúng ta còn đang sôi sục thông tin Alibaba mua phần lớn cổ phần của Lazada và chiếm quyền chi phối dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) này, thế nhưng sự kiện nhanh chóng chìm xuống bởi chính người tiêu dùng lại không có đủ thông tin để hiểu rõ về thương vụ này.
Phải thừa nhận rằng việc Alibaba và Lazada sẽ phần nào tác động đến TMĐT Việt Nam, nhưng người tiêu dùng không quan tâm nhiều tới vấn đề đó, và đó cũng không phải vấn đề mà họ cần.
Tôi chia sẻ thông tin Alibaba chi phối Lazada trên Facebook cá nhân, rất nhiều người bạn đã hỏi phía dưới rằng: Điều này nghĩa là sao? Lazada bán à? Mình có được lợi gì không?...
Những câu hỏi hoàn toàn dễ hiểu bởi họ có quá ít thông tin, trong khi truyền thông lại tập trung vào phân tích sự ảnh hưởng của nó tới nền TMĐT, hay thậm chí nhấn mạnh việc một website TMĐT ở Việt Nam bỗng nhiên "thò mặt" ra tuyên bố khiêu chiến với Alibaba, có lẽ nếu không có sự kiện này, tôi đã quên mất sự tồn tại của họ.
Vì vậy bài viết này sẽ đứng ở góc độ người tiêu dùng, khách hàng TMĐT để nhìn nhận về việc Alibaba chi phối Lazada, giúp người dùng thông thường hiểu được họ được lợi gì từ đây.
Nếu có góp ý, nhận xét, đừng quên để lại bình luận ở cuối bài viết nhé!
1. Lazada sẽ tập trung vào chất lượng nhiều hơn so với trước đây
Lazada là website thương mại điện tử "chịu chơi" ở những quốc gia nó xuất hiện.
Có thể dễ thấy mục đích Rocket Internet tạo ra Lazada là để mở rộng thị trường, lôi kéo khách hàng, chấp nhận chịu lỗ để bán được giá.
Mục đích của Lazada đã thành công với khoản tiền 1 tỷ USD từ Alibaba, và khi công ty của Jack Ma chiếm quyền kiểm soát, họ sẽ tính tới chuyện chất lượng sản phẩm cũng như lợi nhuận thay vì chịu lỗ như trước.
Vậy là những đợt giảm giá "ảo", những sản phẩm không đúng thực tế phần nào sẽ bị hạn chế, mang lại lợi ích trước tiên cho người tiêu dùng.
2. Mua hàng Taobao không cần thông qua trung gian
Người dùng Việt Nam đã quen với sàn TMĐT nổi tiếng Trung Quốc là Taobao (thuộc Alibaba). Sản phẩm tại đây mẫu mã đa dạng và quan trọng nhất là giá rẻ, phù hợp túi tiền đại đa số khách hàng.
Tuy nhiên Taobao là dịch vụ nội địa, không thể ship trực tiếp về Việt Nam, vì vậy các dịch vụ nhận mua đồ Taobao ra đời để phục vụ nhu cầu của các thượng đế.
Thông thường đơn vị trung gian sẽ ăn lãi ở tỉ giá ngoại tệ và chi phí mang hàng về Việt Nam, thời gian giao nhận trong khoảng 15 ngày.
Đương nhiên khi mua qua trung gian, kể cả sản phẩm chất lượng bạn cũng không nhận được hỗ trợ đầy đủ từ người bán.
Việc phải mua hàng qua trung gian khiến khách hàng không quá mặn mà, còn nếu như muốn mua trực tiếp tại Việt Nam, giá bán sẽ bị đội lên khoảng 4, 5 lần so với thực tế.
Vậy Alibaba có giải quyết được vấn đề này không? Câu trả lời là có!
Mục đích của Alibaba khi chiếm quyền chi phối Lazada là bán hàng hóa Trung Quốc ra ngoài quốc tế, nhất là khi sức mua tại quốc gia này đã tăng trưởng chậm lại.
Hàng hóa trên Taobao, AliExpress sẽ sớm có mặt trên hệ thống Lazada Đông Nam Á, trong đó có cả Lazada Việt Nam.
Bạn có thể tưởng tượng chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, có thể ngồi tại nhà mua hàng Taobao trên Lazada, giá rẻ, thời gian giao hàng nhanh và quan trọng nhất là đội ngũ quản lý người Việt Nam, có thể giải đáp thắc mắc khi cần thiết.
Động thái này của Alibaba cũng khiến dịch vụ trung gian mua hàng hoạt động khó khăn hơn, nhưng đó là sự phát triển tất yếu và người hưởng lợi chính là người dùng.
3. Không phải lo ngại về thuế hàng hóa
Một dịch vụ khác của Alibaba là AliExpress cho phép khách quốc tế mua đồ, vấn đề khách hàng gặp phải là thời gian ship hàng tại đây thường từ 20 - 50 ngày.
Bên cạnh đó, với những mặt hàng giá trị cao khi đơn vị ship chuyển về Việt Nam bạn sẽ phải nộp thuế tương ứng theo khung.
Khi Lazada phân phối hàng hóa như Taobao và AliExpress, giá bán họ đưa ra sẽ là giá cuối cùng đến tay bạn, không thêm bất kỳ chi phí nào.
Vấn đề này tiết kiệm cho bạn một phần chi phí không hề nhỏ bởi các mặt hàng điện tử, điện thoại và đồ công nghệ được mua sắm nhiều qua mạng và có mức đánh thuế khá cao hiện nay.