Hệ Mặt Trời là 1 hệ hành tinh có Mặt Trời ở trung tâm và các thiên thể nằm trong phạm vi lực hấp dẫn của Mặt Trời, tất cả chúng được hình thành từ sự suy sụp của 1 đám mây phân tử khổng lồ cách đây gần 4,6 tỷ năm.
Đa phần các thiên thể quay quanh Mặt Trời, và khối lượng tập trung chủ yếu vào 8 hành tinh có quỹ đạo gần tròn và mặt phẳng quỹ đạo gần trùng khít với nhau gọi là mặt phẳng hoàng đạo.
4 hành tinh nhỏ vòng trong gồm: Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa - người ta cũng còn gọi chúng là các hành tinh đá do chúng có thành phần chủ yếu từ đá và kim loại.
4 hành tinh khí khổng lồ vòng ngoài có khối lượng lớn hơn rất nhiều so với 4 hành tinh vòng trong. 2 hành tinh lớn nhất là Sao Mộc và Sao Thổ có thành phần chủ yếu từ heli và hiđrô; và 2 hành tinh nằm ngoài cùng là Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương có thành phần chính từ băng, như nước, amoniac và mêtan.
Có 6 hành tinh và 3 hành tinh lùn có các vệ tinh tự nhiên quay quanh. Các vệ tinh này được gọi là "Mặt Trăng" theo tên gọi của Mặt Trăng của Trái Đất. Mỗi hành tinh vòng ngoài còn có các vành đai hành tinh chứa bụi, hạt và vật thể nhỏ quay xung quanh.
Hệ Mặt Trời cũng chứa 2 vùng tập trung các thiên thể nhỏ hơn. Vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, có thành phần tương tự như các hành tinh đá với đa phần là đá và kim loại. Bên ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương là các vật thể ngoài Sao Hải Vương có thành phần chủ yếu từ băng như nước, amoniac, mêtan.
Giữa 2 vùng này, có 5 thiên thể điển hình về kích cỡ, Ceres, Pluto, Haumea, Makemake và Eris, được coi là đủ lớn đủ để có dạng hình cầu dưới ảnh hưởng của chính lực hấp dẫn của chúng, và được các nhà thiên văn phân loại thành hành tinh lùn.
Ngoài ra có hàng nghìn thiên thể nhỏ nằm giữa 2 vùng này, có kích thước thay đổi, như sao chổi, centaurs và bụi liên hành tinh, chúng di chuyển tự do giữa 2 vùng này.
Vì sao hành tinh không nhấp nháy như ngôi sao?
Các ngôi sao nhấp nháy liên tục trên bầu trời đêm là do ánh sáng phát ra từ chúng bị khúc xạ nhiều lần khi đi qua bầu khí quyển của Trái Đất.
Ngôi sao và hành tinh đều có ánh sáng không thay đổi khi nhìn từ ngoài không gian. Nhưng nếu quan sát ở trên Trái Đất, ngôi sao trông vẻ sáng lấp lánh trên bầu trời, còn hành tinh thì không, theo Earth Sky.
Các ngôi sao sáng lấp lánh vì ở khoảng cách rất xa so với Trái Đất. Thậm chí nếu nhìn qua kính thiên văn, chúng chỉ xuất hiện như một điểm nhỏ. Khi ánh sáng phát ra từ ngôi sao đi qua bầu khí quyển Trái Đất, nó sẽ bị khúc xạ làm thay đổi hướng di chuyển một chút.
Do mật độ và nhiệt độ trong các lớp khí quyển khác nhau, ánh sáng sẽ đi theo đường zig-zag để tới mắt người quan sát thay vì đi theo đường thẳng, nên chúng ta có cảm giác ngôi sao đang nhấp nháy.
Hành tinh ở khoảng cách gần hơn so với Trái Đất. Chúng xuất hiện như những chiếc đĩa nhỏ xíu trên bầu trời. Ánh sáng từ chiếc đĩa nhỏ này cũng bị khúc xạ bởi bầu khí quyển Trái Đất, trên đường tới mắt người quan sát.
Trong khi ánh sáng phát ra từ một điểm trên "đĩa hành tinh" buộc phải di chuyển theo đường zig-zag, thì ánh sáng phát ra từ điểm đối diện của đĩa di chuyển zig-zag theo hướng ngược lại làm triệt tiêu lẫn nhau. Đây là lý do hành tinh không phát ra ánh sáng nhấp nháy.
Hành tinh lạnh nhất Hệ Mặt trời
Sao Thiên Vương do nhà thiên văn học người Đức William Herschel (1738-1822) tình cờ khám phá khi quan sát bầu trời đêm bằng kính viễn vọng vào năm 1781.
Khối lượng của Sao Thiên Vương lớn hơn của Trái Đất gần 14,5 lần, tuy nhiên nhẹ nhất trong số các hành tinh khí khổng lồ, bao gồm Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.
Nhiệt độ khí quyển của Sao Thiên Vương lạnh nhất trong tất cả các hành tinh trong Hệ Mặt trời khi không thấp hơn -224 độ C, trong khi đó phần có nhiệt độ thấp nhất của khí quyển Trái Đất chỉ là -90 độ C.
Nhiều người cho rằng do cách xa Mặt Trời nên Sao Thiên Vương lạnh lẽo, tuy nhiên điều này chưa hẳn chính xác vì Sao Hải Vương mới là hành tinh xa nhất, cách Mặt Trời khoảng 4,5 tỉ km so với 2,88 tỉ km của Sao Thiên Vương. Thế nhưng, nhiệt độ thấp nhất của khí quyển Sao Hải Vương vào khoảng -217 độ C, tức vẫn không bằng Sao Thiên Vương.
Lý do có thể nằm ở cấu hình độc nhất với trục tự quay của hành tinh nghiêng đến 97,77 độ, tức gần song song với mặt phẳng quỹ đạo trong hệ mặt trời. Trong khi đó, trục quay của Trái Đất chỉ nghiêng khoảng 23,5 độ.
Tốc độ gió trên Sao Thiên Vương đạt tốc độ khủng khiếp, trong đó những cơn gió ngược chiều quay thường đến 100m/s, cùng chiều quay lên tới 250m/s (khoảng 900km/h). Đây cũng là một trong những lý do khiến hành tinh này không thể giữ nhiệt và trở nên giá lạnh.
Sao Thiên Vương quay quanh mặt trời một vòng hết 84 năm trên Trái Đất, trong đó 2 cực của hành tinh lần lượt được chiếu sáng 42 năm rồi chìm vào bóng tối 42 năm.
Thiên Vương có 27 vệ tinh tự nhiên được các nhà thiên văn học biết đến. Tên gọi của những vệ tinh được chọn theo tên của các nhân vật trong các tác phẩm của danh hào Shakespeare và Alexander Pope.
Năm vệ tinh lớn nhất là Miranda, Ariel, Umbriel, Titania và Oberon, trong đó Titania và Oberon được William Herschel phát hiện cách đây hàng trăm năm (năm 1787) có bán kính khoảng 788,9km, nhỏ hơn phân nửa bán kính Mặt Trăng của Trái Đất.
Năm 1986, tàu vụ trũ Voyager 2 của NaSa đã lướt qua Sao Thiên Vương, cách những đám mây trên bầu trời hành tinh này khoảng 81.500km. Và đây là lần duy nhất, có tàu vụ trụ bay qua hành tinh này ở độ cao thấp như vậy.