img

Tháng 4/1901, Đại uý Debay của quân đội viễn chinh Pháp nhận lệnh từ Paul Doumer - quan toàn quyền Đông Dương, đi tìm kiếm một nơi điều dưỡng cho quân đội và người Pháp ở Trung kỳ. Núi Chúa Bà Nà được người Pháp phát hiện ra, gọi đây là "Đà Lạt thứ 2" của Việt Nam.

Hơn 120 năm sau, vào tháng 6/2018, tạp chí TIME vinh danh cây Cầu Vàng ẩn hiện trong mây trên đỉnh Bà Nà là 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới. Trang The Guardian cũng công nhận đây là "Cây cầu đi bộ ấn tượng nhất thế giới". Năm 2021, cầu Vàng Đà Nẵng vượt qua 11 đề cử khác để đạt giải "Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới 2021" lần thứ 2 liên tiếp tại giải thưởng danh giá của ngành du lịch - World Travel Awards.

Được tìm ra hơn 120 năm, nhưng chỉ 15 năm trở lại đây, tức là từ 2009, Bà Nà mới hoàn toàn lột xác, để trở thành điểm đến trong mơ của du khách.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 1.

Chiếc cabin của tuyến cáp treo Debay – Morin rời nhà ga dưới chân núi, vượt ra khoảng không gian mênh mông trên cánh rừng núi Chúa (xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng). Lê Việt Hưng, hướng dẫn viên phụ trách đoàn khách 15 người của gia đình cụ Lê Thị Ngà (74 tuổi, trú xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) bắt đầu thuyết minh về khu du lịch Sun World Ba Na Hills.

Bà Nà Hills nằm ở độ cao 1.487m so với mực nước biển, được mệnh danh là "chốn bồng lai tiên cảnh". Trên đỉnh núi sở hữu khí hậu tuyệt vời với trải nghiệm thời tiết 4 mùa trong một ngày. Cảnh quan thiên nhiên trên núi vô cùng kỳ thú kết hợp với những công trình đẳng cấp do tập đoàn Sun Group xây dựng giúp nơi đây trở thành điểm đến hàng đầu Việt Nam.

"Đến nay Sun Group đã xây dựng được 6 tuyến cáp treo, giúp du khách dễ dàng di chuyển từ chân núi lên đỉnh Bà Nà. Tuyến cáp chúng ta đang sử dụng có tên Debay – Morin, trong đó Debay là tên người lính đã tìm ra Bà Nà", hướng dẫn viên Lê Việt Hưng chia sẻ.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 2.

Có kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề, Hưng tự hào đã đi khắp các điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam, từ Sa Pa, vịnh Hạ Long, Đà Lạt, Phú Quốc… Tuy vậy, với Hưng, Đà Nẵng là số 1 và "chưa tới Bà Nà chưa biết Đà Nẵng".

"Tất cả đoàn khách em dẫn tour ở Đà Nẵng đều dành ít nhất 1 ngày để trải nghiệm Sun World Ba Na Hills. Trước khi đến, mọi người đều rất háo hức khám phá và khi từ cáp treo về lại trung tâm Đà Nẵng, ai cũng chắc nịch sẽ quay trở lại Bà Nà Hills. Rất nhiều người, nhiều đoàn đã trở lại Đà Nẵng, quay lại Bà Nà lần 2, lần 3", Hưng kể.

Hưng nhớ như in "sự cố" mới nhất xảy đến với bản thân khi bị các du khách "mắng vốn" ngay dịp Tết nguyên đán 2022. Nhiều đoàn khách đặt tour đến Đà Nẵng từ các công ty du lịch. Trong tour, các công ty vẫn đưa Sun World Ba Na Hills là một trong những điểm đến dù thời gian đó khu du lịch này vẫn chưa mở cửa trở lại do ảnh hưởng của Covid-19.

"Mình bị mắng vốn nhưng biết sai nên phải xin lỗi. Khách nói thẳng nếu không có Bà Nà Hills thì sẽ không chọn Đà Nẵng cho kỳ nghỉ Tết. Mình lúc đó mới thật sự thấy được Bà Nà quan trọng như thế nào với du lịch Đà Nẵng.

Chỉ trong 15 năm, Tập đoàn Sun Group đã biến câu đồng dao của người Đà Nẵng và du khách thành câu khẳng định chắc nịch "Chưa đến Bà Nà chưa biết Đà Nẵng".

Ông Lưu Biển, Giám đốc một công ty du lịch tại Đà Nẵng, nhận định Đà Nẵng là điểm đến du lịch rất tiềm năng, có một trong những bờ biển đẹp nhất thế giới, có rừng với bán đảo Sơn Trà hùng vĩ, có ngọn Ngũ Hành Sơn kỳ bí nhưng nếu không có Sun World Ba Na Hills, vị thế Đà Nẵng chưa chắc được du khách trong nước, quốc tế biết đến nhiều như hiện nay.

"Công ty chúng tôi ngay khi ra đời đã khai thác thị trường Đà Nẵng. 100% đoàn khách đến Đà Nẵng đều chọn Bà Nà Hills là điểm tham quan chính cho hành trình", ông Biển chia sẻ.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 3.
100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 4.

Người Pháp sau khi tìm ra Bà Nà đã từng bước xây dựng nơi đây thành khu du lịch, an dưỡng cho quan chức, sĩ quan. Năm 1919, họ hoàn thành con đường bộ từ chân núi lên đỉnh Bà Nà. Những công trình phục vụ dân sinh, du khách như điện, nước, khu vệ sinh công cộng, chợ búa, sân vận động, các nơi du ngoạn… lần lượt mọc lên. Năm 1937, Bà Nà đón hơn 1.000 người đến nghỉ dưỡng, phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ xâm lược, Bà Nà rơi vào quên lãng.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, người dân địa phương ở xã Hoà Ninh men theo đường mòn lên núi tìm kiếm những gì còn sót lại để mang về sử dụng cá nhân. Bà Nà, nơi đã từng là miền đất hứa của du lịch bắt đầu chìm vào giấc ngủ, bị lãng quên giữa sương mù.

Năm 1997, UBND TP Đà Nẵng bắt đầu khởi động lại các dự án để đánh thức Bà Nà - ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân Đà Nẵng, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng kể lại về chuyến khảo sát đánh giá Bà Nà năm xưa. Nhiệm vụ của đoàn là phải khôi phục bằng được tuyến đường ô tô từ quốc lộ 1A lên đỉnh núi Bà Nà.

"Con đường sau nửa thế kỷ không sử dụng cây cối đã mọc dày trên mặt đường. Chỉ dấu để tìm đường là 2 bên cây rậm rạp, giữa đường là rừng non. Đường từ Quốc lộ 1A đến chân núi thì sình lầy, ổ voi, ổ khủng long. Muốn lên xuống núi không thể thực hiện trong 1 ngày nên anh em chúng tôi chỉ có cách phải thuê nhà dân ở lại trên núi. Sau hơn 1 năm thì tuyến đường dẫn lên núi được khôi phục thành công, Bà Nà bắt đầu đón khách trở lại", ông Cường nhớ lại.

Năm 1998, UBND Đà Nẵng ra tiếp quyết định xây dựng lại Khu nghỉ mát Bà Nà và giao cho một đơn vị nhà nước quản lý, khai thác. Điện, hệ thống thông tin điện thoại vô tuyến và hữu tuyến, hệ thống cấp thoát nước, nhà cửa… được xây dựng để đón du khách. Tiếp đó, hệ thống cáp treo dài 800m với 16 cabin từ đồi Vọng Nguyệt lên khu trung tâm Bà Nà được xây dựng. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà sàn mọc lên với khoảng 200 phòng nghỉ bình dân.

Tuy vậy, số lượng du khách đến với Bà Nà vẫn rất hạn chế do những công trình dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp. Con đường lên xuống núi với độ cao 1.500 mét ngoài một số ít xe du lịch thì chủ yếu du khách phải đi xe máy rất nguy hiểm.

"Nhiều đoàn khách thời điểm đó khi xe leo đường bộ lên lưng chừng núi thì nhất định đòi dừng xe đòi quay lại. Người thì sợ vì đường quanh co, khúc khuỷu vô cùng nguy hiểm, người thì say xe nôn ói. Rất nhiều đoàn khách như vậy.

Những người dũng cảm lên đến đỉnh được tận hưởng không khí mát, trong lành ở đỉnh Bà Nà. Dịch vụ ăn uống thì chỉ có trà đá, bắp luộc, nướng. Họ đi dạo thăm quan rồi quay về vì hầu như không có gì vui chơi", lái xe Trần Văn Dũng, nhân viên đơn vị khai thác du lịch Bà Nà vào thời điểm đó kể.

Đến năm 2007, Bà Nà chỉ đón khoảng gần 20.000 lượt khách tham quan mỗi năm, chủ yếu vào mùa nắng.

"Lãnh đạo TP Đà Nẵng thời điểm đó nhìn nhận ra được điều này, quyết định đi tìm nhà đầu tư chiến lược để đưa Bà Nà trở lại thời hoàng kim", ông Cường nhớ lại.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 5.
100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 6.

"Lãnh đạo thành phố thời điểm đó tiến hành nhiều cuộc xúc tiến, tìm kiếm nhà đầu tư, kể cả các đơn vị nước ngoài để đánh thức Bà Nà. Nhưng hầu như họ đều từ chối vì địa hình phức tạp của Bà Nà cho đến khi Sun Group xuất hiện", ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group vùng miền Trung bồi hồi nhớ lại: "Năm 2007, Lãnh đạo Đà Nẵng đích thân đưa các đại diện Sun Group đi khảo sát Bà Nà, với mong muốn tập đoàn chung tay đánh thức "nàng công chúa út" của thành phố. Với tầm nhìn chiến lược của mình, Sun Group đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng một Sun World Ba Na Hills như hiện nay. Nói thì ngắn nhưng làm mới biết khó, biết gian nan dường nào", ông Bình cho biết.

Vẫn nhớ như in những ngày đầu chinh phục Bà Nà heo hút, sương mù giăng kín lối đi, thường xuyên ở trong rừng, không có điện, không có sóng di động, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, kỹ sư Trịnh Văn Hà, một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng tuyến cáp treo số 1 Suối Mơ – Bà Nà, bồi hồi kể lại: "Ngày đó tôi không hiểu cáp treo là gì, làm như thế nào? Dường như nó là một định nghĩa quá xa lạ và huyền bí, tôi chỉ biết về nó qua những bản vẽ hay tự tìm hiểu trong những công việc hàng ngày mà thôi. Chúng tôi vừa làm vừa học hỏi. Những chi tiết nhỏ nhặt nhất như con bu lông, ốc vít đến những sợi cáp khổng lồ nhập khẩu từ châu Âu về đều được tính toán cẩn thận. Tất cả chung lưng đấu cật và rồi công trình cáp treo hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2019. Chúng tôi lúc đó vỡ òa, vì hạnh phúc, vì tự hào", anh Hà chia sẻ.

Ông Trần Chí Cường thời điểm 2009 đang là Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, là một trong những vị khách đầu tiên trải nghiệm tuyến cáp treo lên đỉnh Bà Nà do Sun Group xây dựng. Ông nói rằng đó là một trải nghiệm tuyệt vời và với người gắn với du lịch, ông biết rằng Đà Nẵng đã có một thỏi nam châm để hút khách, để cạnh tranh với những nơi khác.

"Cáp treo lên xuống núi Bà Nà ra đời như một sự khác biệt đủ sức cạnh tranh với những điểm du lịch khác", ông Cường nhắc lại.

Ông Trần Chí Cường nói rằng quay lại khoảng hơn 15 năm trước, ít ai dám nghĩ, dám tưởng tượng một Bà Nà điêu tàn, xuống cấp lại có ngày đón hàng chục nghìn lượt khách, mỗi năm hàng triệu du khách khắp mọi miền tổ quốc và khách quốc tế.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 7.
100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 8.
100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 9.

