2 cuộc gặp Thượng đỉnh với 2 nước gần Trung Quốc nhất: Biden đang tính toán gì?

Kiều Anh |

Không phải ngẫu nhiên, trong 4 tháng kể từ khi trở thành Tổng thống, ông Biden chỉ tổ chức 2 cuộc gặp Thượng đỉnh trực tiếp với Nhật Bản và Hàn Quốc – 2 đồng minh của Mỹ gần Trung Quốc nhất.

2 Thượng đỉnh trực tiếp

Trong 4 tháng kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Biden chỉ tổ chức 2 cuộc gặp Thượng đỉnh trực tiếp. Việc ông lựa chọn các nhà lãnh đạo nước ngoài để mời tới Washington là sự định hình rõ ràng và có chủ đích cho những chiến lược trong nhiệm kỳ của ông, cũng như các vấn đề chính trị toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Biden diễn ra với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai vừa được tổ chức tuần trước với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại là Nhật Bản và Hàn Quốc? Trên thực tế, đây là hai đồng minh của Mỹ gần Trung Quốc nhất. Trong khi đó, ông Biden vẫn tiếp tục khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải chờ đợi. Nhà lãnh đạo Mỹ đang tập hợp những đồng minh thân thiết nhằm chuẩn bị cho cuộc đối đầu với địch thủ.

"Họ (Trung Quốc - ND) có một mục tiêu bao trùm là trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới, quốc gia giàu nhất thế giới và quốc gia quyền lực nhất thế giới. Điều đó sẽ không xảy ra trước sự giám sát của tôi", Tổng thống Biden khẳng định.

Ông Biden cũng nhận định trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Mỹ "không tìm cách đối đầu" nhưng "sẽ có một cuộc cạnh tranh rất gắt gao".

Tạm thời, Tổng thống Mỹ đã xây dựng được một liên minh mới gồm các nhà lãnh đạo dân chủ trong khu vực, tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên gồm các nước trong Bộ tứ Kim cương (Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ) hồi tháng 3. Các quốc gia này cam kết sẽ xây dựng "một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do".

Ngoài việc gửi đi thông điệp rằng Tổng thống Biden đang hồi phục các liên minh của Mỹ sau 4 năm bị phá hủy thì những điều Tổng thống Biden và Tổng thống Moon Jae In đạt được trong Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua còn những điều gì khác nữa?

“Có đi có lại mới toại lòng nhau”

Mỹ đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc. Minh chứng rõ ràng nhất cho việc này là Washington cho Seoul điều mà nước này đã muốn từ lâu - đó là tự do phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung. Tổng thống Moon Jae In đã gọi điều này là "chủ quyền tên lửa toàn vẹn".

Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn bị hạn chế khi chỉ được phát triển tên lửa trong tầm bắn 800 km theo một thỏa thuận năm 1979. Tầm bắn này vốn chỉ có thể nhắm đến Triều Tiên song với việc dỡ bỏ hạn chế trên, Nga và Trung Quốc cũng có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc. Điều đó cũng giúp Seoul có thể xuất khẩu tên lửa cho các đối tác và đồng minh của mình.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ có sự phản đối từ phía Triều Tiên và Trung Quốc", một chuyên gia Mỹ về tình hình Bán đảo Triều Tiên, ông David Maxwell cho hay. Theo ông, với diễn biến mới này, Hàn Quốc sẽ "phải chấp nhận những tuyên bố cứng rắn và có thể là một cuộc chiến tranh kinh tế từ Trung Quốc".

Các nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn cũng cam kết thúc đẩy chiến dịch hợp tác vaccine - điều mà ông Moon Jae In mong muốn. Hiện chỉ có khoảng 5% dân số Hàn Quốc được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng dành cho Tổng thống Mỹ sự ủng hộ mà ông Biden mong muốn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Một tuyên bố chung 3 điểm đã được đưa ra sau cuộc gặp Thượng đỉnh của 2 nhà lãnh đạo ở Washington gồm: Thứ nhất, cam kết "tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có việc thực hiện tự do hàng hải, hàng không ở trong và ngoài Biển Đông", thứ hai là "bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở Eo biển Đài Loan và cuối cùng là "thúc đẩy nhân quyền và các vấn đề luật pháp".

Triều Tiên và “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ

Một câu hỏi không thể bỏ qua trong quan hệ Mỹ - Hàn là hành động với Triều Tiên. Mối quan hệ tốt đẹp giữa cựu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã không giúp ích gì cho những vấn đề bế tắc của hai bên ngoài việc mang ý nghĩa biểu tượng về mặt ngoại giao.

Những cử chỉ thân thiện giữa ông Trump và ông Kim đã được nhiều người biết tới nhưng một điều ít biết là vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, ông Kim Jong Un đã tăng gấp đôi kho hạt nhân của Triều Tiên. Chuyên gia Đại học Stanford về vấn đề này, Siegfried Hecker ước tính Triều Tiên hiện có khoảng 45 vũ khí hạt nhân, có thể là mỗi năm phát triển thêm 6 vũ khí.

Tổng thống Joe Biden đã quay lại chính sách của Mỹ với Triều Tiên vào trước thời kỳ Tổng thống Trump, theo đó sẽ cân nhắc đến các điều kiện để đưa tới những cuộc đàm phán và có thể đưa ra một vài nhượng bộ với ông Kim Jong Un nhằm đổi lấy việc Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân.

Dù vậy, New York Times đưa tin vào cuối tuần trước rằng: "Trong những cuộc họp kín, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận họ không hề ảo tưởng rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, giống như những người tiền nhiệm, ông Biden đã quyết định sẽ không chính thức thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân". Times dẫn lời một chuyên gia hạt nhân Mỹ, cựu quan chức ngoại giao Robert Einhorn cho rằng, việc thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân sẽ khiến "Hàn Quốc và Nhật Bản quan tâm hơn đến việc thúc đẩy kho vũ khí hạt nhân của mình".

Điều đó sẽ gây khó dễ cho mô hình chiếc ô hạt nhân của Mỹ, xuất phát từ quan điểm rằng các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc không cần vũ khí hạt nhân bởi Mỹ cam kết sẽ bảo vệ các nước này. Chẳng hạn, nếu một quốc gia nào đó đe dọa Australia thì Mỹ sẽ bảo vệ nước này bằng cách đe dọa đáp trả hạt nhân.

Tuy nhiên, hệ thống trên được thiết lập vào thời điểm các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không thể vươn tới Mỹ. Hiện giờ, tình hình đã khác. Vào thời điểm đó, Triều Tiên cũng chưa có vũ khí hạt nhân nhưng hiện Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa từ tàu ngầm và ngày càng tăng số lượng đầu đạn hạt nhân. Liệu Mỹ có thực sự mạo hiểm tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân để bảo vệ Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản? Ngoài ra, 4 năm nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump cùng tư tưởng "Nước Mỹ trên hết" đã ăn sâu vào lập trường của nhiều người liệu có sẵn sàng cho một động thái liều lĩnh như vậy? Rõ ràng chiếc ô hạt nhân của Mỹ đã có một vài lỗ hổng lớn.

Hiện nay, các đồng minh của Washington đều cố gắng "giữ ý", tránh đề cập việc này. Vì thế, một lần nữa, các bên lại “giả vờ” như Triều Tiên có thể được thuyết phục thông qua đàm phán về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bây giờ là thời điểm để Mỹ và các đồng minh khôi phục quan hệ thời kỳ hậu Trump và dường như ai nấy đều hiểu, để việc này diễn ra thuận lợi, đừng bên nào đề cập đến một cuộc chiến tranh hạt nhân./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại