3 CLB 'tranh' sân Hàng Đẫy: Đâu là đội bóng Thủ đô đích thực?

THANH HÀ |

Trong 3 câu lạc bộ chuyên nghiệp đặt sân nhà ở Hà Nội, đội nào mới xứng đáng được gọi là "đội bóng Thủ đô" đích thực?

Trong 3 đội bóng CLB Công an Hà Nội, Hà Nội FC, Thể Công Viettel, bắt buộc phải có một đội phải rời sân nhà khỏi địa điểm quen thuộc mang tính biểu tượng của bóng đá Thủ đô - sân vận động Hàng Đẫy. Đến thời điểm này, sau những cuộc gặp, không đội bóng nào muốn "nhường sân".

Chuyện rắc rối giữa 3 đội bóng cũng đặt ra câu hỏi thú vị để người hâm mộ bàn tán xôn xao những ngày qua: Đâu mới là đội bóng Thủ đô đích thực?

Cuộc tranh cãi giữa ba cái tên này vẫn chưa thể ngã ngũ vì chất địa phương trong bóng đá vốn là một khái niệm rất trừu tượng, không thể định lượng. Nhưng ở một chừng mực nào đó, nó vẫn có thể được đánh giá bởi vài tiêu chí, cụ thể là nguồn gốc - tên gọi, giá trị đại diện và sự thừa nhận từ người hâm mộ.

3 CLB 'tranh' sân Hàng Đẫy: Đâu là đội bóng Thủ đô đích thực?- Ảnh 1.

Hà Nội FC, Thể Công – Viettel và CLB Công An Hà Nội phải chọn ra một đội rời sân Hàng Đẫy. (Ảnh: Minh Chiến)

Đội bóng của Hà Nội?

Trên danh nghĩa và giấy tờ, không đội nào thực sự là đại diện nguyên bản của bóng đá Thủ đô. Điều này thoạt nghe giống như nghịch lý, khi người ta vẫn nói rằng Hà Nội là địa phương duy nhất có tới 3 câu lạc bộ đang thi đấu ở V.League.

Thực tế, sự hiện diện của Hà Nội FC, CLB Công an Hà Nội và Thể Công Viettel không giống với các đội bóng địa phương khác như Hải Phòng, Thanh Hóa... - vốn là những CLB của địa phương, giao cho doanh nghiệp quản lý theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

CLB Công An Hà Nội có tiền thân là Công An Nhân Dân, ra đời từ năm 2008 với tư cách một đội bóng thuộc ngành công an. Năm 2022, họ lên V.League và thực hiện chuyển giao, đổi tên. CLB Công an Hà Nội hiện tại hoàn toàn không có sợi dây lịch sử nào nối liền với biểu tượng bóng đá cùng tên trong quá khứ.

Dù có hai chữ Hà Nội trong tên gọi, đội bóng đương kim vô địch V.League cũng mới gắn bó với Thủ đô từ năm 2022. CLB Công An Nhân Dân trước đây từng "đóng quân" ở nhiều địa phương, từ Hà Nội đến TP.HCM, Gia Lai và Ninh Bình. Hiện tại, đội bóng ngành công an thi đấu sân nhà ở Hàng Đẫy nhưng ăn ở, tập luyện ở Trung tâm bóng đá PVF - Bộ Công an có địa chỉ ở Hưng Yên.

Thể Công - Viettel đi lên từ đội trẻ của Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Viettel, chơi V.League từ mùa 2019. Họ thực chất cũng không phải là Thể Công lẫy lừng trong quá khứ. Thể Công của những Ba Đẻn, Hồng Sơn, Việt Hoàng coi như đã xóa sổ sau khi bán suất V.League cho Thanh Hóa hồi năm 2009. Giống như Công An Hà Nội, Thể Công - Viettel ngày nay cũng là một đội bóng của ngành quân đội.

Trong ba cái tên, Hà Nội FC có nguồn gốc Thủ đô hơn cả. Họ ra đời ở Hà Nội năm 2006, đã gắn bó với Hàng Đẫy và Hà Nội suốt từ đó tới nay. Tuy nhiên, khởi phát của họ là một đội bóng thuộc T&T Group, tên ban đầu là Hà Nội T&T. Họ chỉ là một trong rất nhiều đội bóng doanh nghiệp đã ra đời ở Thủ đô trong giai đoạn ấy.

3 CLB 'tranh' sân Hàng Đẫy: Đâu là đội bóng Thủ đô đích thực?- Ảnh 2.

Cam kết dài hạn với những cầu thủ gốc Hà Nội là một trong những định hướng dài hạn của Hà Nội FC. (Ảnh: Minh Chiến)

Bản sắc gắn liền với Thủ đô

Là đội bóng duy nhất có hai chữ Hà Nội trong tên gọi ban đầu, Hà Nội FC cũng là đội thể hiện tham vọng gắn bó với thủ đô nhiều hơn cả. Họ xây dựng trung tâm đào tạo trẻ ở Hà Nội, liên kết với lò trẻ ở Gia Lâm. Đội bóng này có thời điểm sở hữu khoảng nửa đội hình cầu thủ - tuyển thủ quốc gia gốc Hà Nội như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng...

Tuy nhiên, họ từng phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người hâm mộ thừa nhận mình như là đại diện cho thủ đô Hà Nội. HLV cũ của đội là ông Phan Thanh Hùng từng kể Hà Nội FC ít người hâm mộ là điều bình thường, nhiều CĐV mới là thứ khiến ông ngạc nhiên.

Hà Nội FC mất nhiều năm để gắn bản sắc của đội bóng với tên gọi địa phương, thuyết phục người hâm mộ rằng họ là đội bóng Thủ đô bằng hành động cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Khác với Hà Nội FC non trẻ, ký ức tươi đẹp về Thể Công giúp CLB Thể Công - Viettel có được sự ủng hộ mạnh mẽ ngay khi mới về lại V.League. Tuy nhiên, ngay cả Thể Công phiên bản gốc cũng thường được gọi bằng biệt danh "đội bóng áo lính" chứ không phải "đội bóng Thủ đô" gắn tên tuổi với địa phương.

3 CLB 'tranh' sân Hàng Đẫy: Đâu là đội bóng Thủ đô đích thực?- Ảnh 3.

Băng rôn của người hâm mộ CLB Công An Hà Nội trên khán đài Hàng Đẫy hôm qua (13/3).

So với hai cái tên ở trên, CLB Công An Hà Nội càng gặp khó khăn hơn. Thời gian ở V.League, ký ức về đội bóng ngành công an trong quá khứ là chưa đủ để họ được thừa nhận.

CLB Công an Hà Nội cũng chưa có những liên kết mạnh mẽ với địa phương ở hoạt động đào tạo trẻ và xây dựng cộng đồng. Đội hình của đội đương kim vô địch V.League có những ngôi sao của địa phương: Nguyễn Quang Hải, Bùi Hoàng Việt Anh, hoặc gắn bó với Thủ đô từ ngày mới ăn tập bóng đá như Đoàn Văn Hậu. Tuy nhiên, đó là những cầu thủ được đưa về từ CLB khác. Đội bóng ngành công an cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng đào tạo trẻ chưa đầy 2 năm và chưa thể tạo ra lực lượng mang bản sắc riêng.

Tình thế hiện tại của ba đội bóng thủ đô ở Hàng Đẫy khá giống hồi năm 2010 khi nơi này là sân đấu của 4 CLB gồm Hà Nội T&T, Hà Nội ACB, Hà Nội FC và Hòa Phát Hà Nội. Tuy nhiên khi ấy, các đội bóng chưa chịu ảnh hưởng từ quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Tóm lại, dù có hơn có kém, không đội nào trong 3 cái tên hiện tại thực sự là đại diện chính danh của bóng đá thủ đô. Cuộc chiến giành sân Hàng Đẫy, như thường lệ, sẽ được quyết định phía sau hậu trường, nơi quyền lực và tầm ảnh hưởng của mỗi CLB vẫn là nhân tố xác định thành bại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại