“Nhập khẩu từ Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt nhóm hàng liên quan tới các thiết bị điện tử, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc và khu vực ASEAN, Nhật Bản có xu hướng chững lại”, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – cho biết khi đề cập đến cán cân thương mại của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2016, Việt Nam nhập khẩu 45 tỷ USD từ Trung Quốc, giảm nhẹ ở mức 0,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại có tốc độ tăng nhanh nhất trong số các đối tác thương mại chính, tăng tới gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 19,6 tỷ USD.
Kết quả này đã kéo mức nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam còn 25,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ.
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Sau 15 năm tăng chóng mặt, lần đầu Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc
Từ năm 2000 trở về trước, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu vào Trung Quốc. Đến năm 2001, Việt Nam lần đầu nhập siêu từ Trung Quốc với mức 189 triệu USD.
Mức nhập siêu này liên tục tăng chóng mặt. Đến năm 2015, mức nhập siêu này tăng lên 32,4 tỷ USD, tăng 171 lần sau 15 năm.
Cần phải nói thêm rằng trong 15 năm ấy, GDP Việt Nam theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ tăng 5,5 lần, từ 35,3 tỷ USD lên 193,6 tỷ USD.
Tốc độ tăng nhập siêu từ Trung Quốc cao nhất vào năm 2013, tới 44,5% so với năm 2012.
Tuy nhiên, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đã chững lại trong năm 2016.
Trong khi đó, một nguồn nhập khẩu khác nổi lên mạnh mẽ trong giao thương với Việt Nam là Hàn Quốc. Xu hướng chuyển nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ nét.
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
11 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nhập khẩu từ các nước khác suy giảm, lên 28,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ.