Việc nới lỏng giãn cách xã hội còn phụ thuộc nhiều yếu tố
Sáng 12/9, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, vài ngày qua "Hà Nội đang làm rất tốt trong đẩy mạnh thần tốc tiêm vaccine cho người dân".
Tại địa điểm tiêm ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, rất đông người dân đã tập trung ngoài sân lớn xếp hàng chờ tiêm vaccine tối ngày 10/9. Ảnh: Ngọc Hải
"Việc người dân trên 18 tuổi hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9, Hà Nội sẽ làm được. Ngoài hệ thống y tế của Hà Nội còn có sự hỗ trợ nhân viên y tế của nhiều tỉnh thành. Hà Nội làm cơ bản tốt việc vận động và tổ chức tiêm chủng", ông Phu cho hay.
Bên cạnh đó, ông Phu cho rằng, thành phố cần "rút kinh nghiệm" một vài vấn đề như tránh hiện tượng tập trung đông người vì hiện vẫn còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.
"Hà Nội vẫn lưu ý vận động tiêm hết các đối tượng sinh sống trên địa bàn chứ không phải chỉ là đối tượng có hộ khẩu vì có rất nhiều người nhập cư, nếu không tiêm vaccine sẽ rất nguy hiểm. Dựa vào hệ thống y tế cộng đồng, cán bộ tổ dân phố… vận động người dân tiêm vaccine đầy đủ.
Cùng với đó nên áp dụng công nghệ thông tin để quản lý việc tiêm chủng, nhắn tin đi tiêm, tiêm thật nhanh cho nhân dân. Đặc biệt, sau tiêm đưa danh sách người đã tiêm lên hệ thống. Khi Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới sẽ thuận lợi cho người có giấy chứng nhận hai mũi tiêm", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. Ảnh: Bộ Y tế
Việc người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 100% mũi 1, Hà Nội có nên tính đến phương án nới lỏng giãn cách mở lại một số hoạt động? Ông Phu cho rằng "còn phụ thuộc nhiều yếu tố".
"Việc nới lỏng giãn cách xã hội hay không còn nhiều yếu tố khác, không chỉ yếu tố tiêm chủng mà còn yếu tố kiểm soát dịch. Tôi tin Hà Nội đang kiểm soát tốt trong tình hình dịch như hiện nay. Tuy nhiên, việc tiêm 100% mũi 1 chưa đủ miễn dịch cộng đồng. Người được tiêm đủ 2 mũi phải đạt trên 70% dân số mới có có thể đạt miễn dịch cộng đồng và sau tiêm một thời gian người dân mới có miễn dịch chứ không phải có ngay sau khi tiêm.
Hiện tại, Hà Nội vẫn đang trong đợt giãn cách xã hội nên phải tận dụng hết khả năng trong đợt này. Việc nới lỏng các hoạt động hay không tới đây, thành phố sẽ tính toán cụ thể. Thủ đô vẫn có thể xuất hiện ca nhiễm cộng đồng khi người dân ra đường vẫn đông. Đặc biệt, lượng người đi lại trong đợt tiêm chủng, xét nghiệm này. Chính vì thế phải tận dụng triệt để việc giãn cách thì mới có cơ hội nới lỏng các hoạt động trong thời gian tới", ông Phu nói.
"Đang nỗ lực hoàn thành tiêm mũi 1 đến ngày 15/9"
Trao đổi riêng với PV Dân Việt, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị đang nỗ lực cùng sự hỗ trợ nguồn lực y tế từ 12 tỉnh, thành phố thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine, cố gắng đến ngày 15/9 sẽ hoàn thành.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội trưa ngày 10/9. Ảnh: Gia Khiêm
"Chúng tôi đang nỗ lực làm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố, cố gắng trước ngày 15/9 tiêm phủ mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trừ người không thể tiêm chủng được như: người chống chỉ định không thể tiêm được.
Nguồn lực tham gia hỗ trợ tiêm vaccine, xét nghiệm được đảm bảo với 12 tỉnh, thành phố đang hỗ trợ Hà Nội cộng với nguồn nội lực sẵn có của Hà Nội, hiện có hơn 7.000 người đang hỗ trợ công việc này", bà Hà nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, nếu đạt 100% người trên 18 tuổi trở lên ở thủ đô được tiêm phủ mũi 1 cần khoảng gần 7.000.000 liều vaccine.
"Việc tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội phân công cụ thể. Chính quyền các địa phương làm khoa học, vào việc nhịp nhàng phối hợp để mỗi người một việc. Cùng với đó có sự nỗ lực hỗ trợ từ lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, tổ dân phố… Hiện Bộ Y tế phân bổ bao nhiêu liều vaccine thành phố tiêm bấy nhiêu. Quan điểm của thành phố có vaccine sớm nhất thì tiêm sớm nhất, vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất", bà Hà thông tin.
Một bé trai được lấy mẫu xét nghiệm phố Đội Cấn, quận Ba Đình ngày 10/9. Ảnh: Gia Khiêm
Trước đó, chiều 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành kế hoạch với trọng tâm tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9. Cùng thời hạn đó, lực lượng y tế hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố.
Trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 10/9 đến 18h ngày 11/9), Hà Nội đã triển khai tiêm 411.452 mũi vaccine phòng Covid-19. Đây là ngày có số lượng mũi tiêm cao nhất kể từ khi thành phố tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Trước đó một ngày, số lượng người được tiêm vaccine ghi nhận hơn 360.000 mũi.
Như vậy, tổng số mũi tiêm thực hiện trên địa bàn thành phố qua các đợt tiêm chủng là 3.906.597 mũi, sử dụng 3.538.826 liều vaccine trên tổng số 4.591.476 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 77,1%.
Việc lấy mẫu xét nghiệm toàn dân dự kiến khoảng 8 triệu mẫu. Tính đến 20h ngày 11/9, toàn thành phố đã lấy được 1.286.990 mẫu (trong 3 ngày 9,10,11/9), trong đó có 936.112 mẫu xét nghiệm PCR gộp, 323.878 mẫu test nhanh kháng nguyên dương tính.
Trong số 936.112 mẫu xét nghiệm PCR gộp có 138.289 mẫu có kết quả âm tính và 2 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Trong số 323.878 mẫu test nhanh kháng nguyên có 323.862 mẫu âm tính và 16 mẫu dương tính.
Theo kế hoạch tới ngày 15/9, lực lượng y tế Hà Nội sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2 - 3 ngày/lần) tại khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.
Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, việc lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân diễn ra ít nhất 1 lần (5 - 7 ngày/lần) cùng với xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
TP Hà Nội cũng xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Thành phố hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.