1.300 người miệt mài thi công hầm xuyên núi, cầu vượt sông trên tuyến cao tốc 10.700 tỷ ở Việt Nam

Thái Hà |

Dự án cao tốc 10.700 tỷ thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II đã huy động trên 1.300 nhân lực, tập trung thi công các hạng mục hầm xuyên núi, cầu vượt sông.

Hầm xuyên núi, cầu vượt sông

Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đi qua tỉnh Phú Yên là 1 trong 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II (2021-2025). Dự án được khởi công từ 1/1/2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Sau hơn một năm thi công, toàn dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đã đạt hơn 28% giá trị hợp đồng và chậm khoảng hơn 1,8% so với kế hoạch. Nhất là công trình hầm Tuy An trên cao tốc này hiện chậm 2 tháng so với mục tiêu.

Lý do là vì hầm Tuy An gặp phải vấn đề địa chất yếu, khi mới đào được 35m, đơn vị thi công đã phát hiện ra rằng đá phong hóa bị chuyển hóa thành đất, và tình trạng địa chất không ổn định, khác xa so với dự kiến ban đầu trong hồ sơ thiết kế. Do đó, nhà thầu đã phải tiến hành gia cố hầm để ngăn chặn sự sạt lở và buộc phải điều chỉnh tiến độ thi công.

Khác với phương pháp thi công thông thường là đào hầm sau đó xịt bê tông gia cố, nhà thầu buộc phải khoan và lắp đặt các ống thép, sử dụng để bơm vữa xi măng và phụ gia vào vòm hầm nhằm chống sạt lở. Quá trình này khiến công tác đào hầm và gia cố mất nhiều thời gian hơn, mỗi ngày chỉ hoàn thành được 1m so với tỉ lệ hoàn thành trước đây là 6m mỗi ngày.

1.300 người miệt mài thi công hầm xuyên núi, cầu vượt sông trên tuyến cao tốc 10.700 tỷ ở Việt Nam- Ảnh 1.

Hầm Tuy An là hạng mục quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án. Ảnh: Đèo Cả Group

Tại dự án hầm Tuy An, tổng thầu đã triển khai 3 mũi thi công làm việc liên tục theo 3 ca. Cụ thể, mũi 1 làm nhiệm vụ gia cố mái cơ hầm, bao gồm việc đào và gia cố khung giằng, lắp đặt tấm ốp, và đắp đất; trong khi mũi 2 và mũi 3, tương ứng với hầm trái và hầm phải, đã hoàn thành việc đào và gia cố quãng đường hơn 300m trong tổng số 772m của dự án.

Dự án đào hầm Tuy An khởi công từ tháng 7/2023, công trình thi công hầm xuyên núi dài hơn 1km quy mô 2 làn xe cùng 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế khoảng 60km/h. Giai đoạn đầu sẽ khai thác trước một hầm bên phải theo hướng Vân Phong đi Tuy Hòa. Hầm còn lại được sử dụng làm hầm cứu nạn.

Dự án đáng chú ý nhất của cao tốc này ngoài hầm Tuy An là cầu vượt sông Đà Rằng (TP. Tuy Hòa, dài 2,2km). Công trình cầu Đà Rằng là một trong 48 cầu chính nằm trên tuyến Cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên.

Khí thế thi công trên công trường cầu vượt sông Đà Rằng diễn ra nhộn nhịp với hơn 200 công nhân, kỹ sư cùng nhiều máy móc thiết bị… Với tiến độ như hiện nay, nhà thầu phấn đấu công trình cầu vượt sông Đà Rằng hoàn thành vượt 6 tháng so với kế hoạch.

1.300 người miệt mài thi công hầm xuyên núi, cầu vượt sông trên tuyến cao tốc 10.700 tỷ ở Việt Nam- Ảnh 2.

Cầu vượt sông Đà Rằng nhìn từ trên cao. Ảnh: Tô Quyên

Loạt máy móc “khủng” trên công trường 

Hiện trên toàn tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, các nhà thầu đã huy động 45 mũi thi công, 537 thiết bị với trên 1.300 nhân lực, tập trung thi công các hạng mục cầu, cống, hầm chui… và cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Ông Trương Công Đạt – Phó Giám đốc Ban Điều hành gói thầu cho biết, tranh thủ những ngày cán bộ kỹ sư, công nhân thi công nghỉ Tết về với gia đình, toàn bộ xe máy, thiết bị cũng được cho nghỉ ngơi và “thăm khám”, bảo trì, bảo dưỡng kỹ càng nhằm đảm bảo xe máy, thiết bị ở trạng thái kỹ thuật tốt nhất, tăng hiệu suất vận hành sau Tết.

1.300 người miệt mài thi công hầm xuyên núi, cầu vượt sông trên tuyến cao tốc 10.700 tỷ ở Việt Nam- Ảnh 3.

Xe, máy, thiết bị được huy động bổ sung để đẩy mạnh tiến độ thi công sau Tết. Ảnh: Đèo Cả Group

“Từ những ngày đầu bắt tay làm gói thầu này cho đến nay, các nhà thầu đã đầu tư loạt xe, máy, thiết bị tân tiến phục vụ thi công. Máy móc, thiết bị được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ phù hợp với điều kiện thời tiết, tần suất hoạt động tại công trường. Bên cạnh đó, nhà thầu đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, các nhân sự lái xe, lái máy nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý, vận hành máy móc thiết bị. Mục tiêu tối ưu công suất hoạt động, đảm bảo chất lượng và “tuổi thọ” của xe, máy, thiết bị, đáp ứng thực hiện gói thầu hiệu quả nhất”, ông Trương Công Đạt chia sẻ.

Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đi qua tỉnh Phú Yên có điểm đầu kết nối với cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh và điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 tại hầm Đèo Cả. Cao tốc dài hơn 48km, với tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng.

Để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và đảm bảo hiệu quả đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, dự án được đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; vận tốc thiết kế 80km/h.

Hướng tuyến của dự án chủ yếu đi về phía tây QL1 (cách trung bình QL1 khoảng 15-20km). Từ nút giao với đường kết nối vào thị trấn Chí Thạnh, hướng tuyến đi song song và cách QL1 khoảng 0,5 - 3,5km qua các xã Chí Thạnh, An Hiệp, giao cắt với ĐT643 tại xã An Mỹ rồi đi qua khu vực đồng bằng các xã: An Chấn, An Phú, Hòa Kiến, Hòa Trị. Tại đây tim tuyến được chỉnh so với nghiên cứu cũ để tránh xâm phạm vào phạm vi đường điện hay đất quân sự. Sau đó tuyến giao cắt với QL25.

Từ QL25, tuyến vượt sông Đà Rằng, tiếp tục đi qua xã Hòa Xuân Tây về hạ lưu thủy điện đập Hàn rồi kết nối vào hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã tại điểm cuối dự án.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại