Có một chủ đề trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự): “Kiếp nạn” lớn nhất trong giao tiếp giữa người với người là gì?
Một câu trả lời thu về rất nhiều lượt thích: Đôi bên không thân nhưng lại thích nói chuyện lòng, vạch trần bản thân trước mắt người khác; không có giới hạn, đánh đổi sự riêng tư của mình để lấy mối quan hệ lâu dài.
Trải nghiệm nhiều rồi mới biết, quan hệ càng gần gũi càng dễ phát sinh mâu thuẫn. Một khi đã mất lòng nhau thì dễ trở mặt thành thù, thậm chí còn ghi hận suốt đời.
Giao tiếp chính là một nghệ thuật cần phải trau dồi mỗi ngày. Người thông minh đều hiểu, dù thân thiết đến mấy, tốt nhất nên ít nói đến 3 chuyện sau:
1. Nỗi đau trong quá khứ
Có câu nói: Không ai trên đời này có thể thực sự đồng cảm với nỗi đau của người khác. Bạn đau khổ, đó là chuyện của bạn.
Đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ phát hiện, trên đời này có nhiều chuyện không nên đặt kỳ vọng quá nhiều, cũng không được bắt người khác phải đồng cảm hay chịu trách nhiệm với mình. Trưởng thành thật sự là khi hiểu ra: Sự cô độc và bất lực là điều bình thường.
Cũng giống câu chuyện thấm thía này:
Khỉ con bị cành cây cào vào người khi đang tìm thức ăn, vết thương chảy rất nhiều máu. Nhưng thay vì tìm cách dưỡng thương, nó không ngừng tìm đến những con khỉ khác, cho chúng xem vết thương của mình để được an ủi.
Nhiều con khỉ thấy nó tội nghiệp, cũng có không ít con khỉ chỉ cảm thấy buồn cười.
Cứ thế, vết thương không cách nào đóng vảy lành lặn vì khỉ con liên tục vạch ra cho khỉ khác xem. Hậu quả là nó còn suýt mất mạng vì nhiễm trùng.
Ông cha ta có câu: Tự cậy mình còn hơn trông chờ vào người khác, tự tìm lối thoát còn hơn chờ người giúp đỡ!
Sống ở đời phải hiểu, lòng người phức tạp, không ai có đủ thời gian và sự đồng cảm để sẻ chia ở bên cạnh mình. Do đó, cách duy nhất để tiếp tục tồn tại là dựa vào bản thân và tự tìm cách chữa lành.
2. Bí mật của bản thân
Bí mật là gì?
Có một cách giải thích thú vị: "Bí mật giống như nội tạng, xuất hiện trong cơ thể và không nhìn thấy được. Một khi nội tạng bị lộ ra ngoài, phải tốn nhiều công sức để che giấu nó vào trong, bởi vì nó gắn liền với tính mạng của bạn".
Một người có thể có nhiều bạn bè và mối quan hệ, nhưng cũng nên giữ một chút bí mật với cả những người bạn thân nhất và gia đình.
Không phải chúng ta không thành thật trong cách cư xử với người khác, mà là chừa cho nhau một khoảng không gian riêng tư, bởi lẽ ai cũng có cuộc sống riêng.
“Vật cực tất phản”, cái gì nhiều quá lại hóa phản tác dụng. Bộc bạch hết tất cả, để lộ cả tâm hồn, vậy thì bạn còn giữ lại gì cho bản thân? Đó là còn chưa kể đến trường hợp bị đối phương đâm sau lưng, bị hãm hại bằng chính bí mật của mình.
Học cách giữ bí mật là một trong những “khóa học” bắt buộc đối với người trưởng thành, nó không chỉ liên quan đến cuộc sống của bạn mà còn có tính quyết định đối với các mối quan hệ, đặc biệt là tình bạn, tình thân khăng khít.
3. Hào quang của dĩ vãng
Có người nói rằng một trong những điều cấm kỵ trong cuộc sống là "nhớ lại hào quang của quá khứ".
Chúng ta thường thấy một số người thích khoe khoang trên bàn tiệc, và điều đầu tiên họ nói là "Năm đó, tôi đã từng...".
Lý do tại sao một người thích nhắc lại những điều vẻ vang đã qua chủ yếu là vì hiện tại không có gì để nói. Vinh quang của quá khứ, hay nói đúng hơn chính là sự cô đơn của hiện tại.
Đừng nhớ về quá khứ, hãy sống cho hiện tại. Dù là thành công hay thất bại, đừng nhắc nhiều về nó, lật trang này có thể mở ra một chương mới trong cuộc đời.
Ngủ quên trên thành tựu khi xưa chỉ có thể là sự trốn tránh của những kẻ yếu đuối. Người thực sự mạnh mẽ không bao giờ khoe khoang, họ luôn khiêm tốn và “ẩn mình”, khẳng định bản thân bằng giá trị đã tạo ra.
Ngày hôm qua có tốt đẹp đến đâu cũng đã là dĩ vãng, mắt nhìn về tương lai là chân lý cuộc đời.
Trong cuộc sống này, điều khó khăn nhất không phải là học cách nói, mà là biết cách im lặng. Nhờ đó bớt đi những lần khiến người khác tổn thương bằng lời nói của mình, cũng không tự rước về hiểm họa bởi câu từ “vạ miệng”.
Cho nên, việc gì cũng đừng vội nói, người biết im lặng thường thông minh hơn người khéo nói.