Những người giàu đang chi tiêu rất mạnh tay cho hàng hóa xa xỉ trong năm 2017. Theo đó, mức tiêu thụ hàng cao cấp toàn cầu tăng 5% trong 12 tháng qua. Milton Pedraza, Giám đốc điều hành của Luxury Institute, công ty chuyên tư vấn cho các thương hiệu cao cấp, nhấn mạnh: “Chúng ta thường thấy nhu cầu với các mặt hàng sang trọng có mối tương quan chặt chẽ với thị trường chứng khoán. Chứng khoán và bất động sản ở Mỹ đang bùng nổ mạnh mẽ”.
Số người giàu tăng lên làm trầm trọng thêm sự phân hóa giữa những người có thu nhập cao với nhóm thu nhập thấp nhất trong xã hội dù nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ giúp nhiều người có việc làm và tiền lương cao hơn.
Chỉ số S&P 500 đã tăng 20% kể từ đầu năm và chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 25% khiến các danh mục đầu tư phình to. Tuy nhiên, chỉ có một phần người dân Mỹ được hưởng lợi từ sự bùng nổ này và đa phần trong số đó là những người có thu nhập cao hơn so với phần còn lại. Điều đó đồng nghĩa chỉ những người giàu có mới kiếm được lời từ sự thăng hoa của phố Wall.
Chứng khoán Mỹ bùng nổ nhưng không phải cơ hội dành cho người nghèo.
Ngoài chứng khoán bùng nổ, giá nhà ở Mỹ cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Đặc biệt ở các thành phố như Seattle và San Francisco, giá nhà quá cao khiến phần lớn người lao động không có cơ hội sở hữu nhà riêng. Dù tầng lớp trung lưu là những người sở hữu nhà chủ yếu ở Mỹ nhưng phần lớn nằm ở những người có thu nhập top trên. Theo tổng điều tra dân số của Mỹ, 78,4% gia đình ở Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn nhưng có tới 49,5% trong số đó kiếm được không đáng kể.
Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của các công ty ở Mỹ đã lập kỷ lục mới, tương đương 1,86 nghìn tỷ USD trong quý 3. Trong khi đó, mức tăng tiền lương ở Mỹ cũng chưa đáng kể và vẫn ở mức thấp so với thời kỳ suy thoái. Điều đó có nghĩa là người lao động cũng không kiếm được đáng kể. Ngược lại, những người giàu sẽ càng giàu hơn. Trong khi đó, hàng loạt vụ sáp nhập lớn diễn ra trong năm 2017, khiến nhiều nhà phân tích bày tỏ lo ngại về sự độc quyền khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Việc bãi bỏ các quy định thời Obama sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền được các doanh nghiệp hoan nghênh bởi nó sẽ giúp họ hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ là bao nhiêu phần trong số đó sẽ tới tay người lao động và bao nhiêu phần sẽ chảy vào túi các ông chủ, nhà đầu tư.
Trong tháng 6, Bộ Tư pháp Mỹ cũng ban hành quy định về làm thêm mà các nhà phân tích mô tả là góp phần làm giảm số tiền lương mà các doanh nghiệp Mỹ phải chi trả. Chúng giúp người giàu càng giàu hơn và đẩy gánh nặng lên lưng số đông.
Luật thuế mới của đảng Cộng hòa giúp cắt giảm thuế cho những người có người thu nhập thấp và trung bình nhưng lại được mô tả là “đặc biệt hào phóng” với những người có thu nhập cao và tài khoản ngân hàng lớn. Số tiền thuế mà người thu nhập thấp và trung bình được giảm sẽ chẳng thấm thía gì so với những khoản tiền lớn mà nhóm người giàu nhất nước Mỹ được hưởng.
Chính vì vậy, 2017 được mô tả là năm đặc biệt thuận lợi với người giàu ở Mỹ.