Câu lạc bộ tỷ phú thế giới luôn được coi là một nơi quyền lực và đang ngày càng phát triển. Từ năm 2015, số lượng tỷ phú trên toàn cầu đã tăng 6,4% và đạt tới con số 2.473 người.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với dân số thế giới (cứ 2,95 triệu người mới có 1 tỷ phú) nhưng tổng tài sản của nhóm siêu giàu này lại đang thống trị cả thế giới. Theo thống kê của Wealth-X, dưới đây là 5 thói quen chi tiêu và giữ tiền của các tỷ phú thế giới.
Giữ tài sản có tính thanh khoản cao
Những bất ổn về kinh tế trong thời gian qua đã khiến danh mục tài sản của các tỷ phú suy giảm ở một số hạng mục, bao gồm cả tài sản cá nhân và tài sản công ty. Tuy nhiên, nhóm tài sản có tính thanh khoản cao vẫn không ngừng tăng lên. Báo cáo của Wealth-X cho thấy, các tỷ phú giữ 22,2% tài sản thanh khoản kể từ năm 2012 đến nay.
Theo dự báo, nhóm tài sản có tính thanh khoản cao này sẽ tăng lên mức 23% vào năm 2017. Nếu giá trị tài sản quay trở về mức hấp dẫn, tài sản của nhóm tỷ phú này sẽ được đầu tư trở lại vào các thương vụ.
Tuy vậy, dù trong trường hợp cần thắt chặt chi tiêu thì điều này cũng không ảnh hưởng đến các khoản chi lớn của giới siêu giàu như nhà hàng, dịch vụ hạng sang hay làm từ thiện.
Đi du lịch nghỉ dưỡng hoặc kinh doanh
Theo thống kê, 775 thành phố trên thế giới là quê hương của ít nhất một tỷ phú, tăng 21 thành phố trong một năm. Du lịch là hoạt động giải trí được ưa thích thứ 2 của các tỷ phú thế giới, sau làm từ thiện. Các thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới bao gồm New York (97 tỷ phú), Hồng Kong (79 tỷ phú) và Moscow (74 tỷ phú).
Báo cáo của Wealth-X cũng cho thấy, có 43 loại hình sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao và kinh doanh trên thế giới hấp dẫn giới siêu giàu; từ liên hoan phim quốc tế ở Venice đến triển lãm du thuyền ở Monaco… Các sự kiện này là cơ hội để giới tỷ phú gặp gỡ và kết giao lẫn nhau.
Mua những món đồ xa xỉ
Các tỷ phú thế giới đam mê sở hữu những món đồ xa xỉ như tác phẩm nghệ thuật, xe hơi, rượu và nhiều bộ sưu tập đắt tiền khác. Không nói đến giá trị đầu tư về mặt nghệ thuật, những món đồ xa xỉ này còn cho thấy tầm ảnh hưởng về văn hóa của các tỷ phú.
Năm ngoái, tỷ phú Trung Quốc Liu Yiqian từng gây tranh cãi khi bỏ ra 170 triệu USD cho một bức tranh phụ nữ khỏa thân tại một cuộc triển lãm ở New York hay 36 triệu USD cho một chiếc ấm trà bằng sứ.
Các cuộc tranh cử chính trị
Các tỷ phú thường đóng vai trò quan trọng trong việc gây quỹ có các chiến dịch chính trị thông qua một tổ chức thứ ba mà không bắt buộc phải tiết lộ danh tính người đầu tư.
Theo báo cáo, có khoảng 22% tỷ phú thế giới đam mê chính trị. Một số chỉ đóng vai trò là nhà quan sát, một số tham gia hỗ trợ trực tiếp cho các chính trị gia như ông trùm sòng bài Sheldon Adelson ủng hộ cho tỷ phú Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua.
Đầu tư vào bóng đá
Bóng đá là môn thể thao yêu thích của các tỷ phú thế giới, nhiều hơn đánh golf và trượt tuyết. Nhiều chương trình thể thao hiện nay chưa được khai thác bản quyền, vì vậy sẽ thu hút sự quan tâm lớn của giới tỷ phú.
Nhiều tỷ phú đã sớm nhận ra tiềm năng của kênh đầu tư vào thể thao và đã mua những đội bóng họ yêu thích. Chẳng hạn như tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin đã mua 20% cổ phần của Atletico Madrid từ tháng 1/2015 hay tỷ phú người Nga Roman Abramovich sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea kể từ năm 2003.