19 ngày sau khi nhậm chức, ông Tập triệu tập tướng lĩnh và ra 1 mệnh lệnh - Sức mạnh PLA tăng tốc cấp số nhân

An An |

Theo NYT, đây là chủ đề hiếm hoi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập công khai.

Tham vọng hạt nhân của Chủ tịch Trung Quốc

Theo The New York Times (NYT-Mỹ), 19 ngày sau khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc (2012), ông Tập Cận Bình đã triệu tập các tướng lĩnh phụ trách nghiên cứu về bom hạt nhân của Trung Quốc và đưa ra yêu cầu trực tiếp. 

Ông Tập nói rằng Trung Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với một đối thủ hùng mạnh, cho thấy mong muốn tăng cường khả năng hạt nhân để đối trọng với những mối đe dọa như vậy.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với các tướng lĩnh rằng, quân đội Trung Quốc (PLA) "là chỗ dựa chiến lược cho vị thế cường quốc". 

"Quân đội của chúng ta phải sẵn sàng ứng phó với sự can thiệp quân sự của những đối thủ hùng mạnh dựa trên những tình huống phức tạp và khó khăn nhất", ông Tập phát biểu trước lực lượng tên lửa hạt nhân và truyền thống của Trung Quốc vào tháng 12/2012.

Theo NYT, Chủ tịch Tập Cận Bình rất ít khi đề cập vũ khí hạt nhân công khai như vậy nhưng những suy nghĩ mà ông tiết lộ này cho thấy những lo ngại và tham vọng đã thúc đẩy ông thực hiện việc xây dựng thay đổi kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong thập kỷ qua.

19 ngày sau khi nhậm chức, ông Tập triệu tập tướng lĩnh và ra 1 mệnh lệnh - Sức mạnh PLA tăng tốc cấp số nhân- Ảnh 1.

Kể từ khi nhậm chức, ông Tập Cận Bình đã gửi tín hiệu: Sự trỗi dậy của một cường quốc cần có lực lượng hạt nhân lớn mạnh. Ảnh: NYT

Ngay từ khi mới nhậm chức, ông Tập đã gửi tín hiệu rằng sự trỗi dậy của một cường quốc cần được đánh dấu bằng một lực lượng hạt nhân hùng mạnh. 

Bài phát biểu của ông cũng phản ánh mối lo ngại rằng, vũ khí hạt nhân tương đối hạn chế của Trung Quốc dường như dễ bị tổn thương trước "đối thủ hùng mạnh".

Giờ đây, khi các lựa chọn hạt nhân ngày càng gia tăng, các chiến lược gia quân sự Trung Quốc coi vũ khí hạt nhân không chỉ là hàng rào phòng thủ mà còn là vũ khí tấn công tiềm năng nhằm răn đe và khuất phục đối thủ. 

Ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân, Trung Quốc vẫn có thể cảnh báo các nước khác về nguy cơ leo thang đối đầu bằng cách huy động hoặc triển khai các loại vũ khí như tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm.

Trong một bài viết năm 2021, chuyên gia thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc Trần Gia Khởi nhận định: 

"Khả năng răn đe chiến lược mạnh mẽ là khiến kẻ thù không dám dễ dàng hành động và dễ dàng đạt được mục tiêu không đánh mà thắng. Bất cứ nước nào làm chủ được công nghệ tiên tiến hơn và phát triển vũ khí răn đe chiến lược với hiệu suất vô địch sẽ có quyền lên tiếng trong thời bình và nắm quyền chủ động trong thời chiến".

Chủ tịch Tập Cận Bình đã mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhanh hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào trước đây của Trung Quốc, đưa nước này đến gần ngang tầm với hai cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga

Ông đã tăng gấp đôi quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc lên gần 500 đầu đạn hạt nhân. Các quan chức Mỹ cho rằng, nếu tiếp tục phát triển với tốc độ này, Trung Quốc có thể sở hữu khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035, gần tương đương với Mỹ

Trung Quốc cũng đang phát triển một số tên lửa ngày càng tiên tiến có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân, cũng như tàu ngầm, máy bay ném bom và máy bay siêu thanh. 

Nước này cũng khai thác một địa điểm thử nghiệm hạt nhân ở khu vực phía Tây Tân Cương , dọn đường cho các cuộc thử nghiệm ngầm mới có thể diễn ra nếu cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường nổ ra.

Những thay đổi lớn về năng lực hạt nhân và học thuyết của Trung Quốc có thể sẽ làm phức tạp thêm sự cạnh tranh của nước này với Mỹ. 

Việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở Washington về cách ứng phó và làm dấy lên những nghi ngờ lớn hơn về tương lai của một số hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn. 

Đồng thời, tình hình đối đầu giữa Mỹ và Nga cũng làm tăng khả năng xảy ra một kỷ nguyên cạnh tranh hạt nhân mới.

19 ngày sau khi nhậm chức, ông Tập triệu tập tướng lĩnh và ra 1 mệnh lệnh - Sức mạnh PLA tăng tốc cấp số nhân- Ảnh 2.

Bảo tàng ở Bắc Kinh trưng bày những bức ảnh về vụ thử hạt nhân của Trung Quốc, chụp năm 1992. Ảnh: Getty

Cách mạng hạt nhân của ông Tập Cận Bình

Kể từ khi Trung Quốc thử nghiệm thành công bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, các nhà lãnh đạo nước này đã nói rằng, họ sẽ luôn tuân thủ cam kết không "là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân" trong một cuộc chiến. 

NYT cho rằng, quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là chỉ cần số lượng vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ là có thể đe dọa hiệu quả các đối thủ tiềm tàng. Nếu Trung Quốc bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, nước này có khả năng phá hủy các thành phố của đối phương

"Về lâu dài, việc Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ mang tính biểu tượng", ông Đặng Tiểu Bình nói vào năm 1983 khi giải thích lập trường của Trung Quốc với Thủ tướng Canada Pierre Trudeau. 

"Nếu Trung Quốc dành quá nhiều năng lượng cho việc này thì cũng sẽ tự làm suy yếu chính mình".

Mặc dù Trung Quốc bắt đầu nâng cấp lực lượng chính quy từ những năm 1990 nhưng kho vũ khí hạt nhân của nước này vẫn phát triển chậm chạp. Khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo quốc gia vào năm 2012, Trung Quốc có khoảng 60 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Bắc Kinh cũng lo ngại khả năng răn đe hạt nhân của nước này đang suy yếu. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cảnh báo rằng khi Mỹ tiến bộ trong công nghệ quân sự, tên lửa của nước này càng dễ bị phát hiện và tiêu diệt hơn.

Vào cuối năm 2015, Trung Quốc đã thực hiện một bước quan trọng trong việc nâng cấp lực lượng hạt nhân.

Ông Tập Cận Bình với vai trò Chủ tịch Quân ủy Trung ương mặc quân phục màu xanh lá cây, chủ trì buổi lễ nâng cấp Lực lượng Pháo binh số 2, lực lượng bảo vệ tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, lên thành Lực lượng Tên lửa, nâng cao vị thế của lực lượng này cùng với hải quân, lục quân và không quân.

Ông nói với các chỉ huy rằng, nhiệm vụ của Lực lượng Tên lửa bao gồm "tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và phản công hạt nhân đáng tin cậy".

19 ngày sau khi nhậm chức, ông Tập triệu tập tướng lĩnh và ra 1 mệnh lệnh - Sức mạnh PLA tăng tốc cấp số nhân- Ảnh 3.

Một hình ảnh vệ tinh năm 2021 do Planet Labs Inc. cung cấp cho thấy dường như có một hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa gần Hami ở phía tây Trung Quốc. Ảnh: AP

Từ đường hầm đến giếng phóng

Trung Quốc không chỉ tìm cách sở hữu thêm đầu đạn hạt nhân mà còn tập trung vào khả năng che giấu, bảo vệ những đầu đạn đó và phóng chúng nhanh hơn từ đất liền, trên biển hoặc trên không. Lực lượng Tên lửa mới được nâng cấp sẽ góp thêm tiếng nói mạnh mẽ cho nỗ lực này.

Trong một báo cáo nghiên cứu năm 2017, giới nghiên cứu Lực lượng Tên lửa cho hay, Trung Quốc nên theo chân Mỹ và tìm kiếm “sức mạnh hạt nhân đủ để cân bằng mô hình thế giới mới và đảm bảo rằng nước này sẽ chiếm thế thượng phong trong các cuộc chiến trong tương lai".

Trong một thời gian dài, khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc chủ yếu dựa vào việc đào đường hầm sâu ở các vùng núi xa xôi. 

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hồi năm 2018 cho biết: "Nếu chiến tranh xảy ra, kho vũ khí hạt nhân dưới lòng đất này sẽ phát nổ từ mặt đất và phóng tên lửa từ những nơi mà kẻ thù không ngờ tới".

Theo một nghiên cứu do Viện nghiên cứu về hàng không vũ trụ Trung Quốc thuộc Không quân Mỹ công bố, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng, bổ sung ít nhất 10 lữ đoàn mới trong vài năm, tăng khoảng 1/3 so với con số trước đó

Trung Quốc cũng đã bổ sung các bệ phóng tên lửa di động trên đường bộ và đường sắt nhằm cố gắng né tránh các vệ tinh của Mỹ và các công nghệ phát hiện khác.

Tuy nhiên, mối lo ngại của Trung Quốc về khả năng của Mỹ vẫn còn. Ngay cả khi Trung Quốc triển khai tên lửa di động trên đường, một số chuyên gia PLA tin rằng tên lửa có thể bị theo dõi bởi các vệ tinh tiên tiến hơn.

Một đề được đưa ra trong năm 2021: Xây dựng các khu hầm chứa tên lửa, buộc quân đội Mỹ phải nỗ lực phán đoán hầm chứa nào chứa tên lửa thật và hầm chứa nào chứa tên lửa giả, từ đó khiến vũ khí của đối phương khó khăn trong việc tiêu hủy toàn bộ tên lửa của Trung Quốc.

Các nghiên cứu khác của Trung Quốc đã đưa ra khuyến nghị tương tự cho việc triển khai các giếng phóng. Ông Tập và đội ngũ Lực lượng Tên lửa dường như đang chú ý đến những đề xuất này. 

Cho đến nay, khía cạnh rõ ràng nhất trong việc mở rộng hạt nhân của ông Tập là việc xây dựng ba địa điểm khổng lồ ở miền bắc Trung Quốc với khoảng 320 hầm chứa tên lửa. Những hầm chứa này, nằm cách xa các giếng phóng tên lửa của Mỹ, có thể chứa các tên lửa có khả năng tấn công nước Mỹ.

Nhưng sự mở rộng của Lực lượng Tên lửa đang gặp phải khó khăn. Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ thay thế hai chỉ huy cấp cao của Lực lượng Tên lửa. Năm nay, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã bãi nhiệm tư cách đại biểu của 9 quan chức quân sự cấp cao quân đội.

Trong khi những thay đổi về nhân sự có thể làm chậm chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong thời gian ngắn, thì các mục tiêu dài hạn của ông Tập dường như đã được đặt ra.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc phải tiếp tục xây dựng "lực lượng răn đe chiến lược".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại