Trách nhiệm nâng đỡ, hỗ trợ những người dễ tổn thương đã được Chính phủ san sẻ với nhiều tập đoàn, công ty lớn thuộc cả khối công lẫn tư. Tuy nhiên, tạo ra được một con đường phù hợp để người dân thoát đói nghèo bền vững luôn là một thách thức rất lớn.
Ghi nhận của các tổ chức chống nghèo đói trên thế giới cho thấy áp lực lớn nhất là phải ưu tiên các nhu cầu tức thời của người dân hơn là các khoản đầu tư dài hạn. Trong khi đó, đây cũng là sự luẩn quẩn của bài toán con gà – quả trứng khi muốn xoá sổ cái nghèo, cần tạo ra một biện pháp toàn diện. Bởi nghèo không chỉ là đói, chạy ăn từng bữa, nghèo còn có nghĩa là bị giới hạn về sự lựa chọn, cơ hội để tự chủ.
Điều này hàm nghĩa việc cung cấp các công trình điện, đường, trường, trạm… cũng quan trọng không kém nếu muốn người dân thoát khỏi cuộc sống cùng cực.
Tuy nhiên, tạo một hệ sinh thái toàn diện như thế không phải là công việc dễ dàng. Thường thì cách xử lý trong hỗ trợ với người nghèo, dễ làm, cũng như dễ thấy ngay được kết quả, chính là quyên góp. Hay nói cách khác là cho tiền, hoặc hiện vật. Nhưng nếu chỉ cho con cá mà không cho cái cần, gốc rễ của cái nghèo không thể xoá bỏ.
Năm 2008, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30A về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với 61 huyện với sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty, Viettel (lúc đó còn là tổng công ty) đã nhận trách nhiệm ở 3 huyện. Họ cũng chọn cho mình một hướng đi riêng biệt để giúp huyện Bá Thước, Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa và huyện Đắk Rông của tỉnh Quảng Trị thoát nghèo.
Thứ nhất, thế mạnh của một nhà cung cấp viễn thông đã được Viettel áp dụng triệt để giúp các huyện nghèo vùng sâu này. Viettel xác định rằng viễn thông có thể giúp nâng cao nhận thức và khả năng tiếp nhận thông tin của người dân – một trong những yếu tố nền tảng giúp thay đổi số phận mỗi người. Đồng thời, viễn thông đảm bảo tin tức liên lạc thông suốt giữa người dân, lãnh đạo thôn, bản đến xã, huyện, tỉnh.
Những khoản đầu tư này được Viettel thực hiện bổ sung, không tính vào ngân sách chương trình 30A. Thực tế, nếu không phải Viettel đầu tư hạ tầng thông tin, cũng không có đơn vị nào đầu tư vào hạ tầng này khi nhìn địa hình, điều kiện kinh tế… của các huyện, có những nơi còn chưa có lưới điện quốc gia.
Thứ hai là kế hoạch được Viettel điều chỉnh theo từng năm thay vì tổng thể cho cả chương trình. Điều này giúp cho doanh nghiệp rút kinh nghiệm qua mỗi đợt thực hiện và có thể theo sát từng địa phương bởi hoàn cảnh mỗi nơi một khác.
Việc điều chỉnh liên tục qua mỗi năm cũng giúp Viettel tránh đi sự chồng chéo với các chương trình xoá đói giảm nghèo khác của Chính phủ.
Thứ ba, Viettel thực hiện chương trình 30A theo nguyên tắc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để bám sát thực tiễn và điều chỉnh ngay khi cần thiết.
Khi bắt tay vào giúp người nghèo, Viettel xác định đây là chương trình dài hạn, không thể xong trong ngày một, ngày hai. Do đó, doanh nghiệp chọn đi con đường khó, phải mất thời gian mới nhìn thấy kết quả khi các hạng mục được Viettel đều mang tính dài hạn như trường học, nhà bán trú dân nuôi, y tế, sinh kế. Tổng thể, đó là một hệ sinh thái giảm nghèo, có tính đồng bộ, chứ không đơn giản là một vài biện pháp.
Xây dựng trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở huyện nghèo cũng là một giải pháp đem lại hiệu quả tốt.
Sau 10 năm, thông qua hệ sinh thái bền vững này, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện được hỗ trợ giảm trung bình 6,85%/năm. Trong đó, trong đó huyện Đăkrông (Quảng Trị) giảm trung bình 7.3%/năm, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) giảm trung bình 7,14%/năm, huyện Bá thước (Thanh Hóa) giảm trung bình 6,12%/năm.
Đến nay, tổng số tiền mà Viettel đầu tư cho 3 huyện này đã lên đến 250 tỷ đồng. Cụ thể, Viettel đã trao hơn 2.500 con bò giống, 2.200 ngôi nhà đến tận tay các hộ nghèo tại 3 huyện. Trong đó, Mường Lát gần 1200 con và 355 ngôi nhà, Bá Thước gần 700 con bò và 440 ngôi nhà, Đắkrông gần 600 con bò và 1.469 ngôi nhà). 13 công trình gồm 8 trạm y tế, 3 trường học, 2 nhà bán trú trên địa bàn 3 huyện cũng được Viettel dựng lên.
Đại tá Dương Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Viettel chia sẻ: "Sau nhiều năm thực hiện, điều chỉnh với chương trình 30A, chúng tôi thấy rằng, việc giúp đỡ bà con thoát nghèo bền vững cần được Viettel phối hợp cùng địa phượng thực hiện với một hệ sinh thái giảm nghèo chứ không đơn thuần là những biện pháp đơn lẻ, trực tiếp. Viettel quan niệm, giúp người nghèo, phải đi từ gốc rễ, phải giúp họ có sinh kế, mới có thể thoát nghèo bền vững".