Ảnh: Nikkei Asia
*Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của Rick Newman, người phụ trách chuyên mục của trang tin tài chính Yahoo Finance. Ông từng cộng tác với Lầu Năm Góc và là phóng viên kinh doanh của US News & World Report. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách.
Vào năm 1997, các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh đến mức có thể vượt nền kinh tế Mỹ vào năm 2017.
Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã thực sự bùng nổ. Số dân hơn 1 tỷ người của nước này được xem như một bảo chứng khẳng định cuối cùng Trung Quốc cũng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào năm 2010, ngân hàng Goldman Sachs dự đoán nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để dẫn đầu thế giới vào năm 2030. Tờ The Economist còn táo bạo hơn khi dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2019. Bất cứ khi nào sự thay đổi diễn ra, nó sẽ báo hiệu một siêu cường kinh tế mới đang hình thành và sẵn sàng thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới.
Nhưng cho đến hiện tại, viễn cảnh ấy dường như vẫn còn quá xa xôi.
So sánh GDP của Mỹ và Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Yahoo Finance
Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó. 25 năm tăng trưởng thần tốc có thể sẽ kết thúc trước khi Trung Quốc đạt được vị thế siêu cường kinh tế. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể thoát khỏi đại dịch như cách mà Mỹ đã làm. Thay vì ngạc nhiên trước sự hồi phục thần kỳ, các nhà kinh tế hiện đang cân nhắc liệu những khó khăn của Trung Quốc có làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của kinh tế toàn cầu hay không.
Chuyên gia Desmond Lachman của viện American Enterprise Institute trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters rằng trong vòng 20 năm tới, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể làm lu mờ Mỹ. Nhà kinh tế học Paul Krugman còn so sánh Trung Quốc với Nhật Bản những năm 1990. Thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Nhật Bản chững lại, xoá nhoà những luận điểm về một quốc gia châu Á thống lĩnh thế giới.
Người đi mua hàng tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: Tingshu Wang/REUTERS
Trung Quốc hiện đang đối mặt với những vấn đề mang tính cơ cấu và chu kỳ. Ấn Độ đã vượt qua nước này để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào các dự án bất động sản nặng nợ để thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-24 tăng từ 18% hồi năm 2018 lên 21% ở thời điểm hiện tại.
Xuyên suốt 25 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng những nỗ lực như cắt giảm lãi suất và nhiều biện pháp khác gần đây đang khiến các nhà đầu tư lo lắng, từ đó dẫn đến tình trạng bán tháo cổ phiếu. Kinh tế Trung Quốc gặp khó có thể khiến các nhà đầu tư toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách Mỹ bị bất ngờ.
Song, một điều có thể khẳng định là nền kinh tế Trung Quốc không lụi tàn. Quốc gia này vẫn có thể giữ danh hiệu “công xưởng của thế giới”. Nhưng Trung Quốc sẽ có thêm nhiều quốc gia cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường và sự thống lĩnh của Mỹ vẫn chưa chấm dứt.
Theo Yahoo Finance