1001 thắc mắc: Hồ Kawah Ijen kinh dị thế nào, sao được mệnh danh cốc axit khổng lồ

Châu Anh |

Nằm trên miệng núi lửa ở độ cao 2.300m so với mực nước biển, hồ Kawah Ijen ở Indonesia có màu nước xanh ngọc đặc trưng, quanh năm phủ trong khói trắng và được mệnh danh là “cốc axit khổng lồ của tự nhiên”.

Hồ Kawah Ijen thuộc khu vực núi lửa Ijen, nằm giữa cao nguyên Bondowoso và Banyuwangi (phía đông đảo Java, Indonesia). Hồ Kawah Ijen nằm cách mặt nước biển 2.300 m. Mặt hồ có bán kính rộng khoảng 361 m, sâu 200 m. Hồ Kawah Ijen cùng với các khu vực lân cận hợp thành một quần thể hồ núi lửa rộng tới 45 hecta.

Trong hồ chứa tới 36 triệu m3 nước axit. Tuy mặt hồ có màu xanh nhưng lúc nào cũng được bao phủ bởi một làn khói trắng đậm đặc, tạo một cảm giác ngột ngạt. Không khí tại khu vực này cũng khắc nghiệt không kém bởi lúc hơi axit có mùi trứng thối (mùi của hợp chất lưu huỳnh - H2S).

Hồ Kawah Ijen, hay là miệng núi lửa Kawah Ijen không hề ồn ào “phun phì phì” khí cacbon nén dưới lòng đất, nó chỉ bình lặng ở đó với một màu lam ngọc tuyệt đẹp. Khi đêm đến, nơi này lại thay đổi cảnh sắc hoàn toàn, không còn đẹp như tiên cảnh mà mang vẻ ma mị nức lòng du khách.

Lý giải cho hiện tượng độc đáo này, giới khoa học cho rằng lưu huỳnh là yếu tố chủ chốt khiến miệng núi lửa Kawah Ijen có màu sắc đẹp tuyệt đến thế. Các phòng magma bên dưới núi lửa đẩy sulfuric vào lòng hồ, kết hợp với các kim loại hòa tan với nồng độ cao, kết quả là khí gas trong hồ khiến cho màu nước chuyển xanh.

Bên cạnh đó, quá trình trên đồng thời làm cho miệng núi lửa Kawah Ijen trở thành hồ có tính axit cao nhất thế giới với độ pH là 0,5.

Sở dĩ nồng độ axit tại đây cao là vì ngay cạnh đó là một mỏ lưu huỳnh khổng lồ. Mỏ lưu huỳnh này cũng là nguồn mưu sinh của nhiều người dân nơi đây. Hàng ngày có khoảng 300 công nhân xuống mỏ khai thác lưu huỳnh. Mỗi ngày, có khoảng từ 15 đến 45 tấn lưu huỳnh được khai thác tại đây.

Kawah ljen vốn là một ngọn núi lửa, hình thành từ khoảng 3.500 năm trước và hiện vẫn còn đang hoạt động, nơi đây chứa đầy lưu huỳnh nóng chảy. Hàng ngày, có hàng trăm du khách leo lên núi lửa Ijen để xem ngọn lửa xanh phát ra từ mỏ quặng lưu huỳnh, ngắm bình minh từ từ xuất hiện giữa làn sương mờ đặc, và đắm chìm trong màu xanh ngọc bích huyền ảo của hồ axit nằm lọt thỏm trong miệng núi.

Trong miệng núi lửa Ijen, ngay cạnh hồ a-xít, nơi những ngọn lửa xanh do lưu huỳnh bị đốt cháy không ngừng phun lên, là một mỏ lưu hình kết tủa. Người ta đã tạo các đường ống để dẫn khí từ lòng núi lửa tạo nên sự ngưng tụ của lưu huỳnh nóng chảy.

Từ màu đỏ khi bị nung chảy, lưu huỳnh chảy qua các đường ống rồi kết thúc ở những hố nhỏ trên bề mặt miệng núi lửa, rồi biến thành màu vàng sậm khi nguội.

Những hồ nước nguy hiểm trên thế giới

Hồ Karachay, Nga: Nằm trên dãy núi Ural - phía tây nước Nga, hồ nước xanh thẳm này là một trong hồ nước nguy hiểm nhất thế giới. Chính phủ Nga đã sử dụng Karachay là nơi chứa chất thải phóng xạ trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ năm 1951.

Chỉ cần đứng quanh hồ trong vòng 5 phút cũng có thể khiến bất cứ ai mất mạng. Trong một đợt hạn hán năm 1961 khiến nước hồ cạn dần đã khiến gió thổi bụi chất độc hại đi xa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 500.000 người.

Hồ Kivu, Congo: Hồ nước đặc biệt này nằm trên biên giới giữa nước Congo và Rwanda và có chứa một lớp khí Carbon Dioxide và 55 tỷ mét khối khí Metan được tạo ra bởi vi khuẩn dưới đáy hồ. Sự kết hợp nguy hiểm này khiến hồ Kivu giống như một quả bom khổng lồ. Nếu xảy ra một trận động đất hoặc núi lửa hoạt động, hồ nước này sẽ đe dọa sinh mạng của 2 triệu người sống xung quanh hồ.

Hồ Ozarks, Mỹ: Thoạt nhìn Ozarks có thể là chốn nghỉ dưỡng yên bình với không khí mát mẻ và tiếng chim hót líu lo, nhưng lại hoàn toàn ngược lại. Do không có sự quản lý của chính quyền, những chiếc tàu thuyền lớn và tàu tuần dương thường xuyên xảy ra tranh chấp tại khu vực này.

Điều đó gây ảnh hưởng đến những tàu nhỏ hơn và người dân sinh sống gần đó, khiến khu vực vốn thanh bình này trở nên nguy hiểm. Hồ Ozarks hiện nay được coi là một trong ba con đường thủy nguy hiểm nhất ở Mỹ, đứng sau Đại Tây Dương và sông Colorado.

Hồ Monoun, Cameroon: Nằm ở vùng núi lửa Oku, hồ Monoun là một trong ba hồ nước duy nhất trên trái đất tích trữ một lượng lớn khí CO2 độc hại có khả năng gây chết người. Năm 1984, đã có 37 người dân sống ở vùng hồ Monoun thiệt mạng do ngạt khí CO2. Trong số 12 nạn nhân đi trên một chiếc xe tải gặp nạn hôm đó, chỉ có 2 người ngồi ở buồng lái may mắn sống sót.

Hồ Boiling, Dominica: Cái tên của hồ đã đủ nói lên độ nguy hiểm. Nằm ở Dominica, Boiling là suối nước nóng tự nhiên lớn thứ 2 trên thế giới. Nơi ít nóng nhất của hồ Boiling cũng có nhiệt độ lên tới hơn 80 độ C, đặc biệt tại giữa hồ, nước liên tục sôi sục. Người ta không thể tìm được biện pháp nào kiểm soát nhiệt độ bởi đây là kết quả của một vết nứt trong lòng hồ, khiến dung nham nóng chảy rò rỉ ra ngoài.

Hồ Horseshoe, Mỹ: Nằm gần thị trấn Mammoth Lakes, Horseshoe được coi là một "sát thủ" thầm lặng. Đây là một hồ nước đẹp và được mệnh danh là một trong những hồ tử thần rùng rợn nhất thế giới. Ở khu vực phía Bắc, có rất ít cây cối và dấu hiệu tồn tại của sự sống. Lượng carbon dioxide tại đây cao đến 95 lần so với bình thường. Năm 2006, 3 người thiệt mạng vì khí CO2 trong khi trú ẩn ở một hang động gần hồ.

Hồ Michigan, Mỹ: Trong 5 hồ nước lớn nằm giữa biên giới Canada - Mỹ, hồ Michigan luôn dẫn đầu về số người thiệt mạng.

Hồ nước ấm áp, rộng lớn này thu hút rất nhiều du khách và người dân địa phương đến đây bơi lội mỗi năm, bất chấp sự nguy hiểm của nó. Hình dạng của hồ khiến nó dễ dàng hình thành nên những con sóng và dòng nước xoáy nguy hiểm, cướp đi mạng sống của nhiều người mỗi năm đặc biệt là tháng 10 và tháng 11.

Hồ Mono, Mỹ: Không chỉ là một trong những hệ sinh thái phong phú và đặc biệt nhất thế giới, Mono cũng là hồ nước muối độc hại nhất bắc Mỹ với những chất độc hại như clorua, cacbonat và sunfat. Giới chức trách đã ban hành lệnh nhằm khôi phục lại sự an toàn của hồ nước này, nhưng ước tính phải mất hàng chục năm mới có thể hoàn thành.

Hồ Nyos, Cameroon: Hồ Nyons được hình thành do nước mưa tích tụ trong quá trình nguội của núi lửa. Lượng nham thạch đã tạo nên một con đập tự nhiên có tác dụng giữ nước. Một túi dung nham của núi lửa nằm bên dưới hồ nước và khí CO2 xâm nhập vào nước hồ tạo nên axit carbonic, một chất hóa học có khả năng giết chết người. Trên thực tế, năm 1986, một vụ nổ do khí CO2 thoát ra khỏi hồ vào ban đêm đã khiến khoảng 1.700 người sinh sống quanh khu hồ bị chết ngạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại