15 tuổi được mở tài khoản chứng khoán: Có khả thi?

Sơn Nhung - Linh Anh |

Tại dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán vừa được Bộ Tài chính công bố, lấy ý kiến có đề cập việc cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ được mở tài khoản chứng khoán và phải được người đại diện pháp luật đồng ý; cá nhân đủ 18 tuổi được mở tài khoản chứng khoán vì có đủ năng lực hành vi dân sự.

Đây là lần đầu Bộ Tài chính quy định chi tiết độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán. Trước đó, tại thông tư hướng dẫn giao dịch ban hành cuối năm 2015, điều khoản này không được đề cập mà chỉ cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin nhận biết khách hàng. Tuy vậy, các công ty chứng khoán thường quy định độ tuổi tối thiểu để mở tài khoản giao dịch là 18.

Thông tư cũng quy định nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản nhưng tại mỗi công ty chứng khoán chỉ được một tài khoản giao dịch và một tài khoản ký quỹ. Nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhận định việc cho phép người đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán nhằm đa dạng hóa đối tượng mở tài khoản. Nhưng cũng nên cân nhắc vì tài khoản chứng khoán không chỉ cần người đại diện pháp luật mở là được mà có cả giao dịch, không giống mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng. Bản chất của thị trường chứng khoán có rủi ro, có nhiều yếu tố liên quan đến minh bạch, chế tài... Do đó, quy định mới này cần ghi nhận thêm ý kiến từ các thành viên tham gia thị trường.

Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định mới trong dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán, khi cho người đủ 15 tuổi được mở tài khoản chứng khoán và có người đại diện theo pháp luật giám hộ. Chẳng hạn, trong trường hợp mở tài khoản xong, người giám hộ theo pháp luật tham gia thị trường bị thua lỗ, gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì ai chịu trách nhiệm?

Người đủ 15 tuổi được làm CMND, thẻ căn cước công dân nên có thể cơ quan quản lý cũng nghiên cứu cho phép mở tài khoản chứng khoán. Nhưng ở độ tuổi này chưa đủ năng lực hành vi dân sự, nếu bị lừa trong quá trình giao dịch thì ai chịu? "Do đó, sẽ có độ vênh giữa độ tuổi mở tài khoản và độ tuổi chịu trách nhiệm hành vi của mình. Mở tài khoản mà không giao dịch thì mở làm gì? Hoặc nếu mở mà cho người khác đứng tên thì tính pháp lý ra sao? Thực tế quy định rất khó khả thi. Chưa kể, chứng khoán là kênh đầu tư có rủi ro, người chơi phải có kiến thức, am hiểu thị trường, mã cổ phiếu..." - TS Huỳnh Trung Minh góp ý.

Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho rằng nếu mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng dành cho trẻ em, người đại diện pháp luật là ba mẹ sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng với tài khoản giao dịch chứng khoán sẽ có giao dịch lên xuống, liên quan đến các lệnh mua - bán, mà theo Luật Dân sự, người giám hộ có quyền quyết định có lợi nhất cho người kia, nhưng thế nào là có lợi nhất trong chứng khoán là rất khó. "Vậy quy định cho phép người đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán để làm gì, ai sẽ là người đầu tư, giao dịch trực tiếp. Năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ thì các lệnh giao dịch có hiệu lực? Do đó, dự thảo phải lường trước những rủi ro có thể gặp phải khi quy định được áp dụng trên thực tế" - ông Huỳnh Anh Tuấn đặt vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại