Tôi gặp Sophia Phương Anh (tên thật: Trần Phương Anh, SN 2008) chỉ sau vài ngày cô bạn vừa giành 4 huy chương vàng tại giải vô địch pickleball thế giới. Đây cũng là giải pickleball có tổng giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 100.000 USD.
Sự nghiệp thể thao của Phương Anh rất “hack thang" khi 5 tuổi được ba cho làm quen với tennis, đến lớp 4 vô địch giải trẻ TP.HCM. Và trong vòng chưa đầy 1 năm đổi sang bộ môn pickleball, cô bạn đã giành luôn chức vô địch thế giới, ở tuổi 16!
Nếu trên sân Phương Anh rất nghiêm túc và không bao giờ cười, ngoài đời cô bạn này mang tinh thần Gen Z chính hiệu và liên tục hỏi “mình trả lời thế này có sợ trẻ trâu quá không?!”.
Nếu ở trong lớp học thì chắc hẳn Phương Anh sẽ là kiểu học sinh được cả nam lẫn nữ yêu mến vì rất cá tính, biết mình thích gì và có chính kiến rõ ràng. Nếu đi chơi trong một nhóm, đây sẽ là kiểu bạn bè thích làm gì cũng được, tui đều theo nha. Dễ chịu là thế nhưng lên sân thì Phương Anh đổi mood 180 độ, trở thành “ngựa chiến" với suy nghĩ duy nhất làm sao giành chiến thắng.
Một cô nàng thẳng thắn, cá tính nhưng vẫn đủ sự hài hước, biết bản thân mình có gì - tiếc gì một cuộc trò chuyện với VĐV vô địch thế giới chứ!
Sophia Phương Anh (SN 2008)
- 4 HCV giải pickleball thế giới
- HCV giải nữ 19+ giải châu Á (AOPC)
- Vô địch đơn nữ U18 WPC Series
- Vô địch đôi nam nữ giải USC Riser
- Vô địch đôi nữ U40 VPP Tour Hà Nội
- Lớp 4: Vô địch giải tennis trẻ TP.HCM
“Mình không quan tâm định kiến. Bởi mình có thể chọn làm ‘anh hùng bàn phím’ hay anh hùng trên sân”
Chào Phương Anh!
16 tuổi vô địch giải thế giới. Đó là một cảm giác khác biệt thế nào?
Ba đã đưa mình đến với thể thao, cụ thể là môn tennis. Giờ với mình, nó trở thành một đam mê. Trước mỗi giải đấu, mình thường tự nhủ: Bản thân đã tự đi 1 chặng đường rất dài, đã tập luyện rất vất vả, khi thi đấu phải cần làm hết sức mình.
Mình đã từ bỏ nhiều sở thích khác nhau nhưng chỉ duy nhất thể thao, luôn có điều gì đó khiến mình không bỏ cuộc. Thành công gần như không chỉ có công sức của riêng mình, là còn là công sức những người đã xem và hỗ trợ mình nữa.
Năm lớp 4, Phương Anh vô địch giải tennis trẻ của TP.HCM và sau 1 năm gắn bó với pickleball thì vô địch luôn giải thế giới, ở tuổi 16. Thành công đến với bạn nhờ tài năng thiên bẩm hay nhờ kỉ luật khủng?
Với mình thì cả hai đều rất quan trọng. Nhưng mình nghĩ bản thân muốn thiên về kỷ luật hơn. Bởi nếu có tài năng thiên bẩm mà không có sự kỷ luật thì không bao giờ đạt được điều mình muốn. Còn nếu có kỷ luật mà không có tài năng thiên bẩm, nếu cố gắng thì một ngày nào đó, mình vẫn có kết quả như ý.
Có bao giờ Phương Anh đặt mục tiêu sưu tầm các tấm HCV hay chức vô địch?
Mình không muốn nói “sưu tầm” HCV cho lắm. Mỗi tấm huy chương không chỉ là món đồ sưu tầm, mà còn là công sức đằng sau nó. Mỗi lần thi đấu đều là những lần thử sức và xem giới hạn của bản thân đến đâu. Ví dụ nếu xếp hạng 3 thì mình hiểu: À, có những người còn giỏi hơn và tốt hơn. Mình có thể học hỏi từ họ để lần sau tiếp tục đăng ký và biết bản thân đứng ở đâu.
Đằng sau những thành tích nổi bật ở tuổi 16. Có những áp lực nào mà người ngoài không biết khi nhìn vào Phương Anh không?
Áp lực đầu tiên là những ngày tập luyện. Mọi người thấy mình lên bục nhận giải, nhưng không thấy đằng sau đó là sự nỗ lực, những ngày nắng nhưng vẫn chạy ra tập… Ngày xưa khi chưa học online, mình đi học từ 8h sáng đến 16h30, sau đó đi tập 17h-19h. Rồi về nhà ăn tối, học bài, sáng hôm sau lặp lại lịch trình cũ. Cũng có rất nhiều ngày mệt nhoài, không nghĩ được gì nhiều. Nhưng áp lực lớn nhất của tuổi 16 là mình vẫn còn đi học, còn phải trả bài cho thầy cô và những bài kiểm tra sắp tới nữa.
Áp lực như vậy có bao giờ Phương Anh nghĩ sẽ chọn 1 thứ để tập trung phát triển. Thứ đó là…?
Mình sẽ luôn chọn việc học. Đối với mình, việc học quan trọng hơn đam mê. Bởi việc học có thể giúp cho mình quyết định tốt hơn trong tương lai.
Mình đã học online theo hình thức Program Home Schooling (Giáo dục tại nhà) 4 năm rồi. Mình có thể chủ động sắp xếp thời gian khi thường buổi sáng và buổi tối tập pickleball, buổi chiều học bài.
Mình nghĩ học online sẽ linh hoạt cho các VĐV. Bởi học trường bình thường thì có thời gian đến trường và tan học, các bài tập về nhà nữa… Nhưng học online thì mình không mất thời gian đến lớp và tan học. Các bài tập cần hoàn thành và được xếp theo giờ giấc của mình. Thay vì phải tập trung nghe giảng và viết lại những gì thầy cô ghi trên bảng, mọi thứ có sẵn trong máy tính rồi.
Mình thấy học Program Home Schooling cũng không khác gì trường bình thường. Nếu không hiểu thì cũng có thể hỏi thầy cô thông qua online. Dù không được trải nghiệm những hoạt động trên trường, bù lại mình tập trung vào đam mê.
Phương Anh nghĩ sao về những định kiến tiêu cực của pickleball? Điều này có ảnh hưởng đến tâm trạng thi đấu của bạn?
Những định kiến về pickleball không ảnh hưởng đến mình lắm đâu. Bởi mình có thể chọn làm “anh hùng bàn phím” hay anh hùng trên sân mà!
“Trong 60 giây, có rất nhiều điều để lật ngược cuộc chơi”
3 điều mà người ta sẽ không thể đoán được, khi nhìn vào Phương Anh?
Đó là làm nail, makeup và fashion - 3 cụm từ mà mọi người ít khi nghĩ về VĐV. Trước mỗi giải đấu, mình thường làm một bộ nail thật slay để tự chúc bản thân may mắn.
3 điều khiến cho Phương Anh thấy mình ngầu đét?
Hơi sến tí nha… Nhưng mình vạch rất rõ ngoài đời là bạn, trên sân là đối thủ. Vì một khi đã bắt đầu trận đấu rồi thì mình nên nghiêm túc, đó cũng là cách tôn trọng đối thủ và chính mình.
Bên cạnh đó khi thi đấu, mình thấy các bạn thường đi solo hoặc cùng đội. Nhưng riêng mình lần nào cũng có ba mẹ hoặc gia đình đi cùng. Mình thấy ngầu khi được ba mẹ và gia đình quan tâm sát sao như vậy.
Khoảnh khắc nào Phương Anh thấy tự hào nhất về bản thân từ trước đến nay?
Đó là trận thi đấu đơn nữ chung kết dưới 18 tuổi ở Bali (Indonesia) mới đây nhất. Đối thủ của mình đến từ Australia và cũng nằm trong top 10 thế giới ở độ tuổi dưới 18.
Ban đầu bạn ý dẫn trước 11-1. Mình thấy có vài khán giả bỏ về vì biết trước kết quả sẽ như thế nào. Khi đổi sân, mình nghĩ: Đây là trận thi đấu cuối cùng của giải rồi, bản thân đã rất nỗ lực cho hành trình này và cũng có 3 HCV trước đó. Mình lại không thích số lẻ!
Mình thử hết tất cả các loại banh, từ đánh forehand (tay thuận), đánh backhand (đánh ngược tay thuận), bỏ nhỏ hay đánh trên trời. Rồi mình phát hiện điểm yếu của đối thủ nằm ở tay trái cuối sân. Khi mình đánh thử một trái như thế thì phát hiện bạn đánh vô lưới, và biết cách này hiệu quả đấy. Mình cứ tiếp tục dồn ép đuôi tay trái của bạn và rồi lội ngược dòng với tỷ số sát nút 21-20.
Nghe cách Phương Anh kể thì thấy bạn có tâm lý thi đấu tốt, tinh thần không lung lay dù tình thế có xấu cỡ nào. Làm thế nào để Phương Anh giữ được sự tự tin như thế?
Mình nhận ra, trận thi đấu nào cũng đều có áp lực, dù lớn hay nhỏ. Ngày xưa thì mình luôn hồi hộp, tim không thể ngừng đập mạnh, trong đầu không nghĩ được gì khác ngoài chuyện gì sẽ xảy nếu thua cuộc.
Đó từng là điểm yếu, nhưng thực sự mình muốn cảm ơn những kí ức đó, khi đã tạo nên con người hiện tại và giữ được tâm lý trên sân. Bây giờ dù ra ngoài thấy khán giả cổ vũ cho đối thủ, không ai muốn xem hay số đông đều nghĩ mình sẽ thua. Mình không còn quan tâm chuyện đó nữa! Điều mình cần quan tâm là sẽ đánh banh ở đâu, đánh tiếp thế nào…
Với mình, nếu gặp đến lần thứ 2, thứ 3, sẽ không còn cảm giác hồi hộp. Nếu trong sân đang cuốn theo trận đấu mà loay hoay không biết phải làm sao thì trong pickleball có luật được phép timeout nghỉ 1 phút. Trong 60 giây đó, có rất nhiều thứ có thể xảy ra. Mình thường dành 60 giây để bình tĩnh và suy nghĩ lại, xem bản thân muốn đánh hiệp tiếp theo thế nào.
“Nỗi sợ lớn nhất là… gãy nail!”
GenZ bây giờ có rất nhiều cách kiếm tiền khác nhau, thậm chí còn biết cả đường tắt dù không học đúng chuyên ngành. Phương Anh nghĩ sao về: Có nhất thiết phải học đại học không?
Đó là lựa chọn riêng của mỗi người thôi. Nhưng theo mình thì việc học ĐH vẫn rất quan trọng.
Bởi mình không thể chơi thể thao mãi được. Nếu một ngày nào đó hết đam mê thì chuyện gì sẽ xảy ra, mình phải làm gì? Mình không muốn nương tựa vào ai! Nếu có bằng đại học thì mình có thể kiếm việc. Nếu vẫn còn đam mê thể thao thì vẫn có thể đi làm công việc nào đó liên quan như quản lý team, hoặc công ty hỗ trợ cho VĐV.
Nhiều bạn trẻ bây giờ cũng được tự quyết định con đường tương lai từ sớm, không cần ba mẹ cầm tay chỉ đường nữa. Phương Anh thấy sao về điều này?
Mình nghĩ khi có thêm tự do trong quyết định của mình vừa có điểm tốt và không tốt. Không tốt trong trường hợp mình chưa sẵn sàng, không biết phải làm gì là tốt cho bản thân. Nhưng khi đã học hỏi nhiều thứ, có kinh nghiệm, xử lý nhiều vấn đề khó trải qua thì bản thân đã đủ sẵn sàng để cha mẹ trao nhiều tự do hơn.
Phương Anh thích được tự do phát triển, hay đi theo con đường ba mẹ “trải hoa hồng”?
Ngay từ nhỏ thì bố mẹ đã giúp mình định hình con đường đi lên. Nhưng bố mẹ chỉ xây nhiều con đường, còn lựa chọn đường nào là việc của riêng mình. Ba mẹ giúp mình tìm ra con đường nào là tốt nhất, còn có đi theo cái tốt nhất đó hay không cũng lại là quyết định của mình.
Nỗi sợ lớn nhất của Phương Anh là?
Mình sợ nhất là khi đã rất nỗ lực nhưng mà… À không!!! Nếu không đạt được cũng không sao, mình sẽ nỗ lực thêm.
Mình sợ nhất là gãy nail nha! Vì rất mắc - rất đau – không đẹp. Có một trận đang thi đấu thì phát hiện móng tay đang lung lay, nhưng lúc đó đang tập trung nên mình không thấy đau. Mình bẻ luôn móng, vứt sang 1 góc rồi tiếp tục giao banh. Sau khi kết thúc mới chợt nhận ra, ôi chết, đau thật đó nha!
Thành công đã nhiều, thất bại thì sao? Thất bại nào Phương Anh cho rằng đó là đau nhất từng trải qua?
Bất kỳ trận thua nào cũng khiến mình nhận ra điều gì đó. Nhưng trận thua đau nhất thường là những trận tứ kết. Bởi đó là những trận đang rất gần với mục đích của mình, nhưng phải dừng chân ở ngay đó. Nếu thua ở bán kết hay chung kết thì mình còn có bằng chứng là đã nỗ lực đến đâu. Nhưng thua ở tứ kết, mình không có gì để chứng minh, chỉ có thể nói miệng sự cố gắng đó thôi.
Dường như Phương Anh ở trên sân và ngoài đời là 2 con người khác hẳn nhau?
Đúng. Ở ngoài đời mình hướng ngoại, thích đi chơi và quay “tóp tóp”.
Nhưng lên sân thì mình chỉ có suy nghĩ phải thắng đối thủ. Nếu mọi người xem Phương Anh thi đấu sẽ thấy không bao giờ mình cười. Kể cả khi tức giận, sợ hãi hay dù vui, không biết làm gì tiếp theo, mặt mình đều cứng đơ. Vì mình không được cho phép đối thủ và khán giả biết đang suy nghĩ gì. Một khi đối thủ thấy mình tức giận hay sợ hãi, đối thủ sẽ biết họ đang nắm lợi thế.
3 quy tắc Phương Anh rút ra được trong thể thao có thể áp dụng ngược lại vào cuộc sống để vui hơn?
Thứ nhất, không biết nấu ăn thì không nên giẫm vào bếp (PV – trong pickleball thì gần lưới có khu vực “kitchen”. Nếu newbie không biết cách “đứng bếp”, không biết cách chơi hay giẫm vào khu vực kitchen thì sẽ bị mất điểm).
Thứ hai, nếu 2 bên đánh quay đi quay lại mà mình speedup (tăng tốc độ banh) không đúng thời điểm thì có thể làm hỏng những nỗ lực và kiên nhẫn đang xây dựng trước đó. Trong thể thao không cần lúc nào cũng phải nhanh và mạnh, có lúc cần đường banh yếu và cẩn trọng để gài đối thủ. Cũng như trong cuộc sống nếu hành động cú chốt mà vội vã hay gấp quá thì có thể làm hỏng thành quả kiên trì trước đó. Nên phải đặt cú chốt vào đúng thời điểm.
Cuối cùng, nếu không biết lái xe thì không nên “drive”. (PV – drive là thuật ngữ chỉ cú đánh mạnh. Nếu chưa biết lực như nào thì khi định drive nên bình tĩnh và suy xét cẩn thận).
Cảm ơn Phương Anh vì cuộc trò chuyện này!