Theo một nghiên cứu mới, lục địa Argoland tưởng như đã biến mất sau khi tách khỏi Australia 155 triệu năm trước cuối cùng đã được phát hiện, theo Science Alert.
Sự phân chia lục địa thường để lại dấu vết trong các hóa thạch, đá và dãy núi cổ xưa. Nhưng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra Argoland đã ở đâu. Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu tại Đại học Utrecht ở Hà Lan tuyên bố đã phát hiện ra vùng đất bí ẩn ẩn giấu dưới các hòn đảo phía đông Đông Nam Á. Phát hiện này có thể giúp giải thích một thứ gọi là đường Wallace, là ranh giới tưởng tượng ngăn cách hệ động vật Đông Nam Á và Úc. Phát hiện của nhóm đã được công bố và bình duyệt vào ngày 19 tháng 10 trên tạp chí Gondwana Research.
Minh họa đường di chuyển của lục địa Argoland (màu xanh) sau khi tách ra khỏi khối lục địa sau này là Australia
Được biết, các nhà nghiên cứu đã mất rất nhiều thời gian ‘điều tra’ để tìm ra nơi Argoland đã rời đi sau khi tách khỏi lục địa ban đầu - nơi sau này đã trở thành Australia. Các nhà khoa học đã tìm thấy các mảnh "lục địa ruy băng" – tức các mảnh lục địa rải rác của Argoland quanh Đông Nam Á, nhưng không thể ghép chúng lại với nhau.
“Các chuyển động địa chất ở Đông Nam Á rất khác so với những nơi như Châu Phi và Nam Mỹ, nơi lục địa bị vỡ thành hai mảnh. Argoland vỡ thành nhiều mảnh khác nhau. Điều đó cản trở nghiên cứu của chúng tôi về hành trình tách ra của lục địa này”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Dựa trên giả thuyết về việc Argoland khởi đầu là một loạt các mảnh lục địa chứ không phải là một khối rắn chắc, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng lục địa này không thực sự biến mất. Nó đã tồn tại như một "quần thể rất mở rộng và rời rạc" dưới các hòn đảo ở phía đông Indonesia. Với công trình nghiên cứu này, cuối cùng họ đã có thể minh hoa lịa cuộc hành trình của Argoland trong 155 triệu năm qua. Bạn có thể thấy Argoland, màu xanh lá cây, trôi bên dưới.
Do Argoland không phải là một mảng lục địa nguyên khối mà là một loạt các tiểu lục địa được ngăn cách bởi đáy đại dương, Advokaat và nhà địa chất Douwe van Hinsbergen tại Đại học Utrecht đã đặt ra một thuật ngữ mới để định nghĩa Argoland chính xác hơn: một '"Argopelago".
Rào cản ngăn cách thú có túi và hổ ở Đông Nam Á
Đáng chú ý, nghiên cứu này không chỉ cho chúng ta biết về cách Trái đất của chúng ta đã định hình như ngày nay như thế nào. Nó cũng có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về đường Wallace kỳ lạ, một rào cản vô hình chạy qua giữa Indonesia và ngăn cách các loài động vật có vú, chim và thậm chí cả loài người nguyên thủy ở các đảo tại Đông Nam Á.
Đường Wallace (màu đỏ) - rào cản vô hình xuyên ngăn cách hai thế giới động vật khác nhau
Rào cản này từng khiến các nhà khoa học bối rối vì nó tạo sự ngăn cách rõ ràng với các loại động vật hoang dã trên đảo. Ở phía tây của đường này là các loài động vật có vú với đặc trưng là có nhau thai như vượn, hổ và voi – vốn cũng được tìm thấy ở Đông Nam Á. Nhưng những loài này gần như hoàn toàn vắng bóng ở phía Đông, nơi tồn tại các loài thú có túi và vẹt mào - loài động vật thường gắn liền với nước Úc. Điều này có thể là do Argoland đã mang động vật hoang dã sống trên lục địa này ra khỏi nơi sẽ là Australia trong tương lai, trước khi ‘xâm nhập’ vào Đông Nam Á.