Theo CNA, khoảng 1,5 triệu người Singapore sẽ nhận được 850 SGD (628 USD) hoặc 450 SGD tiền mặt vào tháng 8 từ chương trình thanh toán bằng tiền mặt từ Phiếu GST nâng cao (GSTV).
Đây là một phần của khoản thanh toán tăng thêm được công bố trong Ngân sách 2023 của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính lúc bấy giờ là Lawrence Wong.
Theo đó, công dân Singapore trưởng thành có thu nhập chịu thuế lên tới 34.000 SGD và sống trong những ngôi nhà có giá trị hàng năm lên tới 21.000 SGD sẽ nhận được 850 SGD trong khi những người có nhà có giá trị hàng năm trên 21.000 SGD và lên tới 25.000 SGD sẽ nhận được 450 SGD.
Tổng cộng, khoản giải ngân GSTV sẽ lên tới 1,4 tỷ SGD bằng tiền mặt và tiền nạp vào Medisave - tăng khoảng 200 triệu SGD so với năm 2023, Bộ Tài chính nước này cho biết.
Khoảng 650.000 người Singapore đủ điều kiện từ 65 tuổi trở lên cũng sẽ được ghi có tới 450 SGD vào tài khoản CPF MediSave vào tháng 8. MediSave dùng thanh toán cho điều trị ngoại trú.
Bộ Tài chính cho biết những người đủ điều kiện nhận tiền mặt và khoản thanh toán MediSave sẽ tự động nhận được khoản thanh toán nếu họ đã đăng ký tham gia các chương trình giải ngân của chính phủ.
Người dân Singapore có thể rút tiền từ các ATM của một ngân hàng chỉ định. Và không cần phải có tài khoản ngân hàng này để rút tiền.
Thái Lan phát cho mỗi người đủ điều kiện hơn 7 triệu đồng
Cũng từ 1/8, người dân và các cửa hàng có thể đăng ký tham gia chương trình Ví điện tử của Chính phủ Thái Lan. Kế hoạch này đã được thông báo hồi tháng 4.
Theo đó, Thái Lan sẽ phát 10.000 baht (hơn 7 triệu đồng) vào một ứng dụng ví điện tử cho mỗi công dân đủ điều kiện. Sau khi nhận tiền, người dân sẽ phải chi tiêu trong vòng 6 tháng, bằng cách mua đồ từ các cửa hàng đăng ký tham gia chương trình. Các sản phẩm như thuốc lá hay đồ uống có cồn không được cho phép.
Chương trình hỗ trợ này không dành cho người giàu Thái Lan. Theo kế hoạch, những người trên 16 tuổi, có thu nhập dưới 70.000 baht (1.900 USD) mỗi tháng và dưới 500.000 baht trong tài khoản ngân hàng mới đủ điều kiện.
Bộ Tài chính Thái Lan ước tính chỉ tối đa 90% trong 50 triệu người đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình. Tổng chi phí vì thế có thể chỉ vào khoảng 450 tỷ baht (12,7 tỷ USD). Tài chính cho dự án sẽ lấy từ ngân sách năm nay và năm tới.
Tháng 12/2023, trang Conversation dẫn nghiên cứu cho thấy tính bền vững tài chính của các chương trình trợ cấp tiền mặt. Theo đó, mỗi USD hỗ trợ nếu được chi tiêu thay vì để dành có thể làm tăng tổng thu nhập trong nền kinh tế.
Ví dụ, một nông dân dùng tiền trợ cấp mua phân bón ở chợ địa phương, người bán sẽ thu được lợi nhuận và sau đó chi tiêu khoản thu nhập tăng thêm này. Như vậy, khi một người được hỗ trợ, một người khác sẽ có thêm lợi nhuận, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế.
Tại vùng nông thôn phía tây Kenya, chương trình GiveDirectly cung cấp 1.000 USD cho 10.500 hộ nghèo tại đây đã cho kết quả tích cực. Theo đó, cứ mỗi USD hỗ trợ được chi tiêu sẽ tạo ra 2,5 USD cho nền kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc này sẽ khiến người dân ỷ lại, giảm nguồn cung lao động, và các chương trình này thường khá tốn kém.