Từ tuyến cáp treo ban đầu, sau gần 15 năm, Sun Group đã có 6 tuyến cáp lên đỉnh Bà Nà. Từ khoảng 20.000 khách tham quan Bà Nà mỗi năm, Sun Group đã thu hút được 3,8 triệu lượt tham quan năm 2018. Sun World Ba Na Hills 4 lần liên tiếp được Tổng cục Du lịch Việt Nam vinh danh "Khu du lịch hàng đầu Việt Nam". World Travel Awards – Oscar của ngành du lịch thế giới cũng đã trao giải thưởng "Công viên chủ đề hàng đầu Việt Nam" và "Công viên chủ đề hàng đầu châu Á 2020" cho Sun World Ba Na Hills. Khu du lịch được coi là "át chủ bài", động lực quan trọng tạo nên những con số tăng trưởng ấn tượng của du lịch Đà Nẵng. Từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng 463%, du khách đến Bà Nà tăng hơn 160 lần.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 10.
100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 11.
100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 12.

Cabin tuyến cáp Debay – Morin dần dần đi vào ga đến trên đỉnh núi. Đoàn khách gia đình cụ Lê Thị Ngà liên tục ồ, oà lên thích thú.

"Cụ đi Bà Nà lần đầu à?", hướng dẫn viên Lê Việt Hưng hỏi. "Không, tôi đi lần thứ năm rồi. Mùa hè là con cháu rủ nhau đi Bà Nà chơi. Cả nhà cùng đi. Hai năm dịch Covid-19 không lên Bà Nà được, chừ mới lên lại. Lần nào lên cũng thích, mỗi lần mỗi cái mới", cụ Ngà trả lời, giọng vẫn không thôi hào hứng.

"Du lịch thế giới và trong nước đứng yên trong 2 năm đại dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn âm thầm đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để có những sản phẩm mới ở Bà Nà. Cổng Thời Gian, Lâu đài Mặt Trăng, Thác Thần Mặt trời, rạp phim airship, các show diễn quy mô... đều đã đưa vào phục vụ du khách mùa hè năm nay. Cuối năm 2022 và năm 2023, sẽ tiếp tục có thêm những công trình khác ra mắt du khách", ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group vùng miền Trung chia sẻ.

Với hàng loạt trải nghiệm mới lạ không thua kém các công viên giải trí nổi tiếng trên thế giới mới ra mắt, Sun World Ba Na Hills "phiên bản mới" thu hút đông đảo du khách. Chỉ tính riêng tháng 9, khu du lịch đón lượng khách trung bình ngày tăng gần 40% so với thời điểm mới mở cửa trở lại vào tháng 3/2022

Sau chặng đường dài đánh thức "nàng công chúa say ngủ", là nỗ lực nhằm đưa "át chủ bài" của Đà Nẵng trở thành "thế cạnh tranh đặc biệt" của thủ phủ du lịch miền Trung, trong cuộc đua trở lại ngôi vương, là điểm đến số 1 tại Việt Nam và khu vực. Với việc không ngừng kiến tạo nên những sản phẩm, dự án tầm cỡ, độc nhất vô nhị tại Sun World Ba Na Hills, Tập đoàn Sun Group mong muốn sẽ góp phần làm đẹp cho Đà Nẵng, đưa tinh hoa thế giới về với Việt Nam, và mang hình ảnh Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.

"Hè năm sau tôi lại lên chơi, năm nào cũng đi vì quá đẹp, không khí mát lạnh, trong lành giúp con người thư thái hơn", cụ Ngà mỉm cười, nói dứt khoát.

Chuyến thăm quan của đại gia đình cụ Ngà kết thúc khi trời về chiều. Trên cabin trở về chân núi, bọn trẻ con đã ỉ ôi năn nỉ được quay lại Bà Nà. Những người lớn khoe nhau những bức ảnh vừa kịp lưu lại trong 1 ngày tham quan, khám phá xứ sở thần thoại trên đỉnh núi Chúa.

Bà Nà sau hơn 100 năm đã vượt qua thiên chức ban đầu là một chốn nghỉ ngơi, thư giãn, để trở thành một biểu tượng của du lịch Đà Nẵng, một dấu son của du lịch Việt trên bản đồ thế giới.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 13.

100 năm Bà Nà và hành trình vươn lên từ vùng đất “ngủ quên” - Ảnh 15.

Bài: Đình Thức

Thiết kế: Nhật Tuệ