Thu, chi đầu năm học luôn là vấn đề “nóng” đối với phụ huynh mỗi mùa tựu trường. Nhằm giúp công tác thực hiện thu chi trong trường học được công khai, minh bạch và có sự giám sát chung, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024.
Đây là lần đầu tiên TPHCM ra nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Theo đó, mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh: Nhóm 1 là học sinh tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Có 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.
Các khoản thu, mức thu như sau:
Đối với nhóm 1:
Các khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa, bao gồm 7 khoản thu:
Tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày: Mức thu không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng ở bậc tiểu học, không quá 200.000 đồng ở bậc THCS và không quá 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT
Tiền tổ chức dạy tăng cường môn ngoại ngữ: Mức thu quy định không quá 100.000 đồng/tháng ở bậc tiểu học, không quá 200.000 đồng/tháng ở bậc THCS và không quá 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT
Tiền tổ chức dạy tin học: mức thu dao động từ 50.000-240.000 đồng/tháng.
Tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (năng khiếu, thể dục tự chọn, câu lạc bộ, kỹ năng sống, STEM, học bơi, học ngoại ngữ với người nước ngoài, học ngoại ngữ sử dụng phần mềm bổ trợ, học ngoại ngữ thông qua toán và khoa học): Mức thu từ 80.000-800.000 đồng/tháng tùy lớp, môn
Tiền tổ chức dạy học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết
Tiền tổ chức dạy bổ sung kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết
Tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè: 500.000 đồng/tuần
Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án gồm 4 khoản thu:
Tiền tổ chức các lớp học theo Đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam": Mức thu 3,6 triệu đồng/tháng với cấp tiểu học và THCS, 8,5 triệu đồng/tháng với cấp THPT.
Tiền tổ chức các lớp học theo Đề án tin học quốc tế: 120.000-180.000 đồng/tháng
Tiền tổ chức thực hiện Đề án trường thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế": 1.725.000 đồng/tháng
Tiền thực hiện chương trình kích cầu đầu tư: 210.000 đồng/tháng
Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú gồm 5 khoản thu:
Tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú: 250.000-550.000 đồng/tháng
Tiền phục vụ ăn sáng: 60.000-220.000 đồng/tháng
Tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú: 200.000-450.000 đồng/năm
Tiền giữ trẻ mầm non ngoài giờ: 12.000 đồng/giờ
Tiền công trả lương cho nhân viên nuôi dưỡng: 160.000-260.000 đồng/tháng
Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh gồm 10 khoản thu:
Tiền mua sắm đồng phục học sinh: 200.000-500.000 đồng/bộ
Tiền học phẩm - học cụ - học liệu: 300.000-600.000 đồng/năm
Tiền suất ăn trưa bán trú: 35.000 đồng/ngày
Tiền suất ăn sáng: 20.000 đồng/ngày
Tiền nước uống: 20.000 đồng/tháng
Tiền khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường): 50.000-70.000 đồng/năm
Tiền sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh): 35.000-50.000 đồng/tháng
Tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: 110.000 đồng/tháng
Tiền trông giữ xe học sinh: 2.000 đồng/lượt
Tiền tổ chức xe đưa rước học sinh: 8.000-10.000 đồng/km
Đối với học sinh nhóm 2, mức thu tối đa các khoản thấp hơn khoảng 10.000-50.000 đồng so với nhóm 1.
Mức thu áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM. Đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập đang được hưởng chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí thì không phải đóng các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa.
HĐND TPHCM cũng quy định các mức thu quy định tại nghị quyết là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023.
Đề xuất tiếp tục hỗ trợ học phí năm học mới
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa có tờ trình UBND TPHCM về việc xin hỗ trợ học phí năm học mới. Mức hỗ trợ dành cho tất cả học sinh các cấp, trừ học sinh ngoài công lập. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đề xuất cho học sinh các cấp được hỗ trợ học phí như năm học 2022-2023.
Nếu UBND TPHCM chấp thuận chủ trương, sở sẽ tiến hành các bước tham mưu UBND trình HĐND trong kỳ họp tháng 9 tới để kịp thực hiện trong năm học 2023-2024.
Về lý do xin tiếp tục hỗ trợ học phí, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nêu trong tờ trình: "Tình hình kinh tế xã hội các tháng gần đây trên địa bàn TPHCM có chuyển biến tích cực so với thời điểm đầu năm học trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cũng như tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hẹp sản xuất hoặc giải thể dẫn đến nhiều người lao động thất nghiệp. Do đó, việc điều chỉnh học phí sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của đa số phụ huynh học sinh là người lao động".