2019: Venezuela, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ
Trong năm qua, một số sự kiện xảy ra có thể được đưa vào danh sách thành công của Tổng thống Nga. Cuối năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria. Đây là một sự thừa nhận về thất bại của chính sách Mỹ trong việc loại bỏ Bashar Assad do Nga hậu thuẫn. Năm sau, ông Putin chặn đứng sự can thiệp của Mỹ vào Venezuela và Iran.
Trong suốt thời gian qua, sự liên lạc với các nước EU được tăng cường. Lãnh đạo của các quốc gia này nhiều lần ám chỉ về sự cần thiết phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Matxcơva. Nga được đưa trở lại PACE và đang có những kế hoạch đưa Matxcơva trở lại G8. Sự tiến triển được ghi nhận ở Ukraine, quốc gia có nhà lãnh đạo mới, người sẵn sàng nói chuyện với ông Putin về hòa bình ở Donbass. Định dạng Astana ở Syria đang mở rộng – Jordan và Ai Cập đã tham gia. Vào tháng 7, các hệ thống phòng không S-400 đầu tiên được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Máy bay Tu-160 của Nga có mặt tại Venezuela. (Ảnh: Globallookpress)
Trong 1 năm, ông Putin đã đạt được một loạt các thành công quan trọng trong ngoại giao. Về tổng thể đối ngoại 20 năm nắm quyền, có thể điểm lại những chiến thắng của ông chủ điện Kremlin.
Ngăn chặn sự tan rã của Nga
Công lao chính của người đứng đầu hiện tại điện Kremlin là việc ông đã ngăn chặn sự chia rẽ của đất nước. Đầu những năm 2000, mối đe dọa đó là hiện hữu. Nếu như mất Chechnya, chủ nghĩa ly khai sẽ lan sang Dagestan và phần còn lại của Bắc Kavkaz, từ đó đến vùng Volga, Siberia và Viễn Đông. Ông Putin từng nói rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là thảm kịch địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Sự tan rã của Nga sẽ là một thảm họa đối với EU và Trung Quốc.
Sự đấu tranh cứng rắn và không khoan nhượng chống khủng bố, mà các nhà báo tự do và phương Tây thường chỉ trích, cho phép Nga duy trì là chủ thể, chứ không phải khách thể của nền chính trị thế giới, giống như một số quốc gia Trung Đông.
“Đưa nước Nga vĩ đại trở lại”
Việc giữ gìn sự thống nhất tạo điều kiện cho thành tựu thứ hai của ông Putin. Nga một lần nữa trở thành một cường quốc. Cải cách quân đội và hiện đại hóa tiềm năng hạt nhân cho phép Matxcơva duy trì vị thế thứ hai trên thế giới về sức mạnh quân sự sau Washington. Vladimir Putin giới thiệu về các hệ thống vũ khí tối tân của Nga trong thông điệp gửi Hội đồng Liên bang năm ngoái.
Nga cũng đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu vũ khí. Hệ thống phòng không S-400 được Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ mua, được Iran, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út và Qatar đang rất quan tâm. Máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 cũng tạo ra sự thu hút không kém đối với các đối tác nước ngoài.
Cường quốc năng lượng
Dưới thời Putin, Nga khôi phục được vị thế của một cường quốc năng lượng. Sản lượng xuất khẩu khí đốt tăng lên từng ngày. Cả “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đều đang được xây dựng dẫn tới Liên minh châu Âu. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như sự phát triển “năng lượng xanh” ở châu Âu, thậm chí cả việc vận chuyển LNG của Mỹ cho Ba Lan và Tây Ban Nha, đều không thể ngăn chặn điều này.
Nga xây dựng "Dòng chảy phương Bắc-2". (Ảnh: Globallookpress)
Việc tái lập vị thế cường quốc được chứng minh bằng sự hiện diện của Nga ở tất cả các khu vực trên thế giới. Matxcơva hiện đang hiện diện ở tất cả 10 cuộc xung đột quốc tế gay gắt nhất với các mức độ khác nhau.
Nga đang trở lại: Từ Venezuela đến Trung Quốc
Dưới thời Putin, Nga đã xoay sở để lấy lại các phạm vi ảnh hưởng truyền thống còn lại sau năm 1991 – Mỹ Latinh và châu Phi. Ngay “dưới mũi” Mỹ, tại Venezuela, máy bay ném bom Tu-160 phô diễn sức mạnh. Truyền thông Mỹ và châu Âu khiến độc giả lo ngại với các căn cứ của Nga ở Cộng hòa Trung Phi và Libya. Đề cập tới việc tăng cường hiện diện của Nga tại châu Phi, tờ Financial Times viết: “Chúng tôi không biết những gì họ đang làm ở đó, nhưng chúng tôi không thích như vậy”.
Tháng 10/2019, tại Sochi, Hội nghị thượng đỉnh “Nga-châu Phi” lần đầu tiên được tổ chức. Còn nếu là một hội nghị tương tự với các nước Trung Đông, ở cấp Bộ trưởng ngoại giao, thì đây không phải năm đầu tiên. Và vào tháng 4, diễn đàn hợp tác lần thứ 6 giữa Nga và Liên đoàn Ả-rập đã được tổ chức tại Matxcơva.
Bắc Cực tập hợp Nga, EU và Trung Quốc
Nói về sự hiện diện của Nga trên thế giới, không thể không nhắc đến Bắc Cực. Ông Putin tìm cách thu hút các quốc gia châu Âu (Pháp) và châu Á (Nhật Bản và Hàn Quốc) để khai khẩn các mỏ khí ở Bắc Cực. Trung Quốc cũng quan tâm đến khu vực này. Bắc Kinh từng nói về sự cần thiết phải kết hợp “Tuyến đường biển phía Bắc” vào dự án “Vành đai, Con đường”. Và tất cả các dự án kinh doanh này đều được sắp xếp dựa trên ưu thế quân sự của Nga, quốc gia sở hữu đội tàu phá băng vượt trội hơn tất cả các quốc gia ven biển cộng lại.
Buộc Thổ Nhĩ Kỳ “dừng tay”
Vấn đề Syria xứng đáng được đề cập tới riêng. Lần đầu tiên trong thế kỷ mới, Nga có sự can thiệp dứt khoát và chấm dứt sự bất ổn tại đất nước Trung Đông này. Đã 4 năm kể từ ngày Nga gửi lực lượng không quân vũ trụ của mình tới đây. Quyết định lịch sử này giúp mở rộng quyền lực của Damascus từ 20 ra 70% lãnh thổ đất nước và đuổi IS ra khỏi Syria. Các nước trong khu vực bắt đầu nhận ra vai trò của Matxcơva. Bằng chứng mạnh mẽ về ảnh hưởng của điện Kremlin trong khu vực là chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Ả-rập Xê-út tới Nga vào năm 2017 và những chuyến thăm thường xuyên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Nga.
Cuộc xung đột Syria đã đưa Matxcơva và Ankara đến bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, sự khôn ngoan và kiên nhẫn của một Tổng thống Nga giàu kinh nghiệm không chỉ giúp tránh được tình trạng gia tăng căng thẳng mà còn buộc ông Recep Erdogan phải thành lập liên minh tạm thời với Nga, bất chấp tư cách thành viên NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. (Ảnh: Globallookpress)
Liên minh Á-Âu
Ở châu Âu, thành công của ông Putin tuy khiêm tốn hơn nhưng lại có thể cho thấy rằng, tại đây đang có một sự sụp đổ thực sự. Cuộc xung đột với Ukraine khiến Nga phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của EU, vốn đánh vào nền kinh tế của nước này. Matxcơva chuyển hướng sang phương Đông và thực hiện thành công sự thay thế nhập khẩu trong nông nghiệp.
Những nỗ lực của Brussels đưa Ukraine vào EU càng khiến Kremlin nhận thấy sự cần thiết phải tạo ra dự án địa chính trị của riêng mình – Liên minh Á-Âu – thay vì trở thành một phần của chính châu Âu. Mặc dù có vấn đề với Gruzia và Ukraine, nhưng Liên minh Á-Âu đang phát triển. Tại hội nghị thượng đỉnh EAEU gần đây nhất ở Yerevan, Tổng thống Moldova đã tham gia, còn Uzbekistan cũng đã sẵn sàng gia nhập.
Chấm dứt “các cuộc cách mạng màu”
Chiến thắng ở Syria, sự xích lại gần hơn của Uzbekistan và Moldova với Nga, sự sáp nhập của Crưm – tất cả những sự kiện này cho thấy ông Putin đã có thể đối phó được với dự án “các cuộc cách mạng màu”. Gruzia và Ukraine vẫn chưa thể gia nhập NATO và EU. Sự thất bại của các ông Poroshenko và Saakashvili chứng minh rằng, Tbilisi và Kiev không còn cách nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với những người mà họ chung sống suốt nhiều thế kỷ trong cùng một nền văn minh.
Đa cực và truyền thống
Chính sách đối ngoại của Putin không chỉ có nguyên liệu mà còn là một thành phần giá trị. Nó dựa trên hai trụ cột: một thế giới đa cực và bảo vệ văn hóa truyền thống. Trong bài phát biểu tại Munich năm 2007, Putin lần đầu tiên chỉ trích thế giới đơn cực và các hành động phá hoại đơn phương của Hoa Kỳ. Trong những năm sau đó, ông tích cực tham gia bảo vệ các giá trị gia đình, tôn giáo truyền thống .
Thái độ đối với Putin trên thế giới là khác nhau. Nhưng không ai có thể phủ nhận một sự thật: Putin là chính trị gia nổi bật nhất thế kỷ 21. Năm 2016, lần thứ tư liên tiếp, Tổng thống Nga đứng đầu trong danh sách “Những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới” của ấn phẩm Forbes.
Ở tuổi 67, ông Putin vẫn đang có ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp đến nỗi ngay cả chính trị gia mạnh mẽ nhất cũng không thể đương đầu với mọi thách thức.
Những cuộc xung đột đóng băng vẫn đang tồn tại dọc theo vành đai biên giới của Nga: Nagorno-Karabakh, Transnistria, Nam Ossetia và Abkhazia. Với Nhật Bản, cũng chưa có tiến triển gì trong vấn đề Kuril. Châu Âu vẫn đang xây dựng chính sách của mình đối với Nga với con mắt hướng về phía Mỹ. Còn Washington thì chưa bao giờ ngừng coi Matxcơva là đối thủ địa chính trị chính của mình.