Khi còn trẻ, nhiều người thường xem nhẹ những "quy tắc bất thành văn" trong giao tiếp, nhưng đến tuổi trung niên, trải qua những thăng trầm, chúng ta dần nhận ra rằng trí tuệ cảm xúc cũng là yếu tố quan trọng quyết định mỗi người có thể đi xa đến đâu.
Việc trau dồi trí tuệ cảm xúc là hành trình kéo dài cả đời, từ lúc trưởng thành cho đến khi đối diện với những bài học khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ trong công việc, trí tuệ cảm xúc còn là yếu tố quan trọng giúp con người xử lý các mối quan hệ hàng ngày.
Một trong những dấu hiệu của người có trí tuệ cảm xúc cao là họ biết giữ im lặng về 3 điều sau đây, trong khi người thiếu trí tuệ cảm xúc thường để lộ mọi bí mật cho bất kỳ ai.
Chuyện riêng tư gia đình
Chị Vương (Trung Quốc) dù khả năng chuyên môn chỉ ở mức trung bình, lại rất thích chia sẻ chuyện gia đình, nhất là khi gặp mâu thuẫn ở nhà. Một lần, chị phàn nàn về mẹ chồng với đồng nghiệp, kể rằng bà luôn chỉ trích việc chị mua sắm, dù đó chỉ là các nhu yếu phẩm. Đồng nghiệp, phần lớn còn độc thân, không có kinh nghiệm xử lý mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, đã đứng về phía chị và chỉ trích mẹ chồng chị. Kết quả, chị càng thêm tức giận, mâu thuẫn gia đình ngày càng leo thang. Cuối cùng, mối quan hệ của chị và chồng đi vào bế tắc, dẫn đến ly hôn.
Không lâu sau, chị bị công ty sa thải vì không tập trung vào công việc.
Một quản lý đã thẳng thắn nhận xét: "Vấn đề của chị Vương là mang chuyện gia đình vào nơi làm việc. Những chuyện nhỏ, nếu tự giải quyết, có thể đã êm đẹp. Nhưng khi kể ra, mọi người thêm dầu vào lửa, khiến tình hình ngày càng tồi tệ."
Thay vì để lộ điểm yếu, hãy giữ khoảng cách giữa công việc và đời sống cá nhân. Tập trung vào công việc chung và hạn chế để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến môi trường làm việc. Đó chính là cách xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp và gìn giữ sự cân bằng trong cuộc sống.
Những lời đàm tiếu, bịa đặt nói xấu người khác
Trong cuộc sống, không có điều gì có thể hoàn toàn giữ kín. Những lời đàm tiếu bạn buông ra rồi cũng sẽ đến tai người bị nói đến, thậm chí còn méo mó hơn so với ý định ban đầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ mà còn làm giảm uy tín của chính bạn trong mắt đồng nghiệp.
Người ta thường giữ khoảng cách với những ai thích nói xấu. Hôm nay bạn nói sau lưng người này, ngày mai có thể là người khác. Và không ai muốn mình trở thành đề tài bàn tán trong tương lai.
Một câu chuyện từ giới đầu tư minh họa rõ ràng về hậu quả của việc này. Một nhà đầu tư từng dự định rót 10 triệu USD vào một công ty khởi nghiệp. Trong buổi đàm phán, giám đốc điều hành của công ty vô tình bày tỏ thái độ không hay về một đối tác khác, nói rằng: "Công ty đó làm ăn quá kém, chúng tôi sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp vượt trội khi hợp tác."
Tuy nhiên, điều mà vị giám đốc không biết là công ty bị chê trách chính là nơi làm việc cũ của nhà đầu tư, nơi ông từng được đối xử rất tử tế. Nghe những lời này, nhà đầu tư lập tức mất thiện cảm, cho rằng người điều hành này hẹp hòi và thiếu sự bao dung. Ông quyết định rút vốn và trả lời một cách khéo léo: "Tôi nghĩ rằng đầu tư vào công ty của bạn tiềm ẩn rủi ro cao hơn dự đoán. Chúng ta sẽ chờ thời điểm thích hợp để hợp tác sau."
Kết quả, phía công ty khởi nghiệp không hiểu lý do vì sao thương vụ thất bại, nhưng thiệt hại đã là điều không thể tránh khỏi.
Câu chuyện này nhấn mạnh rằng, như câu nói: "Không có vàng nào nguyên chất, không có con người nào hoàn hảo." Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hãy tập trung vào ưu điểm của người khác.
Không bàn tán về đúng sai của người khác là biểu hiện của sự trưởng thành và khôn ngoan trong cách ứng xử. Đó không chỉ là một nguyên tắc đạo đức, mà còn là cách bạn tôn trọng người khác và chính mình.
Thu nhập của người khác
Trong đời sống xã hội, việc hỏi thăm thu nhập của người khác dường như là một hiện tượng khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nhạy cảm và riêng tư, dù là trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè hay người quen.
Thực tế, tâm lý so sánh là điều phổ biến. Nếu thu nhập của bạn cao hơn, điều này không chỉ khiến người khác ghen tị mà còn có thể làm họ sinh ra suy nghĩ muốn vay tiền từ bạn, ngay cả khi họ không có nhu cầu đó. Ngược lại, nếu thu nhập của bạn thấp hơn, bạn có thể cảm thấy tự ti, dù người khác không hẳn đánh giá thấp bạn.
Câu chuyện của một cư dân mạng tên Hạ Hạ minh chứng rõ nét cho tình huống này. Một người bạn cũ thời đại học mà cô đã lâu không liên lạc bất ngờ gọi điện hỏi thăm. Ban đầu, Hạ Hạ cảm thấy kỳ lạ và giữ thái độ cảnh giác. Tuy nhiên, sau khi trò chuyện, người bạn nhanh chóng chuyển chủ đề sang mức lương và thưởng cuối năm của cô. Dù không muốn tiết lộ nhiều, Hạ Hạ vẫn chia sẻ rằng tiền thưởng cuối năm là hai tháng lương, khoảng 20.000 NDT.
Nghe vậy, người bạn lập tức phàn nàn về hoàn cảnh khó khăn và ngỏ ý muốn vay 50.000 NDT để đổi nhà. Hạ Hạ đã cố gắng từ chối khéo nhưng cuối cùng vẫn phải đồng ý cho vay 10.000 NDT. Sau đó, bạn bè của cô trách móc quyết định này, còn Hạ Hạ thì hối hận nhưng chỉ biết hy vọng người bạn sẽ trả lại tiền đúng hẹn.
Câu chuyện này là lời nhắc nhở rằng, trong các mối quan hệ xã hội, việc bảo vệ thông tin tài chính cá nhân là cần thiết. Những câu hỏi liên quan đến thu nhập hay tài chính cá nhân có thể che giấu những động cơ khác. Để tránh những rắc rối không đáng có, tốt nhất bạn nên giữ bí mật về tình hình tài chính của mình, coi đó như một hình thức tự bảo vệ và thể hiện sự khôn ngoan trong giao tiếp.
Thùy Linh (*Nguồn: Aboluowang)