Từ một cái ơn mà cô gái cưới chồng ở ngôi làng "nổi tiếng ăn chơi"
Những cặp vợ chồng có thể đồng hành cùng nhau từ khi chẳng có gì trong tay đến lúc thảnh thơi với cuộc sống, tận hưởng hạnh phúc thật sự đáng quý.
Cách đây 30 năm, chị Linh, 48 tuổi lên xe hoa với một người con trai làng bên. Chú rể mà chị lấy làm chồng tên Cương, hơn vợ 6 tuổi.
Thời đó, nhân duyên để anh chị đến được với nhau cũng có chút "dây mơ rễ má". Câu chuyện tình yêu đó đã được cô con gái Vũ Thảo kể lại và nhận về nhiều sự chú ý.
"Bố mẹ mình ở gần nhà nhau nhưng khác làng. Làng của bố 'ghê gớm' nhất vùng vì trai làng mang tiếng ăn chơi nên gái làng không thích.
Bà nội có ba người con trai, cả 3 cùng lớn tuổi hơn mẹ mình cả. Ngày ấy, bà nội làm y tá ở trạm nên có lần giúp ông ngoại chữa bệnh nên gần như nhà ngoại mang ơn bà. Bà nội qua nhà ngoại thấy mẹ mình là chị cả, tần tảo quá nên muốn 1 trong 3 con trai của bà cưới mẹ.
Lúc đầu, mẹ không nghĩ cưới bố vì bố lớn tuổi nhất trong 3 anh em, hơn mẹ 6 tuổi nhưng cuối cùng, tất cả các suy nghĩ cũng chẳng cản nổi duyên số", Thảo kể.
Những năm đầu thập niên 90 đó, anh Cương đang đi học ở trường đóng tàu và làm việc ở thành phố. Thấy mẹ nói vậy thì xin về quê vội để tán tỉnh cô Linh xinh đẹp.
Qua lời kể của mọi người Thảo biết rằng: "Mẹ mình hồi xưa xinh lắm, nhiều trai làng theo đuổi. Khi đó, bố về tán tỉnh thì mẹ đổ luôn vì bà mê người có học. Bố đi học ở thành phố về nên mẹ rất mê. Mẹ là con cả phải chăm 3 em nên nghỉ học sớm. Có lẽ vì vậy, những người có học thức cao luôn thu hút bà. Vì lẽ đó, dù có cả người giàu nhất làng tán tỉnh mẹ vẫn nhất quyết theo bố".
Thời đó, vì sợ mất đi cô Linh làng bên xinh đẹp nên chỉ sau 2 tháng qua lại, anh Cương quyết tâm hỏi cưới luôn. Ngày ấy, gia đình còn nghèo và không có điều kiện nên mọi thứ tổ chức đều giản dị. Trong ngày vui, cô dâu chú rể cũng có váy cưới, áo vest và những tấm ảnh chụp hôn lễ. Cho đến bây giờ, những tấm ảnh chụp đó vẫn thật quý giá, lưu giữ cả một thời gian đầy kỷ niệm của hai vợ chồng.
Cưới người làng bên, chị Linh bắt đầu với cuộc sống hôn nhân lúc mới 18 tuổi. Những ngày đầu, đôi khi gia đình cũng có những va chạm chuyện mẹ chồng, nàng dâu. Tuy nhiên, mẹ chồng chị cũng là người thương con, quý cháu. Chị Linh tính cách hiền lành, nền nã nên dần dần, hai bên hòa hợp với nhau.
"Đến bây giờ, bà nội rất quý mẹ mình. Đi đâu bà cũng khen về cô con dâu này cả", Thảo chia sẻ.
Hình ảnh trong đám cưới tổ chức vào năm 1992.
Sau 3 năm hôn nhân, anh chị đã có một người con trai đầu tiên. Tuy nhiên, cuộc sống không khá lên nổi, họ lại quyết định bỏ quê lên phố lập nghiệp.
Từ hai bàn tay trắng mà làm nên cơ đồ
Những năm đó, cuộc sống của họ đúng nghĩa khó khăn và bắt đầu tất cả với 2 bàn tay trắng. Anh Cương đi phụ hồ, làm thợ xây cho người ta. Chị Linh làm đủ công việc, từ bán hàng rong đến công nhân ở khu công việc.
Họ luôn nỗ lực từng ngày, phấn đấu từng chút một để lo cho cuộc sống. Họ hiểu rõ ràng rằng, từ hai bàn tay trắng, muốn có của ăn của để, muốn để con cái thoải mái với cuộc sống thì bản thân phải không ngừng cố gắng.
Thảo kể tiếp: "7 năm ròng rã bố mẹ làm việc phấn đấu cho đến năm 2001, mẹ mang thai mình và cùng năm ấy, bố bị tai nạn giao thông nằm viện.
Đó là năm khó khăn nhất, nhiều thử thách nhất với cuộc hôn nhân của bố mẹ. Bà bị ốm không thể ra phụ mẹ được, mẹ mang thai đến tháng thứ 8 cũng phải đi làm. Những ngày ấy, dù mang thai nhưng cả mẹ lẫn con chỉ nặng có 38kg. Đến khi đẻ mình, bố mẹ nghèo đến mức sáng đẻ, chiều thuê xích lô về luôn để đỡ tiền viện phí".
Có rất nhiều thử thách đặt ra trong cuộc đời của chúng ta. Với vợ chồng anh chị, đó có lẽ là năm khó khăn nhất, nhiều điều phải trải qua nhất. Nhưng dù như thế họ vẫn liên tục thúc giục, động viên nhau cố gắng tiến lên.
"Mình nghĩ rằng, mỗi cuộc đời đều có một giai đoạn thử thách. Với bố mẹ mình, những thử thách đó có vẻ như kéo dài hơn 10 năm sau khi chính thức về chung một nhà.
Về sau, bố mình tích cóp được tiền bạc, mở xưởng bán đá ốp lát. Kinh tế cũng từ đó mà đi lên. Bố mẹ bắt đầu có thành tựu lớn trong cuộc sống. Năm 2007, bố mẹ xây được nhà to, đến năm 2008 mua được xe hơi và cứ thế, cuộc sống của cả nhà dần đổi khác", Thảo kể.
Tất cả những gì bố mẹ có được bây giờ, Thảo đều rất khâm phục và hơn hết bố mẹ như một tấm gương để cô nhìn vào phấn đấu và ước ao.
"30 năm trọn vẹn bên nhau, bố mẹ luôn tình cảm. Tính cách của họ bù trừ cho nhau. Bố nóng tính nhưng không giận lâu còn mẹ xử lý tình huống rất khôn khéo và giỏi nhẫn nhịn. Bố tình cảm lắm, năm nào bố cũng có hoa, quà tặng mẹ vào những dịp lễ hay sinh nhật. Có năm bố bận công trình đến 11 giờ đêm, khi về nhà vẫn phải mua bằng được cho mẹ bó hồng. Chưa qua ngày là chưa hết lễ, bố vẫn kịp để chúc mừng mẹ".
Chị Linh khoe hoa chồng tặng vào ngày lễ.
Đến bây giờ, họ đã trải qua đủ khó khăn trong cuộc sống. Những thăng trầm rồi cũng qua, thành tựu của họ có được bây giờ, đủ khiến cho bản thân và con cái phải tự hào.
Bố mẹ Thảo hiện tại sắp về hưu. Cả đời làm lụng cũng đến lúc hưởng thụ. Họ bắt đầu cùng nhau đi du lịch khắp nơi, cả trong và ngoài nước.
"Dù khó khăn nào bố mẹ mình cũng nắm tay nhau và bước qua. Mình nghĩ rằng với hôn nhân, sự chung tay ấy vô cùng quan trọng. Chẳng cầu mong cao sang, chỉ mong rằng cuộc đời mình cũng sẽ có được chân tình và hạnh phúc như bố mẹ dành cho nhau".
Cặp đôi bắt đầu những hành trình du lịch để hưởng thụ sau nhiều năm phấn đấu.
Thế mới nói, có những câu chuyện cuộc đời tưởng chừng như rất chân thực và đời thường nhưng đằng sau đó là cả những nỗ lực phi thường đáng khâm phục. Chúc mừng cho cuộc hôn nhân tuyệt vời của chị Linh, anh Cương. Từ họ, người ta nhận ra rằng, có duyên ắt sẽ có phận, "thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn"!