Theo số liệu thống kê chưa chính thức, cho tới nay trên thế giới có hơn 50 nữ phi hành gia đến từ 7 quốc gia đã thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, con số này còn ít ỏi so với tiềm năng mà các nữ du hành gia có thể có được.
Và thực tế cho thấy, các phi hành gia nữ dường như chưa bao giờ được xếp hạng cao trong danh sách ưu tiên của NASA. Trong lịch sử hoạt động hàng không vũ trụ của mình, NASA chỉ tuyển dụng các phi hành đoàn toàn nam trong nhiều thập kỷ.
Chẳng hạn trong 566 người đã từng du hành vào vũ trụ, chỉ có 65 người (chiếm 11%) trong số đó là phụ nữ. Lí do, NASA đã hạn chế đưa các phi hành gia nữ vào vũ trụ vì cho rằng, chỉ nam giới mới đảm trách trọn vẹn sứ mệnh vĩ đại này, ngoài ra còn có thêm cái cớ rất ‘buồn cười’ từ việc không có size đồ bảo hộ cho phụ nữ.
“Các bộ đồ du hành vũ trụ phần lớn hợp với cơ thể các phi hành gia nam hơn là nữ giới. Bởi nữ giới có tầm vóc nhỏ hơn, nên việc tìm kiếm một bộ đồ phù hợp để ra ngoài vũ trụ là điều khá rắc rối”, một thành viên Nasa từng tuyên bố.
Phụ nữ phù hợp hơn để đưa lên vũ trụ
Chúng ta thường quen thuộc với hình ảnh những người đàn ông cao to, khỏe mạnh trong bộ trang phục thám hiểm không gian quá khổ. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây lại chỉ ra không ít lý do cực kỳ thuyết phục cho thấy nữ giới mới là những người sở hữu nhiều lợi thế hơn trong công việc đặc thù này.
Cụ thể, phụ nữ nhẹ cân hơn nam giới nên khi phải gồng gánh một tải trọng lớn lên không gian kéo theo hàng loạt hệ lụy như thiết kế tàu vũ trụ cần phải thay đổi, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, chi phí hậu cần tốn kém hơn. Vì vậy, sự góp mặt của các nữ phi hành gia sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề trên.
Phụ nữ ăn ít calo hơn và sử dụng ít tài nguyên hơn: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nữ giới yêu cầu lượng calo ít hơn nam giới từ 15 đến 25%, mặc dù cùng thực hiện một khối lượng công việc tương tự, với hiệu quả tương đương.
Ngoài ra, vì phụ nữ (trung bình) nhỏ con hơn nam giới, họ cũng tạo ra ít chất thải hơn (CO2 và chất bài tiết của cơ thể), giúp hệ thống tái chế của tàu vũ trụ hoạt động hiệu quả hơn.
Các đặc tính không gian có ảnh hưởng khác nhau đến nam giới và nữ giới: Do ảnh hưởng của vi trọng lực và bức xạ, các nhà du hành vũ trụ có thể phải chịu một số tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nam giới ít bị ảnh hưởng bởi chứng “say tàu xe” trong các chuyến bay vào không gian hơn phụ nữ, nhưng lại có nguy cơ bị suy giảm thính lực nhanh hơn, cũng như mắc các vấn đề về thị lực cao hơn.
Phụ nữ thường xuyên vượt trội hơn đàn ông trong các tình huống cần phải chịu đựng sự cô lập kéo dài. Không những thế, khi đặt chân lên môi trường không gian, các phi hành gia phải tiếp xúc với bức xạ vũ trụ và tia này gây hại rất nhiều cho cơ thể, bao gồm tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề khác.
Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ được ưu ái có những tố chất đặc biệt về tinh thần, khá lý tưởng cho các nhiệm vụ khám phá vũ trụ.
Trong một cuộc khảo sát tại Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, một nhà nghiên cứu của NASA phát hiện, phi hành gia nam thường xuyên mắc tâm trạng khó chịu, bực dọc hơn, so với các phi hành gia nữ trong một số tình huống khó khăn nào đó.
Tương tự, trong một nghiên cứu trên 349 người trong Dự án Khảo sát Nam Cực của Anh, 20% trong số đó là nữ được thống kê có tính 'thích nghi đặc biệt' về mặt lâu dài, chịu đựng được sự cô lập dài hạn tốt. Trong đó, đàn ông làm tốt nhất trong các nhiệm vụ ngắn hạn, hướng đến mục tiêu, trong khi phụ nữ thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ dài hơn có những thách thức bất ngờ.
Trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, phụ nữ đã chứng minh rằng họ có khả năng làm bất cứ điều gì - bao gồm cả việc chinh phục không gian, cho thấy ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn cho sự thành công của họ.
Thực tế cho thấy, các phi hành gia nữ dường như chưa bao giờ được xếp hạng cao trong danh sách ưu tiên của NASA. Nhưng giờ đây, cơ quan vũ trụ này có vẻ háo hức để bù đắp cho những sai lầm từng có trong quá khứ.
Cụ thể, NASA dự kiến sẽ đưa phụ nữ đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2024, tức 55 năm sau khi con người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1969. Dự án nhanh chóng được công bố sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đồng ý đề xuất Quốc hội chi bổ sung 1,6 tỷ USD cho chuyến thám hiểm lịch sử này.
Những nữ du hành gia nổi tiếng
Bà Vladimirovna Tereshkova, quốc tịch Liên Xô (sinh ngày 6/3/1937) - nữ phi hành gia đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người. Vào ngày 16/6/1963, bà bay vào vũ trụ trên tàu Vostok 6, trong chuyến bay Chayka (Mòng biển) quanh quỹ đạo Trái đất 48 vòng với gần 3 ngày.
Bà Svetlana Savitskaya (sinh ngày 8/8/1948 tại Liên bang Nga) - nữ phi hành gia thứ hai bay vào không gian, 19 năm sau Vladimirovna Tereshkova.
Bà bay trên tàu vũ trụ Soyuz T-7 lên Trạm không gian Salyut-7 vào năm 1982. Khi ở trên trạm không gian Salyut-7, Savitskaya là người phụ nữ đầu tiên thực hiện cuộc đi bộ trong không gian (ngày 25/7/1984). Bà đã đi ra ngoài trạm không gian Salyut-7 trong 3 giờ 35 phút.
Bà Sally Kristen Ride (sinh ngày 26/5/1951) - nữ phi hành gia đầu tiên của Mỹ bay vào không gian trong phi hành đoàn của tàu con thoi Challenger trên chuyến bay STS-7 ngày 18/6/1983. Trước đó đã có 2 phụ nữ người Liên Xô là Valentina Tereshkova bay vào không gian năm 1963 và Svetlana Savitskaya năm 1982.
Bà Shannon Matilda Well Lucid (sinh ngày 14/1/1943) - nữ phi hành gia người Mỹ đang giữ kỷ lục là người phụ nữ có thời gian sống và làm việc ngoài không gian lâu nhất.
Năm 1996, bà đã sống và làm việc ngoài không gian với thời gian 188 ngày, trong đó có 179 ngày trong trạm vũ trụ MIR. Tổng cộng, bà đã thực hiện 5 chuyến bay lên không gian bằng các tàu con thoi: Discovery (1985), Atlantis (1989, 1991 và 1996) và Columbia (1993).
Bà Roberta Bondar (sinh ngày 4/12/1945) - tiến sĩ y khoa, nữ phi hành gia đầu tiên của Canada bay và vũ trụ. Bà được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tín nhiệm trong lĩnh vực y khoa vũ trụ. Bà bay vào không gian trên tàu con thoi Discovery của NASA trong sứ mệnh STS-42 thực hiện các nhiệm vụ trong phòng thí nghiệm không gian IML-1 từ ngày 22-30/1/1992.
Bà Chiaki Mukai (sinh ngày 6/5/1952) - bác sĩ, nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật và là nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên của Nhật thực hiện 2 chuyến bay vào không gian. Đó là sứ mệnh STS-65 vào tháng 7/1994 trên tàu con thoi Columbia (Mỹ) và sứ mệnh thứ hai STS-95 trong năm 1998 trên tàu con thoi Discovery (Mỹ). Tổng thời gian bà Mukai ở lại trong không gian là 28 ngày.
Bà Eileen Marie Collins (sinh ngày 19/11/1956), nữ phi công đầu tiên và nữ chỉ huy đầu tiên lái tàu con thoi của Mỹ. Tổng cộng bà đã có 38 ngày 08 giờ ngoài không gian, thực hiện 4 chuyến bay trên các tàu con thoi Discovery (nhiệm vụ STS-63, năm 1995), Atlantis (nhiệm vụ STS-84, năm 1997), Columbia (chỉ huy nhiệm vụ STS-93, năm 1999) và Discovery (nhiệm vụ STS-114, năm 2005).
Bà Claudie Haigneré (sinh ngày 13/5/1957), nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp, từng làm việc tại Cơ quan vũ trụ châu Âu (1999-2002). Bà Haigneré ở trên Trạm không gian MIR trong vòng 16 ngày năm 1996. Năm 2001, bà Haigneré trở thành người phụ nữ châu Âu đầu tiên đặt chân Trạm Không gian quốc tế (ISS).
Cô Yi So-Yeon (sinh ngày 2/6/1978), nữ phi hành gia đầu tiên của Hàn Quốc, bay lên ISS trên tàu Soyuz TMA-12 của Nga vào ngày 8/4/2008. Cô là nữ phi hành gia châu Á thứ hai bay vào không gian sau bà Chiaki Mukai.