2 tỉnh miền Tây sắp có thêm thành phố, quy hoạch là khu kinh tế biển, giữ vai trò kết nối chủ chốt của Đồng Bằng Sông Cửu Long

Tiểu Bảo |

Theo quy hoạch, đến năm 2030 ngoài thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, tỉnh An Giang có thêm thành phố Tân Châu (hiện đang là thị xã Tân Châu). Trong khi tỉnh Tiền Giang sẽ có thêm thành phố Gò Công và thành phố Cai Lậy.

2  tỉnh miền Tây sắp có thêm thành phố, quy hoạch là khu kinh tế biển, giữ vai trò kết nối chủ chốt của Đồng Bằng Sông Cửu Long- Ảnh 1.

Quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh An Giang có 27 đô thị, gồm 1 đô thị loại 1; 1 đô thị loại 2; 2 đô thị loại 3; 12 đô thị loại 4 và 11 đô thị loại 5 . Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh An Giang đặt ra 3 nhóm mục tiêu về kinh tế; xã hội và môi trường với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng/năm; kinh tế số đạt trên 20% GRDP.

Các đột phá phát triển gồm: Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.

Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

Tỉnh An Giang sẽ tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang); phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.

Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang theo Quyết định 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ có thêm thành phố Gò Công và thành phố Cai Lậy. Quyết định nêu mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Tp.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Về tổ chức không gian, quy hoạch xác định ba vùng kinh tế - xã hội của tỉnh; cùng với đó là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo bốn hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh theo các trục giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh, bảo đảm kết nối hiệu quả các hệ thống hạ tầng của tỉnh với vùng và quốc gia.

Về phương án phát triển hệ thống đô thị, phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, vị trí địa lý, văn hóa của từng đô thị và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất.

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 25 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (thành phố Mỹ Tho), 2 đô thị loại III (thành phố Gò Công và thành phố Cai Lậy), 8 đô thị loại IV (Mỹ Phước, Cái Bè, An Hữu, Chợ Gạo, Tân Hiệp, Vĩnh Bình, Tân Hòa, Vàm Láng). 14 đô thị loại V, trong đó có 2 đô thị đô thị xây dựng mới là Phú Thạnh và Tân Điền. Huyện Châu Thành đạt một số tiêu chí của thị xã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại