Bên cạnh điện thoại, máy tính và nông sản, Việt Nam còn đang sở hữu một mỏ vàng hái ra tiền khi thu về hàng tỷ USD mỗi tháng là mặt hàng giày dép. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.
Trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD. Như vậy 26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm các mặt hàng tỷ đô và nằm trong nhóm có kim ngạch cao.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng giày dép tháng 7/2024 đã thu về hơn 2,12 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước đó. Tính chung trong 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Xét về thị trường, Mỹ đứng đầu trong số các thị trường khi kim ngạch đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý thị trường Hà Lan đang liên tục săn lùng mặt hàng này của Việt Nam khi kim ngạch tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, đạt hơn 919 triệu USD trong 7 tháng, mức tăng 67% và là mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường.
Bên cạnh 3 thị trường chủ đạo nêu trên, hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Nhiều chuyên gia phân tích, năm 2024 có những tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu giày dép. Các nền kinh tế lớn và là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành da giày Việt Nam có khởi sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với lộ trình giảm thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường…
Với những yếu tố nêu trên và kết quả xuất khẩu khởi sắc kể từ tháng 2 đến nay, kỳ vọng ngành hàng quan trọng này sẽ có những tăng trưởng khả quan trong năm 2024.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may - da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ ngành da giày phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang thúc đẩy các đơn vị liên quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành da giày giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh tín hiệu vui từ việc các đơn hàng, doanh nghiệp ngành da giày vẫn còn đang phải đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là các thay đổi từ thị trường.
Với thị trường EU, một trong những thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu khoảng 6 tỷ USD giày dép từ Việt Nam, hiện đang áp dụng một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… Các nước khu vực Bắc Âu cũng đã và đang chuẩn bị lộ trình áp dụng “nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu” cho các sản phẩm dệt may và da giày.
Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD.