2 món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Tết Hàn thực 3/3

Bảo Bình |

Lễ vật cúng ngày Tết Hàn Thực gồm: Hương, hoa, trầu cau và 5 (hoặc 3) bát bánh trôi, 3 (hoặc 5 bát) bánh chay được bày trang trọng lên ban thờ tổ tiên.

Ý nghĩa của bánh trôi bánh chay trong ngày Tết Hàn thực

Tết Hàn thực ở Việt Nam bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc được lưu truyền tới ngày nay.

Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh.

Tết Hàn thực 3/3 hàng năm, món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt khi dâng lên ban thờ tổ tiên là bánh trôi, bánh chay.

Trao đổi với Pv Dân trí về ý nghĩa của việc cúng 2 loại bánh này trong ngày Tết Hàn thực, Ts. Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng Khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ trong ngày Tết Hàn thực ở nước ta mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Thứ nhất nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Ngoài ra, nó còn bắt nguồn từ tích truyện "bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ". Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.

2 món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Tết Hàn thực 3/3 - Ảnh 1.

Bánh trôi, bánh chay được tạo màu đẹp mắt. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, trao đổi thêm về ý nghĩa của việc cúng bánh trôi bánh chay trong ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền chia sẻ trên báo Vietnamnet, khi tiết trời bước sang tháng 3 sẽ bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè.

Vì vậy người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.

Bên cạnh đó, nguyên liệu làm bánh trôi bánh chay từ gạo và đỗ - 2 sản vật đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước. Với hàm ý cầu nguyện cho thời tiết mưa thuận, gió hòa, mùa màng được bội thu.

Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu cũng cố gắng về với gia đình để đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp.

Văn khấn Tết Hàn thực (Theo Văn khấn nôm truyền thống - NXB Thanh Hóa)

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là:...........

Ngụ tại:………………………

Hôm nay là ngày……………………….. gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao Tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ..................... cúi xin thương xót con cháu giáng về linh chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận...

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại