Tối 21/6, dòng chia sẻ trên trang cá nhân của tài khoản N.N.T. về "văn hóa tiền lẻ" khi đi taxi đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Anh T. kể lại câu chuyện như sau:
"Đi taxi từ sân bay về nhà, đồng hồ 68.000 đồng, thêm 10.000 đồng tiền thuế sân bay, là 78.000 đồng.
Đưa tờ tiền 100.000 đồng, anh tài xế đưa lại cho 2 tờ 10.000 đồng và mình nhìn thấy trong xấp tiền anh cầm trên tay có tờ giấy 2.000 đồng. Nhưng chỉ đưa hai tờ 10.000 đồng xong thì tài xế cất tiền, có ý chờ mình xuống xe.
Mình nhắc, dạ, còn 2.000 đồng nữa mới đủ anh ơi. Tài xế quay lại nhìn, mắt khó chịu. Rồi đưa tờ 2.000 đồng, kèm câu nói nhỏ nhưng đủ để mình nghe. "Có mấy ngàn mà làm thấy ghê".
Mình im lặng, chỉ lấy đồ ra rồi đi về. Vì mười năm trước, mình từng đứng 8 tiếng một ngày bán thức ăn nhanh để nhận 7.000 đồng/tiếng, nên mình hiểu giá trị của 2.000 đồng ra sao.
Nên mình sẵn lòng tặng 2.000 đó cho một người biết quý trọng công việc họ làm và tôn trọng người dùng của họ hơn.
Đừng trách vì sao các hãng xe thanh toán qua thẻ tín dụng ngày càng phát triển và được ưa chuộng hơn.
Và, chợt buồn vì đôi khi người ta bán sự tôn trọng của người khác dành cho mình với mức giá 2.000 đồng".
Dòng chia sẻ trên trang cá nhân của N.N.T. gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Sau khi những dòng chia sẻ trên được đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng và gây ra rất nhiều tranh cãi.
Một số người cho rằng, tình trạng trên xảy ra ở rất nhiều tài xế của các hãng xe khác nhau. Khi đi taxi, dù lẻ mấy nghìn đồng nhưng nếu đưa tiền chẵn thì nghiễm nhiên số tiền thừa 1.000 - 2.000 đồng sẽ không được trả lại.
Bạn V.T. bày tỏ: "Một vài nghìn đồng không quá là to tát, trong trường hợp các bác tài thực sự không có hoặc bác chủ động bảo "cho bác xin mấy nghìn lẻ" thì ai cũng vui vẻ.
Nhưng nhiều lái xe coi đó là điều hiển nhiên và không cần trả lại khiến mình khá khó chịu. Giá trị số tiền không lớn nhưng đó thể hiện cách ứng xử và làm việc chuyên nghiệp với khách hàng".
"Vấn đề không phải ở 1.000 hay 2.000 đồng mà là thái độ không tôn trọng khách hàng. Thật ra nếu có trả lại nhiều khi khách cũng không lấy nữa kìa.
Hay là thà không có tiền lẻ, đằng này có mà lại lờ đi, khách hỏi lại tỏ thái độ khó chịu thì mình thấy bức xúc lắm.
Mình đi taxi, nhiều bác tài không có tiền lẻ còn niềm nở "chờ bác tí bác đi đổi..." nó không là gì nhưng khiến hành khách cảm thấy thoải mái bởi cái cách phục vụ tận tâm", tài khoản Q.R. bình luận.
Gay gắt hơn, bạn T.Y.V. chia sẻ: "Phải chăng 2.000 đồng ấy để "mua thái độ phục vụ" của tài xế, khi phải trả lại 1.000 hoặc 2.000 đồng ấy thì thái độ sẽ khác và không còn niềm nở.
Chỉ chút tiền lẻ trả lại mà tạo thành tiền lệ xấu thì thật không hay. Có lẽ mỗi khi đi taxi phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ".
Ảnh minh họa.
Cuộc tranh cãi về việc có nên hay không khi nam hành khách cương quyết yêu cầu tài xế taxi trả lại 2.000 đồng tiền thừa vẫn còn đang được các cư dân mạng tiếp tục bàn tán.
"Văn hóa tiền lẻ" không chỉ tồn tại ở những tài xế taxi mà bất kì ai cũng có thể bắt gặp hàng ngày. Trước những lời chỉ trích gay gắt đó của cộng đồng mạng, một số người cũng lên tiếng bênh vực cho anh tài xế và cho rằng chúng ta không nên quá chi li.
