Juliette Han, một nhà thần kinh học được đào tạo tại Harvard, tin rằng sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng xấu tính có thể khiến bộ não của bạn rơi vào trạng thái căng thẳng, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và khiến sự tự tin sụt giảm.
Cô nói thêm: "Hành vi độc hại không chỉ giới hạn ở việc họ cố tình gây tổn thương hoặc đả kích bạn. Trên thực tế, những đồng nghiệp yêu thích "hóng drama" hoặc có thái độ tiêu cực với công việc cũng có thể tạo ra tác hại không nhỏ".
Theo Han, chìa khóa để đối phó với kiểu người độc hại này là học cách nhìn thấu họ để tránh xa càng sớm càng tốt. Cũng giống như 3 kiểu đồng nghiệp dưới đây:
1. Người hay tiêu cực
Ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc cảm thấy bất an và nghi ngờ chính mình, nhưng làm việc với người thường xuyên tự chỉ trích và phủ nhận năng lực của bản thân có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và mất tập trung.
Để nhận ra những người có bản tính này không quá khó khăn. "Nếu xung quanh bạn là những người liên tục nói về những thiếu sót và hiệu suất làm việc kém của họ, thì cuộc trò chuyện đó cũng khiến bạn nghi ngờ bản thân", Han cho biết.
Càng dành nhiều thời gian với người luôn lo sợ bị sa thải, bạn càng có nhiều nguy cơ tiếp thu hành vi và cách nghĩ độc hại của họ. Vì vậy, điều quan trọng cần nhớ là suy nghĩ của người khác không liên quan đến bạn. Hãy tìm thời gian để giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc cùng những người đồng nghiệp như vậy, chẳng hạn như đi dạo hóng mát hoặc trò chuyện với những người lạc quan hơn.
2. Người thích dựng chuyện
Trong môi trường công sở, đôi khi bạn sẽ gặp được những đồng nghiệp thích dựng chuyện và "tạo drama". Họ sẽ âm thầm xúi giục, kích động bạn nói xấu cấp trên hoặc các đồng nghiệp khác bằng cách giả vờ như họ mới là người quan tâm và lo lắng cho bạn nhất.
Ví dụ, sau một cuộc họp, người này sẽ tiếp cận bạn và hỏi han: "Này, ý kiến của người kia có khiến bạn khó chịu không?". Thực ra, những người như vậy chỉ muốn gây xích mích giữa bạn và người khác, nhưng lại hành động như thể họ đứng về phía bạn.
Để đối phó với những người như thế này, hãy tìm cách thay đổi chủ đề hoặc làm chệch hướng tin đồn bằng một nhận xét tích cực, chẳng hạn như "Tôi đánh giá cao sự quan tâm của bạn, nhưng tôi muốn tập trung vào điều tích cực hơn", hoặc "Đó không phải là vấn đề lớn, nhưng cảm ơn bạn đã quan tâm".
3. Người ưa phản bác
Những người thuộc nhóm này không chỉ thường xuyên không đồng tình với ý kiến của bạn hoặc cân nhắc mọi việc, mà họ còn xem những nghi ngờ của mình là một cách để bảo vệ bạn khỏi tình huống xấu dù thực tế, đó có thể là một cơ hội tốt.
Theo Han, những người này chỉ giúp đỡ bạn trong một giới hạn nhất định. Ngoài ra, họ không khuyến khích bạn gặp gỡ những người mới trong công ty hoặc theo đuổi các dự án mới nếu điều đó không mang đến lợi ích trực tiếp cho họ. Vì vậy, nếu ai đó liên tục ngăn cản bạn thực hiện các nhiệm vụ lớn mà không giải thích vì sao họ lại làm vậy, thì đó có thể là họ đang ghen tỵ.
Trong tình huống bạn cần lời khuyên về một vấn đề công việc, đừng bao giờ nghe theo một ý kiến duy nhất mà hãy tìm đến nhiều người khác nhau. Ngoài ra, bạn còn có thể dùng sự tiêu cực của họ để làm động lực cho bản thân, chỉ ra rằng họ đã sai khi cố kìm hãm bạn như vậy.