2022 - Năm của các hiện tượng thời tiết cực đoan, thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu

Chuyển động 24h |

Năm 2022, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã diễn ra xuyên suốt cả năm, trên khắp các châu lục và không trừ một quốc gia nào.

Hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan đã diễn ra trong năm 2022 như nắng nóng nghiêm trọng ở Trung Quốc, lũ lụt nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan, hạn hán kỉ lục trong 500 năm hoành hành khắp châu Âu, cháy rừng thường xuyên, bão tuyết thất thường

Năm 2022 - Nhìn lại các hiện tượng thời tiết cực đoan

Năm 2022, Từ điển tiếng Anh Collins đã chọn từ của năm là "permacrisis", có nghĩa là "khủng hoảng kéo dài", hàm ý về các cuộc khủng hoảng phức hợp mà chúng ta đã thấy năm nay, bao gồm khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đại dịch COVID-19, chiến sự ở Ukraine và biến đổi khí hậu . Điều đó cho thấy, thiên tai và biến đổi khí hậu đã trở thành một cuộc khủng hoảng tác động đến tất cả chúng ta. Ngay cả ở Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu cũng được thể hiện rõ nét qua hiện tượng mùa đông năm nay đến muộn.

96% dân số thế giới trong năm nay phải hứng chịu tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, cho thấy sự bao trùm của thiên tai ảnh hưởng đến hầu như mọi cá thể trên Trái đất. Những hiện tượng biến đổi khí hậu dị thường đã diễn ra trên khắp thế giới. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, trong năm nay, có 7,6 tỷ người, tương đương 96% dân số thế giới, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ nắng nóng cho tới lũ lụt.

Châu Âu đã phải hứng chịu mùa hè 2022 với những đợt nắng nóng cực đoan gây hạn hán trên diện rộng. 60% diện tích châu Âu bị hạn hán. Đây được xem là tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất tại châu lục này trong 500 năm qua.

2022 - Năm của các hiện tượng thời tiết cực đoan, thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Hồ Velence cạn trơ đáy ở Velence, Hungary, ngày 11/8/2022. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, các nước Nam Á, đặc biệt là Pakistan, lại ở một thái cực hoàn toàn khác. Pakistan chỉ "góp" chưa tới 1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng nước này đã phải gánh chịu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Những trận "đại hồng thủy" trong mùa hè năm nay đã khiến 30% diện tích Pakistan ngập trong biển nước.

Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới cuộc sống

Những hình thái thời tiết cực đoan liên tục hoành hành trong năm nay đã gây ra những tác động không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Tại nhiều khu vực, người dân cũng đành chấp nhận một năm trắng tay vì không thể khai thác và thu hoạch trên chính mảnh đất của mình.

Chuyên gia khí hậu của Ủy ban châu Âu David Garcia Leon nhận định, năm nay, thiệt hại do hạn hán gây ra đối với riêng khu vực châu Âu đã lên tới hơn 8,7 tỷ Euro.

Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Giải quyết các hệ quả của biến đổi khí hậu là một bài toán cần lời giải lâu dài. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mỗi quốc gia lại có các biện pháp của riêng mình để phù hợp với tình hình thời tiết và đời sống của địa phương.

2022 - Năm của các hiện tượng thời tiết cực đoan, thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Đợt "đại hồng thủy" nhấn chìm Pakistan trong biển nước. (Ảnh: AP)

COP27 - Bước tiến mới cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Dù bức tranh khí hậu trong năm 2022 không mấy khả quan nhưng một điểm sáng đã xuất hiện trong Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập tháng 11 năm nay đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt, bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vấn đề bồi thường khí hậu dù lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo chính thức nhưng đã đạt được bước tiến lịch sử và được coi là hy vọng mới trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận cuối cùng của COP27 đã nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại". Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù chung, bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và nhiều hòn đảo do mực nước biển dâng cao.

Giới quan sát cho rằng trong các vấn đề chủ chốt như cắt giảm khí nhà kính, hay hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, thỏa thuận COP27 không đi xa hơn so với cam kết đặt ra tại hội nghị COP26 năm ngoái. Tuy nhiên với, việc thành lập quỹ đền bù khí hậu đã cho thấy, tiếng nói của những nước đang phát triển bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu đang dần lớn hơn. "Cùng nhau thực thi" - chủ đề COP27 năm nay - chắc sẽ là từ khóa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.

"Chúng ta cần hành động ngay, khí hậu Trái đất không thể chờ đợi" là câu khẩu hiệu xuất hiện thường xuyên trên biểu ngữ của những người biểu tình chống biến đổi khí hậu. Nhiều nhà môi trường nhận định, chưa bao giờ lời kêu gọi này trở nên thôi thúc đến vậy. Những hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay, quá nhiều kỷ lục không mong muốn được xác lập, cuộc sống của người dân điêu đứng là những minh chứng rõ nét cho tình trạng biến đổi khí hậu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại