2 nam sinh người Nùng địu em đến lớp: Nhà nghèo, dậy từ 4h sáng vượt đèo đi bộ đến trường nhưng học lực giỏi, chăm học

VŨ TRỊNH |

Đoạn video của ba anh em người Nùng khiến dân mạng không khỏi xúc động.

Với trẻ con thành phố, việc đi học hẳn sẽ không phải là một mong cầu quá lớn lao bởi cứ đến tuổi là ai nấy cũng đều được cắp sách đến trường như một lẽ thường tình. Nhưng nếu đã từng ghé thăm những nơi có địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và bà con đa phần chỉ trông vào việc làm rẫy làm nương thì việc cho con đến trường không phải là điều đơn giản.

Mới đây, một clip do một thầy giáo tiểu học đăng tải đã lay động cư dân mạng. Clip ghi lại cảnh hai nam sinh phụ đỡ em bé chừng 2, 3 tuổi lên lưng để địu em về sau giờ tan lớp. Chỉ trong thời gian ngắn, câu chuyện này đã thu hút về gần 4 triệu lượt xem, hơn 360.000 lượt tương tác. Ai cũng xúc động khi chứng kiến cảnh những học trò vùng cao phải vô cùng vất vả để tới lớp tìm lấy con chữ nhưng vẫn dành tình yêu thương cho nhau.

Hai anh em người Nùng phụ nhau địu em về nhà sau khi tan học  

Những thước phim này được ghi lại tại điểm trường Tâm Mi, trường tiểu học Công Đa, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Xã này cách trung tâm thành phố Tuyên Quang khoảng 35km và là khu vực tập trung đông bà con người dân tộc Nùng. 

Được biết, hai học sinh cùng em bé được địu đến lớp trong clip trên là 3 anh em ruột. Vì bố mẹ bận lên nương, không có ai trông em nhỏ nên cả hai quyết định địu em tới trường. Như vậy vừa thuận tiện chăm sóc em lại không để mất bài vở.

Anh cả là Dương Văn Tuấn, hiện là học sinh lớp 4E còn em sau là Dương Văn Mạnh đang học lớp 2C. Gia đình 3 em hoàn cảnh rất khó khăn, cả nhà đều trông vào việc làm nương rẫy của bố mẹ. 

Nhưng cả Tuấn và Mạnh đều rất ngoan ngoãn, hay phụ bố mẹ công việc nhà và đặc biệt là rất chăm học. Riêng Tuấn suốt nhiều năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Những hôm cha mẹ vắng nhà, hai anh em thay phiên nhau cõng theo em út đến lớp, lượt đi anh lớn cõng thì lượt về anh thứ lại là người thế.

Chưa kể, những ngày có lịch học từ sáng đến chiều, hai anh em phải dậy từ 4h sáng khi nghe tiếng gà gáy để nấu cơm, chuẩn bị thức ăn mang theo vì quãng đường đi lại khá xa và khó khăn.

Ý chí vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống của học sinh người Nùng  

Theo thầy Đinh Đình Dương, giáo viên trường tiểu học Công Đa, nhà của 3 em nhỏ cách điểm trường chừng 1,5 km. So với các em học sinh khác trong điểm trường thì quãng đường này tương đối gần nhưng cái khó là nằm ở địa hình đường sá gồ ghề, đồi núi, chủ yếu toàn đất và sỏi đá.

Hằng ngày các em đều đi bộ để đến trường. Tuy nhiên, mới đây, hai anh em được thầy giáo tặng cho một chiếc xe đạp nên dường như quãng đường đi học trở nên ngắn hơn.

2 nam sinh người Nùng địu em đến lớp: Nhà nghèo, dậy từ 4h sáng vượt đèo đi bộ đến trường nhưng học lực giỏi, chăm học - Ảnh 3.
2 nam sinh người Nùng địu em đến lớp: Nhà nghèo, dậy từ 4h sáng vượt đèo đi bộ đến trường nhưng học lực giỏi, chăm học - Ảnh 4.

Kể thêm về điểm trường Tâm Mi, thầy Dương cho biết, cả điểm hiện nay chỉ có 6 học sinh theo học lớp 4 và lớp 5, vì vậy các em được học lớp ghép. Ở khu vực này, đường sá đi lại vẫn chưa được hoàn thiện, nhiều nơi còn địa hình hiểm trở do đặc thù đồi núi nên vẫn gây khó khăn khi di chuyển. 

Ngoài ra, việc chưa có sóng điện thoại và chưa có điện lưới quốc gia cũng là những thách thức mà các học sinh điểm trường Tâm Mi phải vượt qua. Chưa kể điều kiện cơ sở vật chất của trường lớp còn vô cùng thiếu thốn và tạm bợ.

Tuy nhiên, những khó khăn trên chưa bao giờ cản bước các học sinh đến lớp tìm con chữ. Thầy Dương chia sẻ, ngoài 2 tuần đầu tiên mới nhận lớp ra, khoảng thời gian còn lại học sinh đều ngoan ngoãn và đến dự lớp đầy đủ, chỉ trừ những hôm mưa lũ.

Quang cảnh lớp học tại điểm trường Tâm Mi  

Thầy giáo trẻ này chia sẻ thêm, cả điểm trường nhỏ này hiện chỉ có 1 giáo viên là thầy Dương. Thầy được phân công về công tác ở đây từ năm học 2020 - 2021. Trong thời gian gắn bó với các học trò người Nùng, thầy chia sẻ mình chỉ gặp khó khăn về việc đi lại, còn mọi thứ khác đều ổn. Điều làm thầy cảm thấy hài lòng nhất là tinh thần hiếu học, chăm chỉ đến lớp của các học sinh nhỏ.

Tin rằng với những nỗ lực của các học sinh tại Tâm Mi thì không xa nữa các em sẽ tìm kiếm được cơ hội thay đổi cuộc đời bằng tri thức.

Clip, ảnh: Nhân vật cung cấp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại