Trong lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng, Tổng thống Putin dự lễ duyệt binh cùng hai cựu binh Hồng quân Liên Xô đều đã hơn 100 tuổi là ông Yevgeny Kuropatkov (101 tuổi) và bà Alexandra Aleshina (100 tuổi). Cả hai đều tham gia Chiến tranh Vệ quốc vào năm 1941.
Từng duyệt binh trên Quảng trường Đỏ
Ông Yevgeny Kuropatkov là một trong số những người tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được mời tham gia Lễ duyệt binh năm nay.
Kuropatkov tình nguyện gia nhập quân đội ngay sau khi chiến tranh nổ ra. Tốt nghiệp trường quân sự Tula, ông được điều động ra mặt trận gần Stalingrad và gia nhập Sư đoàn 196 của Tập đoàn quân số 62, tham gia các trận chiến và vận chuyển đạn pháo qua sông Volga.
Sau trận chiến ở Stalingrad, ông được điều đến Leningrad và gia nhập Tập đoàn quân số 2. Năm 1943, ông Kuropatkov được cử đi học tại Học viện Pháo binh Dzerzhinsky. Ngày 24/6/1945, ông đã tham gia Lễ duyệt binh đầu tiên mừng Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Kuropatkov phục vụ hơn 30 năm trong bộ phận tên lửa và pháo binh của Hải quân Liên Xô.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Yevgeny Kuropatkov được phong tặng các Huân chương Chiến tranh yêu nước hạng nhất, hai Huân chương Sao đỏ, Huân chương "Phục vụ Tổ quốc trong Lực lượng Vũ trang Liên Xô" hạng ba và nhiều huân huy chương khác.
Nhập ngũ năm 17 tuổi
Bà Alexandra Aleshina là một trong hàng nghìn nữ xạ thủ bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Aleshina chỉ mới 17 tuổi khi Đức tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941.
“Bỗng dưng mọi người ôm nhau khóc. Khi đó chúng tôi vẫn chưa biết chiến tranh đã nổ ra" , Aleshina nhớ lại. Cuộc sống của Aleshina cùng nhiều bạn bè của bà hoàn toàn thay đổi từ đó.
Theo nữ cựu binh Hồng quân, ngay sau khi có lệnh tổng động viên, bà và các bạn bắt đầu làm việc bên trong một nhà máy sản xuất mặt nạ phòng độc với các công việc đơn giản như hỗ trợ y tế, cứu thương.
Khi chiến tranh ngày càng ác liệt, Aleshina và nhiều cô gái cùng tuổi khác bắt đầu được huấn luyện sử dụng súng trường. Hầu hết họ đều nhận được giấy nhập ngũ, nhưng trong danh sách không có tên bà.
Với mong muốn bảo vệ tổ quốc, bà Aleshina vẫn quyết tâm ra trận và được nhận vào trường đào tạo lính bắn tỉa dành riêng cho nữ. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, với những tố chất của chỉ huy giỏi, bà Aleshina được cấp trên phân công ở lại trường bắn tỉa để huấn luyện tân binh.
Trong suốt 5 năm chiến tranh, bà Aleshina đã huấn luyện 24 lính bắn tỉa, trong đó chỉ có hai người hy sinh.
Theo bà Aleshina, trường đào tạo nữ xạ thủ bắn tỉa đã huấn luyện cho 1.880 người. Các tay súng của trường đã tiêu diệt hơn 20.000 quân Đức trên chiến trường.
Theo bà Aleshina, trở thành một lính bắn tỉa đã khó, đào tạo lính bắn tỉa càng khó hơn. Bà cho rằng điều tạo nên một lính bắn tỉa giỏi khả năng bắn chính xác, không được phép phạm sai lầm. Một người lính bắn tỉa tập trung sẽ không bao giờ bắn trượt. Bà luôn dạy các học trò của mình phải biết kiên nhẫn và chờ đợi thời cơ thích hợp.
Bà Aleshina giải thích, các tay súng bắn tỉa luôn hoạt động theo cặp, một người quan sát, người kia bắn. Cả hai đều phải tin tưởng vào nhau và học cách chờ đợi thời cơ.
"Lính bắn tỉa cũng giống như người thợ săn phải biết chờ đợi con mồi của mình dù bao lâu đi nữa. Đây là nhiệm vụ vất vả, nhiều cô gái thậm chí bị vô sinh do nằm trên mặt đất lạnh quá lâu", bà Aleshina nói thêm.
Bà Aleshina giải ngũ vào tháng 1/1945, trở lại quê nhà ở Naro-Fominsk và làm việc trong nhà máy. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà Aleshina được phong tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng II, Huân chương Zhukov, Huân chương “Vì chiến thắng Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945” và Huân chương “Vì lao động dũng cảm trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”.