Hôm 8/8, Tổng thống Donald Trump đã đáp chuyến bay xuống El Paso, Texas ngay trong bối cảnh những vụ sả xúng kinh hoàng với tâm lý phân biệt chủng tộc, thị trường chứng khoán trượt dốc mạnh xảy ra. Hơn nữa ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc sẽ không thể có được một thoả thuận lịch sử mà ông đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Một trong số 3 diễn biến này đang làm tổn hại đến vị trí của ông đối với một nhóm cử tri quan trọng mà ông đang nhắm đến để giành chiến thắng ở nhiệm kỳ tới. Vụ xả súng hàng loạt ở El Paso và Dayton bang Ohio, cùng việc đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát súng một cách miễn cưỡng của ông Trump dường như sẽ khiến sự ủng hộ của những cử tri của đảng Cộng hoà đến từ vùng ngoại ô, từ Quận Cam hay Dallas cho tới New Jersey, bị lung lay. Ở những nơi này, các cuộc thăm dò đều cho thấy rằng những chuyên gia giáo dục đại học, đặc biệt là phụ nữ, đều rất ủng hộ những biện pháp kiểm soát bạo lực súng đạn.
Dan Eberhart, một nhà tài trợ chính cho đảng Cộng hoà và người ủng hộ ông Trump chia sẻ: "Những người ủng hộ đảng Cộng hoà ở vùng ngoại ô đang dần tan rã nếu họ không tạo khoảng cách với Hội Súng trường Quốc gia (NRA) và đưa ra những giải pháp để loại bỏ 'dịch bệnh' bạo lực súng đạn."
Đó là một rủi ro lớn hơn đối với ông Trump và đảng Cộng hoà so với trước đây. Cuộc khảo sát của công ty Gallup cho thấy rằng việc kiểm soát sử dụng súng đã trở thành một vấn đề nổi cộm hơn trong 2 thập kỷ qua, và gần 1/4 các cử tri nói rằng họ sẽ chỉ bầu cho một ứng cử viên có cùng quan điểm. Không có gì là trùng hợp khi "cơn sóng" thông báo nghỉ hưu của các thành viên đảng Cộng hoà tại Hạ Viện trong 2 tuần qua đều đến từ Dallas và Houston, cùng 1 khu vực kéo dài từ vùng ngoại ô San Antonio tới El Paso.
Ông Trump mang một "mối nợ" đối với những bang hoạt động nông nghiệp cho chiến thắng của mình trong năm 2016. Những người nông dân nơi này đã phải chịu áp lực từ thuế quan trả đũa mà Trung Quốc áp đặt. Hôm thứ Hai, mọi thứ đối với họ còn tồi tệ hơn khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngừng mua nông sản của Mỹ nhằm đối phó với mối đe doạ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hoá từ ông Trump.
Zippy Duvall, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Mỹ (American Farm Bureau Federation) cho biết: "Thông báo ngừng mua nông sản từ phía Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào hàng ngàn nông dân và chủ trang trại đang phải rất chật vật để vượt qua những khó khăn từ trước."
Trong tất cả các nhóm liên hiệp của ông Trump, sự ủng hộ của những người nông dân có thể nói là ít tốt kém nhất khi tham gia chiến dịch bầu cử, bởi họ đến từ những bang có số lượng người ủng hộ đảng Cộng hoà rất cao. Mùa xuân năm ngoái, một nghiên cứu của Bloomberg về 30 hạt bầu cử có tiêu thụ lượng đậu nành rất lớn cho thấy rằng 25 hạt trong số đó đều ủng hộ đảng Cộng hoà.
Dù đảng Dân chủ có được những thành tựu lớn ở những đợt bầu cử giữa kỳ, thì vẫn không thể có tác động sâu sắc đến những khu nông trại: đảng Cộng hoà vẫn kiểm soát 24 ghế trong số đó. Dẫu vậy, nếu tỷ lệ ủng hộ đến từ các vùng nông thôn, chủ yếu hoạt động nông nghiệp như Iowa, Minnesota và Wisconsin giảm đi, thì có thể hậu quả sẽ dễ dàng nhận thấy vào năm 2020.
Điều đáng lo ngại hơn đối với ông Trump là sự khuyếch đại của những sự kiện trong tuần này có thể tác động đến vùng Thượng Trung Tây. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc về tình trạng sụt giảm cơ hội việc làm trong ngành sản xuất ở những bang như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.
Sau đó, ông hứa hẹn rằng sẽ tái đàm phán những điều khoản thương mại và thúc đẩy sự phát triển phát triển kinh tế ở các tiểu bang Trung Đông Bắc. Cho đến nay, những cuộc đàm phán đã "phản tác dụng". Động thái làm suy yếu đồng NDT của Trung Quốc hôm thứ Hai sẽ làm giảm nhu cầu của nước này đối với hàng hoá của Mỹ và tác động mạnh đối với những nền kinh tế của các bang cần sự nâng đỡ của ông Trump.
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ bất ngờ sụt giảm bắt đầu vào mùa xuân trước đó lại trái ngược với những gì bạn muốn thấy nếu bạn đang tham gia cuộc tái tranh cử, và phải chạy đua với thông điệp rằng bạn đã hồi sinh nền kinh tế sản xuất ở vùng Trung Tây.
Những kinh tế gia hay những ý kiến mang quan điểm "diều hâu" ở Nhà Trắng, sẽ chỉ ra rằng, trong một cuộc chiến thương mại thì quốc gia thâm hụt (là Mỹ) có nhiều đòn bẩy hơn so với quốc gia thặng dư (là Trung Quốc) - vốn phải gánh chịu sự tổn hại đối với nền kinh tế. Nhưng trong bối cảnh chính trị, điều đó chỉ có ý nghĩa trong thời gian dài. Thời gian của ông Trump thì ngắn hơn nhiều, ông ấy cần đạt được thoả thuận trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới để thực hiện lời hứa hẹn trong mùa bầu cử trước.
Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực đẩy Trung Quốc đến bàn thương lượng bằng thuế quan trừng phạt và những dòng tweet đe doạ hết lần này đến lần khác của ông Trump mang lại hiệu quả như mong muốn. Ông ấy dường như đang chứng kiến kết quả ngược lại. Lưu ý về căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Goldman Sachs cho biết hồi tháng 5 rằng: "Chúng tôi không dự đoán về một thoả thuận sẽ đạt được trước cuộc bầu cử năm 2020."
Đương nhiên, ông Trump vẫn còn tới 15 tháng trước Ngày Bầu cử và có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của hàng triệu người có quan điểm bảo thủ đến cùng - họ không bị ảnh hưởng bởi những vụ thảm sát phân biệt chủng tộc hay những biến động bất ngờ của Dow Jones. Tuy nhiên, ông ấy sẽ cần phải xây dựng một liên minh lớn hơn để có thể giành chiến thắng ở nhiệm kỳ thứ hai. Rời xa những cử tri là nông dân, sống ở ngoại ô và vùng Thượng Trung Tây bất cứ khi nào sẽ khiến cho cơ hội tiếp tục ngồi chiếc ghế tổng thống trở nên khó khăn hơn.