"Ở một số nước trên thế giới, tiền tips thể hiện sự văn hóa, vậy sao ở Việt Nam các bạn lại tỏ ra khó khăn dù chỉ là 1.000 - 2.000 đồng nhỉ?
Lúc nào các bạn cũng quan niệm rằng khách hàng có quyền được hưởng sự phục vụ tận tình và đây là nhiệm vụ hiển nhiên của lái xe vì người ta đang làm dịch vụ.
Nhưng các bạn cũng phải đặt mình vào địa vị của họ, cũng phải rất vất vả mới nhận được tiền xe từ bạn", Đ.N. bình luận.
"Hôm qua mình đi taxi ở Hà Nội, đưa tiền xong, anh tài xế nhẹ nhàng xin lỗi vì mới chở khách đầu tiên nên chưa có tiền lẻ và chỉ lấy 75.000 đồng thay vì 77.000 đồng.
Mặc dù phần lợi ở khách hàng nhưng anh tài xế vẫn xin lỗi vì không có tiền trả, khiến người ta cảm thấy thoải mái. Vậy nên, các bạn cũng không nên quá gay gắt như vậy, vì đâu phải tài xế taxi nào cũng có thái độ cư xử kém như vậy đâu", tài khoản Q.Đ. chia sẻ.
Câu chuyện được chia sẻ đã thu hút hơn hàng ngàn lượt xem và rất nhiều tranh luận từ cộng đồng mạng. Bởi nhiều người cho biết cũng từng gặp phải tình huống tương tự giống người chia sẻ.
Như mới đây, vấn đề trả lại tiền thừa bằng những cục kẹo trong siêu thị cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Nếu không có thì hãy nở một nụ cười và xin lỗi khách hàng. Ảnh minh họa
Tại siêu thị mỗi khi không có đủ tiền lẻ mệnh giá 200, 500 hoặc 1.000 đồng để trả khách, nhân viên thu ngân thường đưa cho khách một chiếc kẹo để thay thế.
Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các hệ thống siêu thị lớn nhỏ trong cả nước. Người tiêu dùng đôi khi không thực sự hài lòng với cách phục vụ này của nhà bán hàng.
Một bạn nhân viên từng làm siêu thị cũng chia sẻ: "Hồi trước đi siêu thị người ta cũng trả kẹo thì cũng khó chịu lắm. Đến lúc đi làm mới biết, 500 đồng tiền mặt thì hiếm, chỉ cần 2 hóa đơn bán là thiếu 1000, lúc ý mình đều phải móc tiền túi ra bù vào các bạn.
Siêu thị chỗ mình thì trả kẹo cao su đều là mua mới chứ không phải hàng hết hạn. Hoặc bên mình còn có cả phong bì.
Nó đều tương đương với 500 đồng hết. Thế nên mong mọi người đi mua hàng nghĩ thoáng hết. Chứ nhân viên như bọn mình chẳng lãi được nghìn nào ngoài đồng lương đâu".
Hay cao cấp hơn, ở trong một số quán nước hoặc quầy bar, thì những khoản tiền lẻ khi thanh toán thường được làm tròn, hoặc khách hàng chủ động đưa tròn tiền như 38.000 đồng thành 40.000 đồng xem như là tips cho nhân viên phục vụ. Giá trị không lớn nhưng nó mang lại sự thuận tiện cho cả hai bên.
T.Q. chủ quán cafe nhỏ chia sẻ: "Thực tế, nếu có tiền lẻ mình vẫn thường nhắc nhân viên dồn vào để trả lại khách. Trường hợp không có hoặc không thể đổi được tiền lẻ thì đành phải xin lỗi khách hàng hoặc đôi khi làm làm tròn xuống.
1.000 - 2.000 không đáng là bao nhưng làm sao khiến mọi người đều cảm thấy thoải mái và làm cho khách hàng hiểu là chúng mình - những người bán hàng không cố tình "ăn bớt" chút tiền lẻ của khách".
Vấn đề có hay không trả lại tiền lẻ cho khách hàng đang được mọi người quan tâm, đây không là câu chuyện tiền thừa, mà nó là cách ứng xử, nếu không có thì hãy nở một nụ cười và xin lỗi khách hàng, ai người ta lại đi bắt chẹt nhau 500 - 1.000 tiền thừa.