100 triệu con cá mập bị giết hại mỗi năm, ném như khúc gỗ xuống biển sau khi cắt vây nấu súp, loài người đang làm gì với "sát thủ đại dương"?

Phạm Trang |

Diego Cardeñosa - một nhà sinh vật biển đang cố gắng cứu lấy những loài cá mập đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

1/3 loài cá mập đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Là người yêu cá mập từ khi còn nhỏ, Diego Cardeñosa (Colombia) không bao giờ sợ hãi khi nhìn thấy chúng trên bãi biển yêu thích của mình. Anh bị mê hoặc bởi cách những con cá mập di chuyển trong làn nước và những chiếc vây đặc biệt của chúng. Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc anh đã trở thành một nhà sinh vật biển.

“Khi nhận ra rằng chúng đang trải qua nguy cơ suy giảm số lượng, tôi đã muốn giúp đỡ những gì mình yêu thích nhất” Cardeñosa nói.

Liên minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế báo cáo rằng 35% tất cả các loài cá mập đang bị đe dọa tuyệt chủng. Con số này đã tăng gần 50% trong vòng một thập kỷ. Nguyên nhân chính là đánh bắt quá mức; thịt và vây cá mập đang được săn lùng rất nhiều.

“Với mức độ giết hại này, cá mập sẽ không thể duy trì số lượng loài trong tương lai” Cardeñosa nói. Các nhà khoa học lo ngại rằng, việc số lượng loài giảm sút có thể dẫn đến sụp đổ sinh thái vì chúng đóng vai trò quan trọng trong đại dương.

Khác với nhiều loài cá, cá mập mất nhiều thời gian để sinh sản. Theo thông tin từ tổ chức phi lợi nhuận Save Our Seas, các ngư trường đã giết khoảng 100 triệu con cá mập mỗi năm. Phần nhiều trong số chúng bị bắt khi mắc phải các loại dây câu dài và lưới đánh cá.

Và súp vây cá mập là nguyên nhân lớn nhất khiến loài này bị đánh bắt một cách quá mức.

100 triệu con cá mập bị giết hại mỗi năm, ném như khúc gỗ xuống biển sau khi cắt vây nấu súp, loài người đang làm gì với "sát thủ đại dương"? - Ảnh 1.

“Việc cắt vây cá mập là vấn đề nghiêm trọng. Bởi nếu cắt bỏ vây và thả trở về biển, chúng sẽ giống như một viên đá hoặc khúc gỗ rơi xuống đáy đại dương,” Cardeñosa nói “Nếu không thể bơi, chúng sẽ chết do ngạt thở.”

Cá mập đầu búa là một trong những loài cá mập bị đe dọa nghiêm trọng nhất và đã suy giảm đến 80% quần thể chỉ trong ba thập kỷ qua.

“Vây của chúng lớn và có chất lượng rất tốt” nhà khoa học cho biết “Đồng nghĩa với việc vây của chúng rất dày và thích hợp trong chế biến súp vây cá mập.”

Trong những năm gần đây, nhu cầu về thịt cá mập cũng ngày càng tăng. Chúng giống như một loại protein giá rẻ được tiêu thụ trên khắp châu Âu và Nam Mỹ.

Công cụ giám định DNA nhỏ, tạo ra sự khác biệt lớn

Hiện nay, Cardeñosa đang chiến đấu chống lại quá trình buôn bán trái phép các loài cá mập với tư cách nghiên cứu sinh sau là tiến sĩ danh dự tại Đại học Quốc tế Florida ở Miami (Mỹ). Nhà sinh vật học biển đang sử dụng các công cụ phân tử và pháp y để chống lại nạn buôn lậu kéo dài từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến Mỹ Latinh.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các cơ quan hành pháp tại những cảng trên toàn thế giới là việc xác định xem những lô hàng vây, thịt cá mập có vi phạm CITES - Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp hay không.

“Rất nhiều loại vây trông khá giống nhau” Cardeñosa giải thích “Chính vì vậy, bạn rất khó để phân biệt vây cá đó là hợp pháp hay không, đúng hay không đúng quy định.”

Cardeñosa, cùng với giáo sư phụ tá Demian Chapman của FIU, đã phát triển một bộ công cụ giám định DNA di động với hình dáng giống như một khối lập phương đỏ nhỏ. Bộ công cụ này giúp xác định loài, quốc gia xuất xứ của vây và thịt cá mập nhập vào các cảng.

100 triệu con cá mập bị giết hại mỗi năm, ném như khúc gỗ xuống biển sau khi cắt vây nấu súp, loài người đang làm gì với "sát thủ đại dương"? - Ảnh 2.

Công cụ giám định DNA

“Chúng tôi lấy một mẫu nhỏ từ vây và chạy qua máy trong hai giờ. Từ đó chúng tôi có thể xác định loài của nó mà không cần phải giải trình tự DNA, với chi phí thấp và nhanh hơn rất nhiều” - nhà khoa học cho biết.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng tại cảng đã buộc phải gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm để kiểm tra. Quá trình này thường mất đến vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần. Điều này khiến việc kiểm tra hàng hóa thông quan bị chậm trễ.

Hiện, công nghệ của Cardeñosa và cộng sự đang được thực hiện tại những cảng bận rộn nhất trong ngành thương mại cá mập, gồm: Hồng Kông, Sri Lanka, Tây Ban Nha, Belize, Panama, Colombia, Ecuador, Peru và Brazil.

Cardeñosa cho biết, công nghệ này đã giúp các cơ quan chức năng Hồng Kông tăng lượng vây cá mập bị thu giữ. Nếu trước năm 2018, lượng vây cá mập bị thu giữ trung bình năm chỉ là 5 tấn thì đến thời điểm hiện tại, con số này đã lên tới 100 tấn nhờ việc sử dụng công cụ.

Bộ công cụ DNA của anh cũng đã giúp ngăn chặn các lô hàng cá chình Châu Âu và rùa matamata ở Nam Mỹ trái phép, giúp nhà khoa học biển nhận được huy chương của Cục Điều tra Tội phạm Interpol.

Một thập kỷ miệt mài bảo vệ cá mập trên toàn thế giới

Cardeñosa và một nhóm các nhà khoa học ở Hồng Kông đã khảo sát các chợ cá suốt một thập kỷ để xác định nguồn gốc của thịt và vây cá mập. Nhờ việc sử dụng bộ công cụ giám định DNA, họ đã kiểm tra hơn 15.000 mẫu ở Trung Quốc và phát hiện khoảng 2/3 số vây cá mập đang được bán trên các thị trường là từ các loài cá mập bị đe dọa.

“Chúng tôi cố gắng ngăn cản việc giao dịch một số loài cá mập bị đe dọa nghiêm trọng nhất” Cardeñosa nói.

Nghiên cứu này đã giúp mở rộng số lượng loài cá mập bị cấm săn bắt đang được quy định bởi CITES. Các chính phủ cũng đã ký kết thỏa thuận, buộc xuất trình giấy phép cho mỗi lô hàng sản phẩm cá mập đi qua cảng của họ, đảm bảo thương mại là hợp pháp, có thể theo dõi và phát triển bền vững.

Cardeñosa cho biết, khi anh bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này, chỉ có năm hoặc sáu loài cá mập được bảo vệ bởi thỏa thuận CITES. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, con số này đã lên tới hơn 150 loài cá mập và cá đuối.

100 triệu con cá mập bị giết hại mỗi năm, ném như khúc gỗ xuống biển sau khi cắt vây nấu súp, loài người đang làm gì với "sát thủ đại dương"? - Ảnh 3.

Thông qua phân tích di truyền, nhà khoa học cũng phát hiện, 85% số vây tại các chợ thuộc về các loài bị đánh bắt ở vùng Đông Thái Bình Dương, trải dài từ Baja, California, phía nam qua Trung và Nam Mỹ đến Peru và Colombia.

“Phần lớn các chợ và ngư trường cá mập trên toàn thế giới đều không bền vững, không được quản lý, quy định và đôi khi là trái phép” Cardeñosa nói.

Nhà khoa học đang dạy một số ngư dân ở Nam Mỹ - những người phụ thuộc vào việc đánh bắt các loài sinh vật biển để kiếm sống - cách đánh bắt bền vững như không sử dụng dây câu dài nguy hiểm, lưới đánh cá để bảo vệ các quần thể cá mập đang bị đe dọa.

“Chúng tôi đang cố gắng xác định các khu vực cá mập búa chủ yếu tập trung và thỏa thuận với ngư dân để họ có thể hạn chế đánh bắt ở đó.” Cardeñosa cho biết việc quản lý tốt các ngư trường cá mập “là một nhiệm vụ rất khó khăn và mọi người đều đang cố gắng tìm cách thực hiện.”

Anh cũng kêu gọi các ngư dân địa phương tham gia vào các dự án của mình. “Chúng tôi dạy họ cách thu thập dữ liệu cũng như đưa họ vào các dự án mình để hỗ trợ.” Nhà khoa học cá mập cũng đang cố gắng thuyết phục thêm nhiều quốc gia ký kết Công ước CITES về cá mập.

Đồng thời, nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, chỉ có 4% tổng số cá mập đánh bắt trên toàn cầu là bền vững. Thêm vào đó, thịt của chúng cũng thường chứa nhiều thủy ngân. Chính vì vậy, việc tiêu thụ thịt cá mập là điều hoàn toàn không nên, đối với cả loài cá này và con người.

Nguồn: CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại