2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: "Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước..."

VĂN TIÊN - CLIP: LAN ANH |

Vì sai sót của bệnh viện, 2 bé gái phải sống xa ba mẹ ruột suốt 3 năm ròng. Đến khi gặp lại, tưởng rằng hai đứa trẻ sẽ bắt đầu cuộc sống mới nhưng số mệnh kỳ lạ lại đưa chúng trở về với nhau, cùng lớn lên trong một gia đình.

Cuộc sống của hai bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước giờ ra sao sau hơn 6 năm về chung một nhà

Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước một ngày cuối tháng 4/2022, men theo con đường đất đỏ, chúng tôi tìm đến nhà anh Vũ Đình Khiên (42 tuổi). Loay hoay sửa lại quần áo cho 2 đứa trẻ, trên chiếc xe máy cà tàng, anh Khiên nở một nụ cười hiền hậu rồi đèo con đi học.

Lan Anh và Ngọc Yến là 2 đứa trẻ bị BV Đa khoa thị xã Bình Long trao nhầm vào 9 năm trước. Cả 2 đều sinh vào ngày 10/1/2013, Lan Anh là con của chị Trang (32 tuổi) và anh Khiên, còn Ngọc Yến là con của chị Liên (30 tuổi, ngụ huyện Hớn Quản, dân tộc S’tiêng). Tuy nhiên, trong lúc tắm cho 2 đứa bé, một nữ hộ sinh đã trao nhầm con cho 2 bà mẹ khiến cuộc sống của 2 đứa trẻ thay đổi hoàn toàn. Ngọc Yến được về sống với anh Khiên và chị Trang, trong khi Lan Anh phải vào trong Sóc để bắt đầu cuộc sống chung với người đồng bào.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 2.

Ngọc Yến và Lan Anh sau 9 năm bị trao nhầm ở bệnh viện thị xã Phước Long, 2 đứa trẻ giờ đã về chung một nhà

3 năm ròng rã tìm con…

Khi Ngọc Yến được hơn 1 tuổi, đứa trẻ lại có nước da ngăm đen, tóc xoăn trong khi 2 vợ chồng đều da trắng, tóc thẳng, anh Khiên bắt đầu nghi ngờ. Nghĩ đến chuyện sinh con tại bệnh viện, vợ anh cùng phòng với một người phụ nữ dân tộc S’tiêng, anh Khiên quyết định theo cha vợ đi rong ruổi trong Sóc, vừa bán đồ, vừa tìm con.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 3.
2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 4.

Được sự chăm sóc của vợ chồng anh Khiên, cả Lan Anh và Ngọc Yến lớn lên đều rất ngoan ngoãn, chăm học

Hớp ngụm trà, chú Tư (67 tuổi, ông ngoại của 2 đứa trẻ) trầm ngâm nhớ lại. "Thời gian đó đi bán giống như đi cầu may, vì mình nghĩ chắc nhầm lẫn thật rồi, cứ đi hết chỗ này đến chỗ kia để nhìn xem có đứa nhỏ nào giống con chị (bé Lan Phương, 12 tuổi, con đầu của anh Khiên) nó không. Nhưng rồi tìm mãi không thấy, mà thằng Khiên bán không được, ế ẩm quá nên nó mới bỏ việc đi làm tận dưới Bình Dương.

Chắc khoảng năm 2014, ông gặp con bé 1 lần, nhìn sơ qua thì thấy nó giống con chị lắm, nhưng ngày hôm sau quay lại thì mẹ nó (chị Liên) lại ẵm nó đi làm xí nghiệp dưới Bình Dương. Mãi đến đầu năm 2016, ông mới gặp lại, liền gọi cho thằng Khiên, gian nan lắm".

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 5.

Chú Tư kể lại việc cùng con rể đi rong ruổi khắp nơi trong Sóc để tìm cháu ngoại

Theo lời chú Tư, vì không có bằng chứng, ban đầu phía gia đình chị Liên phản ứng gay gắt khiến gia đình gặp khó khăn trong việc nhìn nhận Lan Anh. Sau thời gian dài "nói tình – nói lý", chị Liên đồng ý cho 2 bé đi xét nghiệm ADN theo sự khiếu nại của gia đình anh Khiên với BV Đa khoa thị xã Bình Long, kết quả xác định 2 bé gái đã bị bệnh viện trao nhầm suốt 3 năm.

Ngày 25/7/2016, sau hơn 3 năm nuôi con người khác, anh Khiên đã đón con gái ruột là Lan Anh về chăm sóc. Đồng thời, Ngọc Yến cũng theo mẹ Liên vào trong Sóc để sinh sống.

"Lúc trao 2 đứa trẻ vất vả lắm, mấy tiếng đồng hồ mới xong, cuối cùng con bé Lan Phương với Ngọc Yến khóc quá trời, 2 đứa có bao nhiêu đồ chơi đều dành cho nhau. Hai đứa nó cứ nghĩ là đi rồi sẽ không gặp lại nữa, dù sao chị em nó cũng ở với nhau hơn 3 năm, quấn quýt rồi", chú Tư nói.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 6.

Anh Khiên xúc động kể lại hành trình đi tìm con và đón cả 2 đứa trẻ về chung một nhà

Đêm đầu tiên khi 2 đứa trẻ về đúng gia đình ba mẹ ruột, cả 2 đều quấy khóc vì xa lạ. Trong khi Lan Anh thì không chịu ăn uống, cứ gào khóc, đến khi mệt quá mới ngủ thiếp đi thì Ngọc Yến cứ ra đứng ngoài hiên nhà trong Sóc, ôm cây cột, ngoài trời thì mưa, ai hỏi cũng nói là: "Con chờ ba Khiên vô đón".

"Đêm đó dài đằng đẵng, anh không thể nào chợp mắt được, phần thì thấy con bé Lan Anh ngủ tội nghiệp, phần thì không biết Ngọc Yến về nhà mới lạ chỗ sẽ ra sao. Đến lúc xem được đoạn phim mà đài truyền hình ghi lại, thấy con Yến không chịu ăn, ôm cột chờ ba vô đón về, cứ trông đứng trông ngồi, anh không chịu được, thương lắm", anh Khiên tâm sự.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 7.
2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 8.
2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 9.
2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 10.

Cuộc sống của 2 đứa trẻ hiện tại tràn ngập tiếng cười, lớn lên trong vòng tay của ba mẹ

"Nhà con trong Sóc, nhưng con có thêm ba Khiên, mẹ Trang…"

Những ngày 2 đứa trẻ quay trở về cuộc sống với ba mẹ ruột, nỗi nhớ nhung lúc nào cũng xuất hiện ở 2 gia đình. Anh Khiên chị Trang thì ngày nào cũng chạy vào trong Sóc để thăm Ngọc Yến, còn chị Liên, nhớ Lan Anh cũng không đành đoạn xa con.

Vì từ nhỏ, Ngọc Yến đã quen sống ngoài thị xã, anh Khiên lo sợ khi về Sóc sẽ thiếu thốn hơn. Sau khi ngồi lại cùng nhau, 2 gia đình quyết định cho 2 bé ở 2 nhà luân phiên nhau, Lan Anh cũng bắt đầu chịu ăn, chịu ngủ còn Ngọc Yến thì làm quen với các em trong Sóc. Thường thì cuối tuần, cậu ruột của Ngọc Yến sẽ ra rước 2 đứa nhỏ về trong Sóc, riêng chị Liên, vì đi làm ăn xa nên lâu lâu mới ghé về thăm 2 đứa nhỏ.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 11.

So với Lan Anh, Ngọc Yến cao lớn hơn rất nhiều...

Ngồi trước sân nhà, Ngọc Yến chia cho Lan Anh những phần bánh kẹo và đồ chơi mình có được. Chốc chốc lại hí hoáy chạy lại trêu ghẹo Lan Anh. Mặc dù sinh trước Ngọc Yến vài giờ đồng hồ nhưng Lan Anh có vẻ gầy gò, thấp bé hơn đứa em rất nhiều.

Vừa chọc chị, Ngọc Yến dõng dạc nói: "Chị Lan Anh không bao giờ ăn hiếp con được hết á, do chị nhỏ con, con với chị hai nhờ gì Lan Anh cũng làm. Chị Lan Anh lười ăn lắm, mẹ hỏi thì chị ấy bảo ăn lâu để thưởng thức món ăn.

Ở đây con rất vui, lâu lâu con mới về trong Sóc thôi. Cậu con ra chở con với Lan Anh vào trỏng, con cũng có nhớ mẹ, mà chút xíu thôi. Ở đây con có ba Khiên với mẹ Trang rồi", Ngọc Yến ngây ngô nói.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 12.
2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 13.

Ngọc Yến lém lỉnh kể về người chị bé tý Lan Anh do "ăn hoài không chịu lớn"

Mặc dù chỉ mới học lớp 3 nhưng Ngọc Yến cao lớn hơn so với những đứa bạn cùng trang lứa, nhờ sự chăm sóc từ nhỏ của anh Khiên, chị Trang nên đứa trẻ cũng hiếu động, lanh lợi hơn rất nhiều. Riêng Lan Anh, vẻ nhút nhát rụt rè của bé cũng ít hơn sau 6 năm được về sống chung với ba mẹ ruột.

Ôm lấy 2 đứa con gái vào lòng, chị Trang tâm sự: "Lúc đầu có thêm 1 đứa con nữa, mình không có quen, lạ lắm, nhưng vì thương 2 đứa nhỏ, vừa muốn bù đắp cho Lan Anh, vừa không nỡ bỏ Ngọc Yến nên 2 vợ chồng gắng gượng.

May mà 2 đứa hòa nhập tốt, cũng dễ chơi với nhau, có chị có em nó vui. Việc chăm sóc thêm thì đằng nào cũng nuôi con, thà cực cực một lần luôn, mốt lớn dạy cho nó cách tự lo rửa chén, giặt đồ, nấu cơm".

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 14.

Chị Trang trầm lặng khi nhắc đến khoảng thời gian nhận ra Ngọc Yến khác với 2 vợ chồng và những ngày đầu nhận con ruột

Theo chị Trang, hiện tại gánh nặng kinh tế gia đình vẫn phụ thuộc vào anh Khiên, chị chỉ quanh quẩn nội trợ, đưa đón 3 đứa con đi học. Dù cũng gặp không ít khó khăn nhưng được nhìn thấy 3 đứa con gái ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, chị đã thấy ấm lòng.

"Lâu lâu chị coi lại đoạn video về 2 đứa mà rớt nước mắt, đi đâu người ta cũng hỏi, lúc nào kể lại cũng khóc cả. Chị chỉ mong tụi nó tự lo được, còn học hành được bao nhiêu thì cứ học chứ mình không ép, 2 đứa đều học lớp 3 rồi", chị Trang nói.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 15.
2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 16.
2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 17.

Niềm hạnh phúc của gia đình anh Khiên, chị Trang khi 3 đứa con gái ngày một lớn lên

Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn nhất mà chị Trang, anh Khiên có được chính là 3 đứa con gái ngoan ngoãn.

Cuộc trao nhầm con định mệnh vào 9 năm trước tưởng rằng sẽ khiến 2 đứa trẻ mãi lạc mất ba mẹ ruột nhưng nhờ có sự nỗ lực không biết mệt mỏi, hành trình tìm con, lo cho 2 đứa trẻ của anh Khiên, chị Trang đã có một cái kết đẹp. Giờ đây, ngoài việc sống sum vầy bên 2 đứa con gái ruột, hai vợ chồng còn có thêm Ngọc Yến, đứa con gái dễ thương mà ông trời đã ban tặng cho anh chị.

"Nhà con trong Sóc nhưng con có thêm ba Khiên, mẹ Trang" - câu nói ngây ngô của Ngọc Yến như giãi bày tất cả nỗi lòng, tình yêu thương mà 2 vợ chồng anh chị đã dành cho cả 2 đứa trẻ. Dù là Lan Anh hay Ngọc Yến, dù có máu mủ hay không, tất cả giờ đây là hòa quyện thành một, đó chính là tổ ấm, là gia đình nhỏ của anh Khiên, chị Trang cùng 3 đứa con gái.

2 đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm ở Bình Phước sau 9 năm: Con bé không chịu ăn uống, cứ ôm cột chờ ba vô rước... - Ảnh 19.

Có lẽ mong mỏi lớn nhất của chị Trang chính là nhìn thấy những đứa con của mình tốt hơn mỗi ngày, chị cũng chẳng mong sau này tụi nhỏ sẽ giỏi giang, thành đạt, chỉ mong chúng nên người, trở thành người có ích cho xã hội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại