3 án chung thân vụ hải quan tiếp tay doanh nghiệp

HOÀNG YẾN |

Các bị cáo đã lợi dụng chính sách ưu đãi xuất khẩu để lập hồ sơ, làm tờ khai hải quan xuất khẩu khống thuốc lá nhằm nhận hàng chục tỉ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Sau một tháng xét xử, ngày 11-11, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ cán bộ hải quan tiếp tay doanh nghiệp lừa tiền thuế. 

Tòa tuyên phạt cả ba bị cáo Lê Dũng (giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Sài Gòn), Hứa Châu (giám đốc Công ty Lâm Kim Ngọc) và Trần Thị Bích Tuyền (giám đốc Công ty TNHH Lam Tuyền và Công ty TNHH Đại Đắc Tài) mức án tù chung thân về các tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ...

Bị cáo Châu phải nộp lại cho Cục Thuế TP.HCM 32 tỉ đồng, Tuyền nộp lại 29 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Sài Gòn hoàn lại cho Cục Thuế TP.HCM 19 tỉ đồng.

37 bị cáo còn lại lãnh các mức án từ một đến 26 năm tù. Nhóm 28 bị cáo là công chức hải quan người nhận mức án cao nhất là 12 năm tù.

HĐXX khẳng định nếu chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo và những luật sư bào chữa thì vụ án hoàn toàn khác, thậm chí CQĐT đã làm oan, sai cho các bị cáo.

 Nhưng từ hồ sơ vụ án, lời khai ban đầu của bị cáo tại CQĐT cũng như các bằng chứng khác và xác minh tại tòa, HĐXX xét thấy không có bị cáo nào bị oan. Các hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo là rõ ràng, không thể chối cãi.

Cụ thể, tháng 9-2013, khi cơ quan chức năng kiểm tra các container chở thuốc lá xuất khẩu thì phát hiện trên container toàn gạo trắng, trấu và mì gói. 

Việc xác minh các hợp đồng mua bán thuốc lá cho thấy giá mua thuốc lá luôn cao hơn giá bán thuốc lá, đây là điều hết sức vô lý. Rõ ràng mục đích của các bị cáo lập các hợp đồng này để nhận tiền hoàn thuế.

Ngoài ra, 92 tờ khai hải quan xuất khẩu thuốc lá cho thấy chỉ có 19/92 tờ khai hải quan có hàng xuất khẩu nhưng những hàng này cũng không phải là thuốc lá.

Kết quả xác minh từ phía Campuchia cũng cho thấy không hề có hoạt động kinh doanh nào giữa công ty bị cáo Châu với bên công ty nước ngoài. Các luật sư cho rằng có việc xuất khẩu thuốc lá là không đúng.

Như vậy, lợi dụng chính sách ưu đãi xuất khẩu, các bị cáo đã lập hồ sơ, làm tờ khai hải quan xuất khẩu khống thuốc lá để nhận tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Về tố tụng, HĐXX nói các luật sư nêu hàng trăm bút lục lấy lời khai của các bị can trong giai đoạn điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

HĐXX thẩm định và thấy có một số lời khai sẽ không được HĐXX lấy làm căn cứ để luận tội, còn những bút lục nào có mặt của luật sư hoặc kiểm sát viên thì vẫn được xem xét và có giá trị.

Về việc thấy nhãn hiệu thuốc lá được lưu hành trên thị trường và nhãn hiệu được ghi trong các văn bản tố tụng không đúng, HĐXX xác định đây là sai sót của VKS khi ban hành cáo trạng.

 Sai sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án nhưng VKS cần phải rút kinh nghiệm.

Theo hồ sơ, Lê Dũng đã cùng các nhân viên và Tuyền, Châu câu kết khai báo gian dối, lập hồ sơ thuế khống để nhận tiền hoàn thuế 80 tỉ đồng.

Cùng ra tòa với nhóm bị cáo doanh nghiệp này còn có hàng loạt cán bộ hải quan An Giang và TP.HCM bị truy tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hải quan biết không phải thuốc lá vẫn cho qua?

Trong phần tuyên án, HĐXX còn kiến nghị CQĐT, VKSND TP.HCM làm rõ trách nhiệm của ông Võ Thành Điện (giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải quốc tế Thiên Nam) và một số người có dấu hiệu biết rõ hàng xuất không phải thuốc lá nhưng vẫn cho xuất đi. Tòa kiến nghị công an làm rõ trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Thu, kế toán Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Sài Gòn.

HĐXX cũng cho rằng có dấu hiệu cho thấy các cán bộ hải quan có cơ sở để biết rằng hàng này không phải thuốc lá. Do đó kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ, để nếu có sai phạm thì xử lý theo pháp luật.

HĐXX cũng kiến nghị Cục Hải quan tỉnh An Giang quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các chi cục hải quan trên địa bàn để tránh xảy ra sơ sót.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại