10.000 người vướng đường dây cho vay nặng lãi

Thiện Thành |

Rạng sáng 15-12-2021, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ trì, phối hợp công an các tỉnh, thành triệt xóa đường dây cho vay lãi nặng liên tỉnh do Nguyễn sỹ Dũng, 39 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt cầm đầu.

Bước đầu, xác định số tiền giao dịch qua đường dây này là hơn 1.000 tỉ đồng, với hơn 10.000 bị hại ở 28 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mức lãi suất cao nhất của đường dây này là 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương gần 200%/năm.

Hiện, cơ quan công an đang tạm giữ hình sự Nguyễn Sỹ Dũng để điều tra hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trả lãi môi giới cao để "bẫy mồi"

Tháng 10-2021, do cần tiền, trong khi không thể tiếp cận được ngân hàng vì bản thân đang dính vào nợ xấu, anh Nguyễn V.N, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã tìm đến chi nhánh của Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt tại khối 6, thị trấn Tân Kỳ để liên hệ vay tiền.

Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của nhân viên tư vấn, sau 30 phút, anh V.N để lại căn cước công dân và giấy đăng ký chiếc xe ô tô hiệu Toyota Vios BKS 37A-591.XX mà mình đang sử dụng để nhận về số tiền 200 triệu đồng, với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày.

Tuy nhiên, số tiền thực nhận mà anh N. mang về chỉ còn là 282 triệu đồng, vì phía Tân Tín Đạt thực hiện việc "cắt phế", trả lãi trước khi cho vay.

Tương tự, chị Hoàng Thị T.A trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đang làm việc tại TP. Vinh, do có nhu cầu vay tiền nhanh nên đã lên mạng tìm hiểu.

Sau khi vào fanpage "Tân Tín Đạt - tư vấn tài chính cá nhân", thấy các dòng quảng cáo, giới thiệu rất hấp dẫn như:

"Công ty Tân Tín Đạt là công ty tài chính hoạt động cấp vốn bằng cavet (đăng ký) ô tô, xe máy, khách hàng có tiền ngay mà vẫn có xe sử dụng", "chấm dứt nỗi lo tài chính chỉ trong 10 phút", "Hoa hồng lên tới 15%"... chị T.A quyết định đăng ký vay online tại website của công ty ở địa chỉ "tantindat.com".

Làm theo hướng dẫn, chị T.A được yêu cầu bắt buộc phải có người giới thiệu mới vay được tiền. Sau một vài thao tác đơn giản, "người giới thiệu" chính là những người có quen biết với chị này, trước đó đã từng hoặc đang vay tiền tại hệ thống, mục đích là để làm tin, chị T.A cũng được phê duyệt hồ sơ cho vay với căn cước công dân và đăng ký xe máy mang tên mình, với số tiền 10 triệu đồng.

Tất nhiên, cũng như bao nạn nhân khác, số tiền thực nhận của chị này chỉ là hơn 9 triệu đồng vì phải trả lãi trước.

Được biết, Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt được thành lập vào tháng 8-2016, có trụ sở chính tại số 22, đường Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An). Công ty này do đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng làm giám đốc.

Ngành nghề ban đầu của công ty này là buôn bán ô tô và xe có động cơ khác. Sau đó, công ty này chuyển hướng sang "dịch vụ tư vấn tài chính" song đó chỉ là vỏ bọc, thực chất là cho vay lãi nặng với 51 văn phòng, đại lý được mở ở 28 tỉnh, thành trên cả nước và hơn 100 nhân viên.

10.000 người vướng đường dây cho vay nặng lãi - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng khám xét tài liệu, tang vật liên quan đến vụ án.

Với chiêu trò quảng bá mạnh mẽ trên nền tảng công nghệ số, đánh vào tâm lý của người dân cần tiền nhưng không thế chấp, hệ thống của đường dây này chủ yếu cho vay bằng cách giữ lại giấy tờ tùy thân và đăng ký xe máy, xe ô tô mà không cần phải chứng minh thu nhập như vay ở các ngân hàng, thủ tục nhanh gọn, thông tin khách hàng được bảo mật...

Đặc biệt, với chiêu thức trả hoa hồng lên đến 15% cho người giới thiệu vay, Tân Tín Đạt đã nhanh chóng biến những nạn nhân của mình trở thành người môi giới, giới thiệu bạn bè, người thân tìm đến đường dây này để vay tiền.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người vay tìm đến hệ thống này rất lớn, lên đến hơn 10.000 người chỉ trong một thời gian ngắn.

Đánh sập đường dây cho vay nặng lãi nghìn tỷ

Để qua mặt cơ quan chức năng, đường dây này đã sử dụng phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi như điều hành quản lý chung bằng phần mềm thuế qua đơn vị thứ 3 và giao dịch qua các ứng dụng, sử dụng các phương tiện quảng cáo online trên mạng xã hội để thu hút "con mồi"; thực hiện giao dịch không dùng một hợp đồng mà đã có sự biến tướng về phương thức cho vay bằng việc sử dụng nhiều hợp đồng cụ thể để che giấu hành vi cho vay lãi nặng.

10.000 người vướng đường dây cho vay nặng lãi - Ảnh 3.

Một đại lý của Tân Tín Đạt tại TP Phan Thiết (Bình Thuận).

Theo đó, khi người vay có nhu cầu mang phương tiện (xe máy, ô tô) đến để vay tiền, nhân viên sẽ định giá tài sản rồi thỏa thuận mức tiền cho vay và lãi suất phải trả theo định kỳ.

Sau khi thống nhất về tài sản thế chấp, lãi suất và thời hạn thanh toán, người vay được hướng dẫn ký vào hợp đồng bán tài sản, cho thuê tài sản, trong đó số tiền cho vay tương ứng với số tiền bán tài sản và số tiền lãi tương ứng với số tiền thuê tài sản, với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày.

Thực hiện xong các thủ tục và để lại căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân cùng giấy tờ xe (chính chủ), người vay có thể nhận tiền và tiếp tục mang phương tiện về để sử dụng.

Từ nhiều tháng trước, đã có một số nạn nhân của Tân Tín Đạt do chịu không nổi số tiền lãi suất hằng tháng, bị nhân viên của đường dây này liên tục thúc ép, đòi nợ gây áp lực đến bản thân và người thân trong gia đình, Công an TP Vinh đã vào cuộc và phát hiện bản chất thật của cái gọi là "hệ thống mua bán, cho thuê xe toàn quốc" của Tân Tín Đạt. Thực chất, các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, với quy mô lớn không chỉ trên địa bàn Nghệ An mà còn vươn vòi bạch tuộc đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

10.000 người vướng đường dây cho vay nặng lãi - Ảnh 4.

Nguyễn Sỹ Dũng, đối tượng cầm đầu đường dây.

10.000 người vướng đường dây cho vay nặng lãi - Ảnh 5.

Các đối tượng bị bắt giữ trong đường dây của Tân Tín Đạt.

Theo một lãnh đạo trong ban chuyên án, quá trình điều tra, khám phá chuyên án này gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng hoạt động kín kẽ, tinh vi với nhiều chiêu thức để lách luật, đối phó. Các cơ sở kinh doanh được sắp xếp, bố trí kín kẽ cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, có trình độ cao.

Đường dây này lợi dụng quan hệ xã hội xin giấy phép đăng ký kinh doanh để lập công ty tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau đó, xây dựng mô hình kinh doanh cho từng địa điểm, mục đích là để che mắt cơ quan chức năng khi thực hiện thanh, kiểm tra.

Tuy nhiên, thực hiện mệnh lệnh ra quân tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Công an TP Vinh đã quyết tâm dốc toàn bộ quân số, lực lượng để đấu tranh, triệt xóa.

Sau một thời gian tập trung đấu tranh, mất rất nhiều thời gian, công sức và phải sử dụng công nghệ cao để truy vết vì các đối tượng chủ yếu thực hiện giao dịch qua phần mềm và điện thoại, khi thời cơ đã chín muồi, ban chuyên án đã quyết định triệt phá.

Rạng sáng 15-12-2021, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ tiến hành bắt, khám xét đồng loạt tại 51 địa điểm là văn phòng đại diện Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Lực lượng Công an đã bắt giữ 52 đối tượng, bước đầu làm rõ số tiền sử dụng để cho vay là hơn 1.000 tỷ đồng, với hơn 10.000 bị hại. Ban chuyên án đã phong tỏa 56 tài khoản liên quan để phục vụ điều tra. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng mở rộng điều tra chuyên án.

Với chiêu trò quảng cáo vay nhanh không thế chấp, chỉ cần giấy tờ tùy thân kèm theo giấy tờ xe, khách hàng có thể vay số tiền từ 1 triệu đến 500 triệu đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, 51 đại lý cho vay của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước đã khiến cho hơn 10.000 nạn nhân vướng vào, với số tiền cho vay lên đến 1.000 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại