12 năm bám trụ nơi cổng viện, mẹ mưu sinh duy trì sự sống cho con mắc ung thư, mất đôi mắt

Nhật Vũ |

Đã 12 năm mẹ con chị Nguyễn Thị Sáu bám trụ cổng sau bệnh viện K2 Tam Hiệp để mưu sinh, hàng ngày chị làm tất mọi việc để mua thuốc duy trì sự sống cho con mình bị ung thư.

"Yến Nhi ơi! Xuống ăn cơm đi con, chiều còn học nữa."

Chị Sáu bê mâm cơm nhỏ đặt giữa nhà, mắt nhìn lên đồng hồ đã hơn 12h trưa.

Yến Nhi lần theo tay vịn cầu thang, bước từ từ trên gác xép xuống dưới nhà, dường như em đã quen với lối nhỏ này nên không bao giờ bị lỗi bước chân.

"Hôm nay có canh cua hả mẹ, ôi con thích lắm", cô bé hít hà bát canh còn nghi ngút khói. Đối với Nhi, mọi thứ em cảm nhận đều qua các giác quan khác trừ… đôi mắt.

12 năm không nhìn thấy ánh sáng

"Mẹ ơi tại sao con không có mắt? Tại sao con không nhìn thấy các bạn, các bạn cứ chê con là con ma" - câu hỏi của cô con gái nhỏ luôn ám ảnh chị Sáu đã hơn 12 năm trời. Câu hỏi ngô nghê đó như những nhát cắt xén dần vào trong tim chị, mỗi lần an ủi con là nỗi đau trong lòng chị lại rỉ máu.

Năm 2008, chị Nguyễn Thị Sáu khi ấy đã 34 tuổi và còn độc thân, cuộc sống mưu sinh của chị cứ trải dọc từ Nam ra Bắc. Bố chị canh cánh nỗi lo trong lòng khi con gái út mãi vẫn chưa có điểm tựa vững chãi. Thương bố, chị bỏ làm xa xứ về quê ở Hưng Yên để lấy chồng và tiện báo hiếu.

Cùng năm đó, chị quen và kết hôn cùng chồng sau vài tháng tìm hiểu. Trái ngọt Nguyễn Hoàng Yến Nhi ra đời sau 9 tháng 10 ngày, tuy nhiên khi Nhi còn chưa đủ một tuần tuổi, bố bé đã lẳng lặng bỏ đi không một lần trở lại. Trong đầu của Yến Nhi dường như không có khái niệm về người mà mình gọi là bố.

Bé Yến Nhi khi sinh ra đã gặp thiệt thòi. 

Khi Nhi được 14 tháng tuổi, bé bỗng dưng sốt 42 độ không giảm, buổi tối tắt đèn thì mắt bé được mẹ miêu tả là sáng như mắt mèo. Chị Sáu vội đưa Nhi ra Hà Nội kiểm tra thì mới biết con đã bị ung thư võng mạc.

"Tôi ôm con lúc đó nó mới được 14 tháng tuổi ra viện Mắt TW để khoét đi một mắt, sau đó chuyển về bệnh viện K để điều trị tiếp. Điều trị được 6 đợt thì bác sĩ cho ra viện, được đúng 1 tháng 20 ngày con tái phát sang mắt thứ 2.

Khối u lan hết cái lòng đen của con, còn mỗi cái lòng trắng thì tôi lại cắp con ra viện Mắt. Bác sĩ bảo nếu bây giờ mổ thì phương án là 50/50, nếu thành công thì mù cả 2 mắt, nếu thất bại thì bé Nhi sẽ mất. Em có đồng ý kí cam kết không?"

Chị Sáu bảo không thể nào quên được giây phút sinh tử đó. Chị cũng không còn gì để mất, còn nước thì còn tát nên đã kí giấy cam kết.

Lúc đấy chị Sáu không có tiền, mẹ con cắp nhau ra chợ Tựu Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) ngồi xin tiền cho con chữa bệnh. Người đi đường thương xót, gom góp giúp hai mẹ con được hơn 6 triệu đồng, cô hàng xóm bán đàn gà được hơn 4 triệu cũng cầm ra cho chị vay luôn. Cầm 10 triệu, chị đưa con ra viện Mắt thực hiện ca mổ. Từ đó, Yến Nhi không bao giờ còn nhìn thấy ánh sáng nữa…

Sau ca mổ, căn bệnh ung thư của Yến Nhi đã bước vào giai đoạn 3 (giai đoạn di căn). Hết 15 đợt điều trị hóa chất, cơ thể Nhi đã không còn chữa được nữa, khối u đã di căn lên não, chị bế con về với niềm hy vọng sống mong manh từng ngày.

Không có nhà cửa ổn định, năm 2010, chị Sáu bế Nhi ra cổng sau viện K2 Tam Hiệp thuê một ki-ốt chưa đầy 10m2 với giá 2 triệu/tháng vừa bán hàng vừa chữa bệnh cho con.

Những năm tháng làm lụng chữa bệnh cho con

Năm 2014, khi Yến Nhi bước vào giai đoạn 3 căn bệnh ung thư võng mạc, các bác sĩ ai cũng phải lắc đầu. Không đành với những lời của bác sĩ, chị tâm niệm "có bệnh thì vái tứ phương" ở đâu có người mách thuốc tốt là chị tìm đến bằng được.

Rồi có người bảo, ở trong Sài Gòn có vị bác sĩ về hưu đã hơn 70 tuổi trước làm ở Bệnh viện Ung Bướu có bài thuốc rất tốt có thể ngăn tình trạng bệnh di căn lên não, chị mừng như "vớ được vàng" liền gọi điện vào xin cầu cứu. Vị bác sĩ lắc đầu vì khi nghe tình trạng của Nhi thì cảm thấy thuốc của mình không còn khả năng cứu chữa.

Không bỏ cuộc, đúng 23 tháng chạp năm 2014, có người thương tình mua vé bay khứ hồi cho hai mẹ con, chị Sáu ôm con vào tận Sài Gòn đến nhà vị bác sĩ. Nhìn thấy người mẹ ôm con từ Bắc vào Nam, vị bác sĩ thương cảm và đồng ý điều trị cho Yến Nhi. Chị bảo nhờ trời phật, nhờ phương thuốc ấy mà 2 mẹ con vẫn được bên nhau đến tận giờ này.

Gian ki-ốt của chị Sáu lúc nào cũng sáng đèn đến 12h đêm. Để kiếm tiền chữa bệnh cho con, chị làm tất cả mọi việc dù là nhỏ nhất. Buổi sáng chị bán xôi, trưa chị bán bánh mì hoặc mì tôm, chiều tranh thủ cho con đi học thêm, đêm tối lại bán đồ ăn hoặc đi ship đồ cho học sinh gần đó.

Tính sơ sơ, tiền thuốc một năm để duy trì sự sống cho Yến Nhi cũng gần 100 triệu, chị nghĩ nhịn ăn thì mình nhịn được nhưng tiền thuốc của con thì không thể nhịn. Tính đến bây giờ qua nhiều năm chăm sóc và điều trị cho con, chị đã phải vay mượn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Dù không nhìn thấy được nhưng Yến Nhi cũng cảm nhận được hết tình yêu thương cũng như sự vất vả của mẹ. Những lúc nằm cạnh ôm mẹ, Nhi lại thủ thỉ: "con rất thương mẹ, con không muốn chết đâu, con rất muốn sống để sau này còn đi hát kiếm tiền nuôi mẹ".

Ước mơ của con trẻ

Ngồi bên cửa sổ của căn gác xép, Yến Nhi thả hồn ra với thế giới bên ngoài, em cảm nhận và lắng nghe những âm thanh của cuộc sống, những tiếng nói chuyện của các bác hàng xóm, hay những tiếng còi hú nơi phía xa bệnh viện. Em cảm nhận nó, vẽ ra một bức tranh đa màu sắc trong trí tưởng tượng của mình. 

Nhi thích hát, nhất là những bài hát về mẹ. Chị Sáu nói bé có một giọng ca trong trẻo đầy cảm xúc, biết con thích hát chị đăng ký 1 tuần 1 buổi cho con đi học hát ở trên tận Pháo Đài Láng.

Nhi muốn học chữ, chị lại chạy vạy khắp nơi vay tiền xin cho con được nhập khẩu nhờ vào nhà người quen ở Hà Nội. Nhi được đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, ở trường có các bạn đồng hoàn cảnh với mình nên Nhi không còn bị lạc lõng nữa, những buổi đi học về em thường ngồi kể cho mẹ những gì được học và được chơi ở trên lớp.

Những bữa cơm ấm cúng của hai mẹ con. 

2 năm vừa rồi do tình hình dịch Covid-19, chị Sáu không bán được hàng nên cũng không có tiền để mua thuốc cũng như trang trải phí sinh hoạt hàng ngày. Căn bệnh của Yến Nhi thời gian nay lại tái phát, bệnh đã chuyển sang di căn toàn thân.

Những lần không có thuốc, bé Nhi đau như chết đi sống lại, lấy tay chọc vào con mắt giả làm rơi cả ra ngoài: "Mẹ ơi! Cho con chết đi chứ con sống thế này khổ lắm". Không có giảm đau Nhi như "lên cơn vật thuốc", không kìm chế được bản năng, em cào cấu, xé quần áo làm tổn thương cơ thể. Đỉnh điểm có một lần khi chị Sáu vào can ngăn cũng bị Nhi làm cho gãy chân.

Năm ngoái không may chị bỏng vì nước sôi, Nhi cứ ôm lấy mẹ rồi khóc: "Mẹ đừng có chết, mẹ mà chết thì con cũng chết theo mẹ vì không ai nuôi con". Lời nói của Nhi như xát muối vào trái tim của chị.

Nhìn đồng hồ đã điểm 3h chiều, Chị Sáu giục con xuống nhà để đi học. Ở trường Nguyễn Đình Chiểu có mở lớp học tiếng Anh miễn phí, hai mẹ con lại hòa vào dòng người xuôi ngược.

Cuộc sống vẫn cứ diễn ra, hai mẹ con chị Sáu cũng vậy, chẳng biết được ngày mai rồi sẽ ra sao…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại