20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30?

Hà Phương |

Toàn bộ 20 cầu thủ được HLV Park Hang-seo mang sang Philippines đều đã được luân phiên sử dụng để mang lại hiệu quả là tấm HCV SEA Games 30.

1.Bùi Tiến Dũng (180 phút)

Người hùng của U23 Việt Nam tại VCK giải U23 châu Á 2018 chỉ được bắt chính 2 trận tại SEA Games năm nay (gặp U22 Brunei và U22 Indonesia ở vòng bảng). Sau sai lầm dẫn đến bàn thua trong trận đấu với đội bóng xứ vạn đảo, Tiến Dũng đã phải nhường vị trí cho Văn Toản.

20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30? - Ảnh 1.

Tiến Dũng phải nhường suất bắt chính cho Văn Toản sau khi mắc sai lầm ở trận gặp Indonesia tại vòng bảng.

2.Nguyễn Văn Toản (450 phút)

Mặc dù mắc sai lầm trong trận đấu cuối cùng vòng bảng với U22 Thái Lan nhưng sau đó được sự tin tưởng và động viên của HLV Park Hang-seo cũng như Ban huấn luyện, Văn Toản đã đứng dậy và chơi ngày càng hay, đặc biệt là bảo vệ nguyên vẹn mành lưới nhà trong 2 trận bán kết và chung kết.

20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30? - Ảnh 2.

Văn Toản có đóng góp lớn giúp U22 Việt Nam vô địch SEA Games.

3.Huỳnh Tấn Sinh (360 phút)

Bị chấn thương trong trận đấu đầu tiên gặp U22 Brunei nhưng Tấn Sinh đã hồi phục kịp thời để trở lại trong giai đoạn cuối của giải, hợp cùng Thành Chung-Văn Hậu tạo nên bộ ba trung vệ chắc chắn và ổn định cho U22 Việt Nam trong những trận đấu quan trọng.

4.Đoàn Văn Hậu (540 phút)

Là một trong 2 cầu thủ thi đấu nhiều nhất tại SEA Games 30 (cùng với Thành Chung), Văn Hậu chứng tỏ anh không chỉ chơi tốt ở vị trí hậu vệ trái mà còn ở vị trí trung vệ. Ở trận chung kết, cầu thủ thuộc biên chế CLB Heerenven (Hà Lan) này là người lập cú đúp, góp phần quan trọng giúp bóng đá Việt Nam giải tỏa cơn khát vàng SEA Games.

20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30? - Ảnh 3.

Văn Hậu đã có một giải đấu quá xuất sắc.

5.Nguyễn Thành Chung (540 phút)

Đây là một giải đấu cực kỳ thành công của Thành Chung. Không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò một trung vệ, Thành Chung còn thường xuyên lên tham gia tấn công và uy hiếp khung thành đối phương bằng những pha đánh đầu. Dấu ấn lớn nhất của Thành Chung là cú đánh đầu ngược gỡ hòa 1-1 cho U22 Việt Nam trong trận đấu vòng bảng với U22 Indonesia.

6.Lê Ngọc Bảo (253 phút)

Lần đầu tiên khoác áo U22 Việt Nam ở một giải đấu lớn, Ngọc Bảo đã chơi khá tốt mỗi khi được tung vào sân. Với đà này, cầu thủ của CLB Phố Hiến sẽ tiếp tục đóng vai trò nhất định trong thành phần U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2020 sắp tới.

7.Đỗ Thanh Thịnh (377 phút)

Được phát hiện ở vòng loại U23 châu Á 2020, Thanh Thịnh tiếp tục chứng tỏ được mình trong vai trò hậu vệ cánh trái. Với sự ổn định lên công về thủ nhịp nhàng của Thanh Thịnh, HLV Park Hang-seo yên tâm khi đưa Văn Hậu vào đá trung vệ mỗi khi cần thiết.

8.Nguyễn Đức Chiến (431 phút)

Cầu thủ của Vietel vốn là một trung vệ và cũng xuất phát trong những trận đấu đầu tiên ở vị trí này. Tuy nhiên trong 2 trận đấu cuối gặp U22 Campuchia và U22 Indonesia, Đức Chiến được HLV Park Hang-seo đôn lên vị trí tiền vệ trung tâm và đã chơi rất thành công. Đây có thể coi là một trong những phát hiện lớn nhất của U22 Việt Nam ở SEA Games 30.

9.Hồ Tấn Tài (290 phút)

Hậu vệ của Bình Dương đã chơi khá thành công ở giải đấu năm nay mỗi khi được vào sân. Với sự có mặt của Tấn Tài bên hành lang cánh phải, HLV Park Hang-seo có thể đẩy Trọng Hoàng lên chơi cao hơn để tăng cường sức tấn công cho U22 Việt Nam.

10.Trần Thanh Sơn (141 phút)

Đá trọn vẹn duy nhất 1 trận đấu (gặp U22 Lào) và bị thay ra giữa chừng ở trận đấu với U22 Thái Lan, Thanh Sơn mới chỉ chơi tròn vai và vẫn chưa bứt lên được trong vai trò tiền vệ trung tâm của U22 Việt Nam.

11.Trương Văn Thái Quý (111 phút)

So với vòng loại U.23 châu Á 2020 hồi tháng 3, Thái Quý sa sút khá nhiều và đang đánh mất vị trí của mình ở U22 Việt Nam. Tại SEA Games 30, tiền vệ của CLB Hà Nội này chỉ được đá chính duy nhất 1 trận và cũng bị thay ra giữa chừng.

12.Triệu Việt Hưng (360 phút)

Không tạo nên khoảnh khắc bùng nổ như ở vòng loại U23 châu Á 2020 nhưng Việt Hưng cũng đã quán xuyến tốt tuyến giữa của U22 Việt Nam mỗi khi có mặt trên sân. Tại SEA Games 30, Việt Hưng cũng đóng góp 1 bàn trong trận đấu với U.22 Brunei ở vòng bảng.

13.Bùi Tiến Dụng (123 phút)

Cũng giống như anh trai Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng cũng không có nhiều đóng góp cho U22 Việt Nam ở SEA Games 30 khi chỉ được đá chính duy nhất 1 trận (gặp U22 Brunei) và dấu ấn cũng khá mờ nhạt.

14.Nguyễn Quang Hải (202 phút)

Chấn thương đã khiến Quả bóng Vàng Việt Nam 2018 không thể góp mặt cùng đồng đội trong những trận đấu cuối cùng của SEA Games 30. Dù vậy những nỗ lực của Quang Hải trong các trận đấu trước cũng hết sức đáng ghi nhận. Mà nổi bật là bàn ấn định chiến thắng 6-0 trước U22 Brunei hay tình huống tạo nên siêu phẩm sút xa của Hoàng Đức trong trận gặp U22 Indonesia ở vòng bảng.

20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30? - Ảnh 4.

Chấn thương khiến Quang Hải không thể đóng góp quá nhiều vào thành tích vàng của U22 Việt Nam.

15.Đỗ Hùng Dũng (463 phút)

Là một trong những cầu thủ chơi năng nổ nhất, Hùng Dũng đã chứng tỏ giá trị của mình trong vai trò nhạc trưởng ở tuyến giữa của U22 Việt Nam. Trong trận chung kết, tiền vệ sinh năm 1993 này đã tỏa sáng rực rỡ với 1 bàn thắng và 1 đường kiến tạo thành bàn. Đây là kỳ SEA Games đầu tiên và sẽ không thể nào quên của Hùng Dũng.

20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30? - Ảnh 5.

Hùng Dũng có vai trò cực lớn giúp U22 Việt Nam giành HCV SEA Games.

16.Nguyễn Trọng Hoàng (538 phút)

Hoàng "bò" đã chứng tỏ cho mọi người thấy vì sao HLV Park Hang-seo chọn anh là 1 trong 2 cái tên quá tuổi để bổ sung cho U22 Việt Nam. Chơi được ở bất kỳ vị trí nào mà HLV cần (trừ thủ môn), Trọng Hoàng thực sự là "anh cả" và là tấm gương trên mọi phương diện của U22 Việt Nam tại giải đấu đáng nhớ này.

17.Nguyễn Hoàng Đức (421 phút)

Dấu ấn lớn nhất của Hoàng Đức tại SEA Games 30 là cú nã đại bác ở phút bù giờ cuối cùng trong trận đấu với U22 Indonesia ở vòng bảng. Không chỉ có vậy, cầu thủ của Viettel còn cho thấy sự đa năng của mình khi chơi khá ổn khi được kéo về vị trí tiền vệ tổ chức (thay cho Quang Hải chấn thương). Chắc chắn SEA Games 30 sẽ là đòn bẩy để Hoàng Đức tiếp tục tiến bộ hơn nữa trong thời gian tới.

20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30? - Ảnh 6.

Trọng Hoàng (giữa) và Hoàng Đức (phải) đều để lại nhiều dấu ấn ở SEA Games 30.

18.Nguyễn Trọng Hùng (98 phút)

Chỉ đá chính đúng trận đầu tiên (ghi 1 bàn), sau đó gặp chấn thương và chỉ kịp trở lại vào sân thay người ở trận cung kết. Tuy nhiên Trọng Hùng cho thấy anh là một viên ngọc có thể tiếp tục mài giũa để tỏa sáng ở những giải đấu sau.

19.Nguyễn Tiến Linh (443 phút)

Thành công ở ĐTQG giúp Tiến Linh tự tin hơn nhiều khi khoác áo U22 Việt Nam tại SEA Games 30. Trong vai trò tiền đạo cắm, Tiến Linh đã ghi được 6 bàn tại SEA Games năm nay trong đó có 1 cú hat trick vào lưới U22 Lào, một cú đúp vào lưới U22 Thái Lan và 1 bàn vào lưới U22 Campuchia.

20 chàng trai U22 Việt Nam đã thể hiện như thế nào ở SEA Games 30? - Ảnh 7.

Hai tiền đạo Đức Chinh và Tiến Linh đều có một kỳ SEA Games cực kỳ thành công.

20.Hà Đức Chinh (467 phút)

Bị nghi ngờ khá nhiều trước thềm SEA Games 30 nhưng Đức Chinh đã chứng tỏ một phong độ tuyệt vời trong suốt cả giải đấu năm nay. Cú poker vào lưới U22 Brunei, cùng với 1 bàn vào lưới U22 Singapore và cú đúp vào lưới U22 Campuchia trong trận bán kết cho thấy SEA Games năm nay đúng là giải đấu của Chinh "đen" - chân sút xuất sắc nhất của U22 Việt Nam với 7 bàn thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại