Gián là loài côn trùng có đôi cánh ôm kín lưng, kích thước khác nhau tùy theo loài, có thể dài từ 2 – 3mm đến 80mm, thân có màu nâu sáng hoặc đen và chúng ít khi bay. Các loại gián nhà thường gặp là gián Mỹ (Periplaneta americana), Úc (Periplaneta australasiae), Đức (Blattella germanica), Đông Phương (Blatta orientalis), gián có băng vàng, nâu (Supella longipalpa).
Chúng sinh trưởng qua 3 giai đoạn: trứng, thiếu trùng và con trưởng thành. Tùy theo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, trứng có thể nở thành thiếu trùng sau từ 1 đến 3 tháng. Thiếu trùng hay còn gọi là gián con thường không có cánh và dài chỉ vài mm. Khi mới nở có màu trắng và đen dần sau vài giờ. Gián con lột xác và lớn lên, phát triển thành gián trưởng thành từ sau vài tháng đến hơn một năm tùy theo loài, có thể có cánh hoặc không có cánh.
Gián nhà thường xâm nhập vào nhà và gây hại cho con người tại những vùng có khí hậu nhiệt đới, ôn đới, ấm áp, ẩm thấp, có thức ăn thích hợp. Chúng sống thành đàn và hoạt động mạnh về ban đêm, còn ban ngày tìm nơi tối tăm, ẩm thấp để trú ẩn như ở hố hốc, kẽ tường, kẽ cửa, kẽ tủ, nhà vệ sinh, tủ đựng bát đĩa và đồ ăn, nơi để các thiết bị truyền thanh, truyền hình và các dụng cụ điện; ống nước và rãnh thoát nước, chuồng gia súc…
Gián nhà là loại côn trùng có hại cho sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của con người vì chúng có tập tính sống ở những nơi bẩn thỉu, hủy hoại và làm thức ăn bị nhiễm khuẩn, đồng thời có thể gặm nhấm làm hư hỏng một số vật dụng như quần áo, vải vóc, bìa gáy sách vở…
Chúng vừa ăn vừa nôn mửa những thức ăn mà chúng đã tiêu hóa một phần và đào thải phân rải rác khắp nơi. Các chất bài tiết, nôn mửa từ miệng gián, các tuyến trên cơ thể của gián có mùi hôi đặc biệt, rất khó chịu và đọng lại rất lâu trên những vật dụng mà nó đã đi qua.
Gián không phải là tác nhân gây bệnh nhưng nó là trung gian truyền và phát tán một số loại bệnh vì nó mang mầm bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, dịch tả, dịch hạch, thương hàn, virus bại liệt… Ngoài ra, nó còn mang các loại trứng giun đường ruột, gây tác động kích thích dị ứng, ngứa, viêm da, mí mắt và các rối loạn hô hấp khác tùy theo mức độ.
Gián chịu được vụ nổ hạt nhân?
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh gián là loại có sức khoẻ kinh khủng. Theo Scienceabc, một con gián có thể nín thở 40 phút, do đó nó có thể sống sót được khi chìm trong nước. Nó có thể sống mà không có nước trong vài ngày và không cần thức ăn trong vài tháng, thậm chí sống sót trong khoảng một vài tuần sau khi mất đầu.
Gián có thể chịu được bức xạ ion hóa lâu hơn con người rất nhiều. Bởi lẽ, nếu con người và các sinh vật khác dễ bị tổn thương nhất do sự bị hỏng DNA (do nhiễm độc phóng xạ) khi tế bào của chúng ta phân.
Vì các tế bào trên khắp cơ thể chúng ta đang phân chia bất cứ lúc nào trong suốt cuộc sống, nghĩa là chúng ta luôn có nguy cơ bị ngộ độc phóng xạ. Trong khi đó, các tế bào của gián chỉ phân chia khi chúng đang lột xác. Điều này chỉ xảy ra ở gián một vài tuần một lần, vì vậy chúng có nguy cơ bị bức xạ thấp hơn nhiều so với con người.
Tuy vậy, năng lượng và nhiệt sinh ra từ vụ nổ hạt nhân đơn giản là quá nhiều đối với bất kỳ sinh vật nào để có thể chịu được và gián không phải là ngoại lệ.
Gián cũng không thể tồn tại ngay cả khi phun một lượng thuốc nhỏ vì ngộ độc phóng xạ và ngộ độc hóa học là hai thứ rất khác nhau, tấn công đối tượng theo những cách khác biệt đáng kể.
Mặc dù các thành phần của thuốc xịt diệt côn trùng có thể khác nhau, nhưng hầu hết chúng có chứa pyrethroids – những hợp chất hữu cơ hoạt động nhanh trong hầu hết các loại thuốc trừ sâu và côn trùng.
Trong hợp chất pyrethroids có chứa axonic toxins, nghĩa là nếu sử dụng chất này cho gián, nó sẽ làm tê liệt chúng bằng cách ức chế các chức năng của não dẫn đến tử vong.
Tóm lại, gián có thể sống sót qua bức xạ, nhưng nó chắc chắn không thể sống sót qua vụ nổ hạt nhân và dễ dàng bị tiêu diệt bởi thuốc diệt côn trùng.
Vì sao gián chết thường trong tư thế lật ngửa
Gián có trọng lực cơ thể lớn nhờ 6 chân dài, như vậy hầu hết sức nặng của chúng tập trung xung quanh lưng. Khi gián đã già và chết đi, trọng tâm sẽ kéo lưng của nó quay xuống sàn nhà và làm nó lật ngửa.
Cái lưng trơn tròn và các cơ đang yếu dần làm cho nó không thể lật lại được, đặc biệt là khi nó đang nằm trên bề mặt trơn. Đó là lí do, khi chết gián thường nằm trong tư thế ngửa bụng lên trời.
Vì sao gián mất đầu vẫn sống?
Việc đầu lìa khỏi cổ của một người đồng nghĩa với việc người đó sẽ đi gặp “Thần Chết”. Bởi khi đó, một lượng máu vô cùng lớn để nuôi dưỡng cơ thể mất đi. Máu chảy với tốc độ chóng mặt làm cho huyết áp tụt dốc; Oxy không được vận chuyển để nuôi cơ thể. Bộ não lúc này rơi vào tình trạng “bất lực”, không còn là cơ quan duy trì mọi hoạt động của cơ thể, dẫn đến trạng thái tử vong.
Nhưng với gián thì khác… Mấu chốt của vấn đề nằm ở sự khác nhau giữa hệ tuần hoàn của người và gián. Đối lập với một hệ tuần hoàn máu vô cùng phức tạp và “hại não” ở người, hệ tuần hoàn của gián là một hệ mở với số lượng bộ phận cấu thành “nghèo nàn”.
Đó chính là lý do giúp ngăn ngừa sự mất máu nhanh chóng, làm máu nhanh đông và bịt kín phần đầu của chúng. Hơn nữa, gián “hít vào và thở ra” qua nhiều ống nối với các lỗ (gọi là spiracles )trải dài theo chiều dài của cơ thể. Khi không còn đầu, gián sẽ không cần vận động nhiều nên năng lượng sẽ được bảo tồn, giúp chúng kéo dài sự sống hàng tuần mà không ăn.