SCMP đưa tin ngày 27/2 cho hay, Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện 100 vụ phóng để đưa hơn 300 tàu vũ trụ lên quỹ đạo vào năm 2024 – một kỷ lục quốc gia mới và tăng mạnh (gần 50%) so với năm 2023
Trong số đó, khoảng 70 vụ phóng sẽ được thực hiện bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu vũ trụ chính của nước này đã tiết lộ trong Sách Xanh thường niên vào thứ Hai 26/2. Các vụ phóng còn lại sẽ được các công ty tư nhân thực hiện.
Theo Sách Xanh, các sứ mệnh không gian lớn trong năm 2024 sẽ bao gồm hai chuyến bay có phi hành đoàn và hai chuyến bay chở hàng tới Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc hiện đang di chuyển trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO).
Trong số đó, không thể không nhắc đến sứ mệnh đáng mong chờ nhất trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc: Chang'e-6.
Chang'e-6 cần 9 bước để hoàn thành mỹ mãn
CASC cho biết họ sẽ tăng cường sức mạnh vũ trụ của Trung Quốc thông qua việc thực hiện sứ mệnh Chang'e-6 nhằm: Đưa tàu vũ trụ hạ cánh tại vùng tối của Mặt trăng ở lưu vực Nam Cực-Aitken, thu thập mẫu vật và mang về Trái đất nghiên cứu.
CGTN đưa tin ngày 28/2 cho biết, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 trước khi phóng tàu vũ trụ của Chang'e-6. Queqiao-2 được thiết kế để cho phép liên lạc giữa vùng tối của Mặt trăng và Trái đất.
Không giống như các sứ mệnh lấy mẫu ở vùng sáng Mặt trăng trước đây của Trung Quốc, liên lạc trực tiếp giữa Chang'e-6 và Trái đất sẽ bị mất khi Chang'e-6 thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu, do đó, vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 sẽ giúp quá trình liên lạc này không bị ngắt quãng. Trên thế giới hiện nay chỉ có Trung Quốc có vệ tinh chuyển tiếp đặc biệt như vậy.
Sứ mệnh Chang'e-6 của Trung Quốc cần khoảng 9 bước để hoàn thành toàn bộ sứ mệnh lấy mẫu Mặt trăng ở vùng tối, bao gồm:
Phần phóng tàu vũ trụ của Chang'e-6; phần bay quanh Mặt trăng; phần tách tàu (tàu đổ bộ và tàu quỹ đạo Mặt trăng); phần hạ cánh lên bề mặt vùng tối; phần làm việc (thu thập mẫu) trên bề mặt Mặt trăng; phần di chuyển trên bề mặt Mặt trăng; phần điểm hẹn và lắp ghép với tàu quỹ đạo Mặt trăng; phần di chuyển về Trái đất; và phân đoạn phục hồi (lấy mẫu vật).
Dù các bước này giống với sứ mệnh Chang'e-5 đã thực hiện thành công trước đó của Trung Quốc, song nhiệm vụ lần này thực hiện ở vùng tối nên mọi thứ đều bắt đầu lại từ vạch xuất phát.
Trung Quốc sẽ mang đến những bất ngờ chưa từng có
Đối với sứ mệnh Chang'e-6, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều đột phá hơn - những đột phá trong các công nghệ chủ chốt như thiết kế và điều khiển quỹ đạo ngược của Mặt trăng, lấy mẫu thông minh ở vùng tối Mặt trăng và cất cánh rồi bay lên từ vùng tối.
Điều quan trọng nhất là bước lấy mẫu Mặt trăng ở vùng tối này là một điều bất ngờ chưa từng có đối với nhân loại.
Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học ở Harvard (Mỹ), người theo dõi các vụ phóng tên lửa và các hoạt động không gian trên toàn thế giới, cho biết hiện ông quan tâm nhất đến sứ mệnh Chang'e-6, dự kiến sẽ cất cánh vào tháng 5/2024.
Ông cho biết, cho đến nay không có quốc gia nào - thậm chí cả Mỹ - thực hiện một sứ mệnh thu thập mẫu vật ở vùng tối Mặt trăng, và việc cho tàu hạ cánh xuống khu vực này khó hơn rất nhiều so với vùng sáng. "Chang'e-6 chắc chắn là sứ mệnh thách thức nhất mà Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện vào năm 2024".
Chưa hết, đối với Chang'e-6, khu vực mẫu được thu thập nằm ở lưu vực Nam Cực-Aitken vùng tối Mặt trăng - đây là miệng núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt trời và giá trị của nó chắc chắn sẽ rất cao.
Không dừng ở đó, Chang'e-6 không chỉ lấy mẫu mà còn là một phần của việc xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS). Sau Chang'e-6, Trung Quốc sẽ triển khai tiếp các sứ mệnh Chang'e-7 và 8 - tất cả nhằm xây dựng một trạm ILRS vào những năm 2030.
Bàn về năng lực thám hiểm không gian của Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia Jonathan McDowell cho biết thêm, điểm khác biệt lớn giữa Trung Quốc và Mỹ là tên lửa đẩy của chính phủ vẫn đóng vai trò rất lớn trong các vụ phóng của Trung Quốc, nhưng điều đó không còn đúng ở Mỹ nữa.
Vào năm 2024, chỉ riêng công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk, có trụ sở tại Texas, Mỹ đang nhắm tới 144 sứ mệnh quỹ đạo, tiếp tục tăng nhịp độ phóng từ khoảng 4 ngày phóng một lần lên 3 ngày phóng một lần.
Một điểm khác biệt nữa là khả năng tái sử dụng tên lửa, đặc biệt là việc tái sử dụng tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 của SpaceX, “điều mà Trung Quốc chưa làm được”, McDowell nói.
Tầng đầu tiên của Falcon 9 đã được sử dụng tới 19 lần để giảm đáng kể chi phí phóng. Ở Trung Quốc, chỉ một số ít công ty khởi nghiệp thực hiện cái gọi là "thử nghiệm nhảy vọt" để nâng và hạ cánh nguyên mẫu tên lửa có thể tái sử dụng lên không trung vài trăm mét.
Sách Xanh cho biết, vào năm 2024, CASC sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên của hai mẫu tên lửa mới là March 6C và Long March 12, cả hai mẫu này đều không thể tái sử dụng.
Các công ty phóng tên lửa tư nhân như LandSpace, Galactic Energy và Orienspace đang nhắm đến chuyến bay đầu tiên vào năm 2025 cho tên lửa tái sử dụng của họ.
Tham khảo: SCMP, Sohu, CGTN