Cầu Hôn được GS. KTS Marco Casamonti lên ý tưởng từ 2018. Phải mất tới 2 năm, các KTS tài hoa của Marco Casamonti và tập đoàn Sun Group mới hoàn thiện được bản thiết kế. Công trình được Sun Group được khởi công xây dựng vào tháng 5/2021 và dự kiến hoàn thiện vào đầu năm 2023.

Cảm xúc của ông thế nào khi đặt chân tới Hà Nội?

GS. KTS Marco Casamonti: Tôi đã đến Hà Nội 3 - 4 lần, và thực hiện 2 buổi trò chuyện với sinh viên các trường đại học.

Lần này sau 3 năm, tôi mới quay trở lại thành phố đặc biệt này. Cảm nhận chung, Hà Nội vẫn là Hà Nội. Thành phố có những thay đổi nhưng vẫn giữ được trong mình một không khí rất Hà Nội. Đi trên đường có thể thấy nhiều khách sạn hiện đại mới mọc lên, nhưng khi tôi vào trong khu phố cổ thì vẫn thấy đâu đây cái không khí của Hà Nội vẫn còn đó nguyên vẹn.

Nhiều kiến trúc sư trên thế giới khi đến Hà Nội, họ nghĩ rằng bản sắc kiến trúc của mảnh đất này chính là sự hỗn loạn. Ông có đồng tình với quan điểm này hay không?

GS. KTS Marco Casamonti: (Cười) Tôi phải đồng ý với điều ấy. Không khí có chút hối hả, có chút nhộn nhịp, cũng có một chút bình lặng... thể hiện phần nào nhịp sống của Hà Nội.

Nhưng có một vài điểm tôi đặc biệt chú ý. Hà Nội có một nét đẹp rất đáng yêu, thành phố này kết hợp được một cách hài hòa giữa những công trình với phố xá và cây xanh. Tôi vô cùng ấn tượng với những hàng cây, không gian xanh tại Hà Nội. Ngay tại trung tâm, giữa những hối hả, tấp nập, nhộn nhịp của giao thông, tôi vẫn thấy nhiều cây xanh, nhiều bóng mát. Bên cạnh đó là sông Hồng, là Hồ Gươm thanh bình, yên ả với những hàng cây. Những hồ nước trong thành phố cùng cây xanh đã tạo nên một hệ sinh thái với khung cảnh lãng mạn.

Thành phố đã kết hợp được những "hỗn loạn" ấy để có một không gian cho tất cả mọi người.

Giả như Hà Nội không có cây xanh, không có hồ nước, chắc rằng mọi người sẽ chịu nhiều áp lực bởi tiếng còi xe. Nhưng trong không gian hiện hữu cây xanh này, tiếng xe cộ đôi lúc cho ta cảm giác như đi vào một khu rừng, nghe tiếng côn trùng và tiếng chim hót cũng giống như nghe tiếng xe cộ vậy, tràn đầy sức sống. Thêm một điều nữa, tôi sống ở trung tâm thành phố Florence (Ý), nằm dọc theo con sông Arno. Cho nên khi đến Hà Nội nhìn thấy sông Hồng và Hồ Gươm, tôi cảm thấy như được ở nhà. Và với tôi, sự hiền dịu của nước, đó là một điều rất quan trọng.

Tôi đã từng đi thăm thú nhiều thành phố đông đúc trên thế giới. Tất cả những thành phố đó tuy xe cộ cũng đông đúc như thế này, nhưng sự đông đúc của Hà Nội lại có một nét gì đó rất "nhân văn". Tiếng còi xe có thể inh ỏi nhưng mọi người vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh, chứ không nóng giận. Nếu như những thành phố khác chỉ có xe hơi, thì ở Hà Nội còn thấy rất nhiều xe gắn máy, kể cả xe đạp. Nét nhân văn nằm ở đấy, mảnh đất có nhiều người ở, nhiều tầng lớp cùng sinh sống.

Và điều thú vị, đôi khi trên chiếc xe máy chỉ có một người, nhưng có những chiếc có hai, thậm chí ba người, họ là cả một gia đình trên đấy.

Còn như giao thông ở thành phố khác, cũng giờ tan tầm nhưng rất chán. Giống như một dây chuyền công nghiệp, di chuyển tất tần tật, thiếu đi một sinh khí, một nét nhân văn trong đấy.

Giới kiến trúc Việt Nam thường xuyên tranh cãi thế nào là kiến trúc Việt Nam. Vì ở đất nước chúng tôi, ngoài kiến trúc thuộc địa của người Pháp, có rất nhiều phong cách kiến trúc khác. Theo ông, điều gì có thể đại diện cho kiến trúc của Việt Nam?

GS. KTS Marco Casamonti: Việt Nam là một đất nước rất tuyệt vời, một đất nước rất thân thiện và cởi mở, đón nhận tất cả các nền văn hóa. Đó là một trong những nguồn tài nguyên vô giá. Khi đến Việt Nam, tôi thấy mỗi công trình đều chịu ảnh hưởng từ rất nhiều trường phái kiến trúc từ thời kỳ Pháp thuộc. Và đôi lúc, sự đa dạng ấy lại làm nên diện mạo của kiến trúc Việt Nam, làm nên bản sắc riêng.

Nếu được nói về diện mạo của kiến trúc Việt Nam, tôi nghĩ cần phải nói xa hơn về nét đẹp của đất nước các bạn, nó được gom lại trong hai từ "hài hòa". Sự hài hòa giữa phương Đông và phương Tây, đón nhận những nền văn hóa khác bằng một tinh thần cởi mở, tôn trọng.

Với tôi, Việt Nam là một đất nước đương đại nhất trong những quốc gia tôi từng đến cho tới thời điểm hiện tại. Và thêm một điều nữa, không hẳn đến từ diện mạo của nền kiến trúc mà nét đẹp, nguồn năng lượng của đất nước này còn đến từ chính sự tử tế của con người nơi đây.

Tóm lại, nếu bạn hỏi tôi hình dung thế nào về diện mạo của kiến trúc Việt Nam. Đó là sự giàu có của thiên nhiên, sự đa dạng về văn hóa, và một sự "hỗn loạn" rất nhân văn. Sức sống tiềm tàng của thiên nhiên nơi đây rất mạnh mẽ, cũng giống như tính cách của người Việt Nam không bao giờ khuất phục trước gian khó.

Cầu Hôn (Kiss Bridge) tại Phú Quốc có phải là một biểu hiện của sự kết hợp đa văn hóa ấy không, thưa ông?

GS. KTS Marco Casamonti: Tôi xem Cầu Hôn là một thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới. Mọi cây cầu đều có công năng chung là kết nối. Cầu Hôn cũng có công năng đó, nhưng không kết nối một cách vật chất mà kết nối bằng tinh thần- một sự kết nối, một sự hòa nhập nhưng vẫn tôn trọng bản sắc.

Với triết lý đó, Cầu Hôn còn mang một thông điệp của tình hữu nghị, một thông điệp về tình yêu và thông điệp về hòa bình. Một nơi mọi người đến vẫn có thể đứng ở vị trí của mình, nhưng vẫn có thể cùng bắt tay nhau.

Bản sắc của Việt Nam được thể hiện trong thiết kế Cầu Hôn như thế nào, thưa ông?

GS. KTS Marco Casamonti: Bản sắc văn hóa Việt Nam truyền tải qua cây cầu này không đến từ những chi tiết, thiết kế mà ở thông điệp. Được xem như linh hồn và nguồn cảm hứng để tạo nên cây cầu, từ câu chuyện ông Ngâu – bà Ngâu. Không phải rõ ràng đây là ông Ngâu, bà Ngâu, mà thông điệp của cây cầu nói về những điều không thể thành có thể.

Tình yêu giữa một thần tiên và một người phàm, đó là câu chuyện không thể nhưng họ biến nó thành có thể. Giữa hai tầng lớp khác nhau vẫn có thể vượt qua rào cản giai cấp và yêu thương nhau. Đó là linh hồn, đó là bản sắc của Việt Nam.

Tôi nghĩ có những công trình khi nhìn vào đó, mọi người có thể thấy rõ ngay nét văn hóa, bản sắc được truyền tải qua những chi tiết thiết kế. Chẳng hạn khi nghĩ về nước Mỹ, tôi nghĩ đến các công trình tòa nhà trọc trời, Pháp nghĩ ngay đến tháp Eiffel, Ý nghĩ ngay đến Tòa thánh Vatican.

Và tôi mong có một ngày nghĩ về Việt Nam, hình ảnh hiện ra trong trí óc mọi người sẽ là cây Cầu Hôn. Họ nghĩ về Cầu Hôn giống như một biểu tượng của hữu nghị, tình yêu và hòa bình.

Cho nên, công trình này xin phép không gọi đơn giản là một cây cầu, mà giống như một tác phẩm nghệ thuật, qua đó truyền tải một thông điệp. Bởi vậy, nó vượt qua ngoài một công trình kiến trúc để trở thành một công trình nghệ thuật.

Tại sao ông và tập đoàn Sun Group lại quyết định xây một cây cầu trên một bãi biển hoang sơ?

GS. KTS Marco Casamonti: Cầu Hôn được xây dựng trên hai con đê. Hai con đê ngăn sóng ấy giúp bảo vệ bãi biển. Và công việc của tôi chỉ khiến hai con đê ấy trở nên thú vị hơn, đẹp hơn theo một ý nghĩa nào đấy.

Với lại một điều thú vị nữa, đúng là người ta có thể ngắm nhìn biển từ bãi biển nhưng vẫn có thể ngắm nhìn biển trên Cầu Hôn. Đứng ở trên đó ngắm nhìn biển còn tuyệt vời hơn, vì độ cao đó giúp tầm mắt của chúng ta rộng hơn.

Có khó khăn nào trong việc thiết kế cây cầu này không, thưa ông?

GS. KTS Marco Casamonti: Điều khó khăn nhất khi thiết kế và xây dựng Cầu Hôn đó là công nghệ. Vì điểm đặc biệt của cây cầu này, mọi đường nét cho cảm giác rất nhẹ, mỏng, giống như một sợi lông vũ. Nhưng đồng thời nó cũng đủ chắc chắn để chịu được tác động của sóng gió.

Với tôi, đây là một công trình mang tính thử thách.

Đài truyền hình Quốc Gia Ý đưa tin về cây Cầu Hôn, Phú Quốc

Văn phòng của ông đã thực hiện một dự án với công nghệ như thế ở đâu đó trên thế giới chưa?

GS. KTS Marco Casamonti: Thực ra những công trình gần giống như thế này, chúng tôi cũng đã thực hiện những công nghệ tương tự. Nhưng điều khiến cho Cầu Hôn đặc biệt đó là những dự án khác được làm trên đất liền, còn công trình này lại ở giữa biển khơi.

Tôi muốn nhấn mạnh tính nhẹ ở công trình này, không tạo cảm giác xâm chiếm. Nó nằm trên một con đê đã hình thành và ý tưởng xây dựng cầu chỉ khiến con đê ấy trở nên thú vị hơn, tạo một cảm giác nhẹ nhàng.

Chúng ta hãy quay lại câu hỏi của một số người Việt: "Tại sao cần cây Cầu Hôn?". Theo kiến trúc sư, vai trò của các công trình kiến trúc nhân tạo với thiên nhiên là gì? Nó tương tác với nhau theo cách nào?

GS. KTS Marco Casamonti: Có 2 cách để con người tiếp cận và kết nối với thiên nhiên. Cách thứ nhất là kết nối hoàn toàn, giống như một công trình của tôi là hầm rượu vang Antinori (Ý). Như mọi người thấy, nó nằm hoàn toàn trong lòng đất.

Tôi cho rằng xây dựng một công trình còn để ngắm nhìn và chiêm ngưỡng thiên nhiên thì đó cũng là một biểu hiện của tình yêu và sự tôn trọng dành cho thiên nhiên.

Như Cầu Vàng chẳng hạn, đây là một công trình thú vị. Nó cho phép mọi người ngắm nhìn và hiểu hơn, trân trọng hơn nét đẹp của thiên nhiên. Nó là một cầu nối giúp mọi người đến và có cơ hội tiếp xúc trải nghiệm với thiên nhiên.

Đó là quan điểm thứ hai, còn quan điểm thứ nhất, kết nối một chút với thiên nhiên thì đó cũng là một điều thú vị. Nhưng rất khó có những công trình có thể làm được điều ấy.

Tóm lại, với tôi, có thể xây dựng những công trình giúp tạo nên những trải nghiệm với thiên nhiên. Hoặc xây dựng những công trình kết nối mật thiết và là một phần của thiên nhiên.

Nhân việc chúng ta nói về Cầu Vàng, tôi được biết ông cũng sẽ thiết kế một công trình đặc biệt tại Sun World Ba Na Hills?

GS. KTS Marco Casamonti: Bà Nà là một vùng đất thú vị, biệt lập giữa núi đồi hoang sơ, nhưng khi lên tới nơi lại là không khí rất nhộn nhịp. Một trong những nét đẹp của Bà Nà là khả năng tạo bất ngờ cho mọi người. Với tôi, đơn giản như việc đến một đỉnh núi cao như vậy mà không cần phải đi đường, đó đã là một điều bất ngờ (cười). Cá nhân tôi nghĩ rằng, người làm được việc đó là người có tầm nhìn. Việc tạo một hệ thống cáp treo như vậy vừa đảm bảo được cảnh quan xung quanh và tạo được tính bền vững. Hệ thống cáp treo đã góp phần gìn giữ nét thiên nhiên hoang sơ của vùng đất này.

Tuy nhiên, tôi xin được chia sẻ, ngay lúc này, Bà Nà đã tốt rồi nhưng vẫn cần thể hiện một tầm nhìn mới. Đó là cần thêm công trình theo hướng tiếp cận thứ hai, giúp người đến thăm quan tận hưởng không gian xung quanh.

Như thế nghĩa là công trình mà ông sẽ làm tại Bà Nà sẽ thuộc cách tiếp cận thứ hai? Cụ thể hơn công trình đó sẽ tiếp cận thiên nhiên như thế nào?

GS. KTS Marco Casamonti: Với dự án Bảo tàng Bà Nà mà tôi sẽ cùng Sun Group triển khai lại bao gồm hai cách tiếp cận. Thứ nhất, phần mặt hồ là một phần của thiên nhiên. Thứ hai, hồ sẽ có một cây cầu tròn như chiếc nhẫn. Qua cây cầu này, du khách có thể chiêm ngưỡng không gian thiên nhiên xung quanh.

Điểm khác biệt lớn nhất của Bảo tàng Bà Nà so với bảo tàng khác trên thế giới như thế nào?

GS. KTS Marco Casamonti: Trên thế giới cho tới thời điểm này vẫn chưa có một bảo tàng nào nằm dưới một hồ nước. Ở đất nước chúng tôi, có một câu châm ngôn mọi người thường nhắc đến, "Điều không thể, điều khó nhất là việc tạo lên một lỗ hổng trên mặt hồ".

Nghĩa là trên mặt gỗ hoặc là mặt của bất cứ vật liệu nào thì mình có thể tạo lỗ hổng, một cái lỗ, nhưng không bao giờ có thể tạo được một cái lỗ trên mặt nước. Và chúng tôi đã thực hiện được, biến điều không thể thành có thể, chúng tôi có thể tạo được một cái lỗ trên mặt nước.

Bằng cách nào, thưa ông?

GS. KTS Marco Casamonti: Bằng sự sáng tạo. Đây là dự án nằm sâu trong đất, nhưng bên trong có đầy đủ hạ tầng. Cho nên nhiệm vụ khó khăn nhất, không phải là không xây dựng, mà là xây dựng nhưng như không xây dựng.

Ông nói Cầu Hôn là tình yêu, hy vọng, là tình hữu nghị. Thế còn bảo tàng ở Bà Nà sẽ tạo ra giấc mơ nào, thưa ông?

GS. KTS Marco Casamonti: Giấc mơ của dự án này, đứng tại đây cùng một thời điểm ta vừa có thể ngắm nhìn bầu trời phía trên và ngắm cả lòng đất. Và một lần nữa thấy được cả bầu trời trên mặt nước, bầu trời phía dưới mình, tạo nên một cảm giác rất huyền ảo.

Ông thích thử thách, vậy thì ông đã chọn những dự án này hay khách hàng chọn ông?

GS. KTS Marco Casamonti: (Cười) Thực ra thường thì khách hàng lựa chọn tư vấn, chứ không có chiều ngược lại. Nhưng mà phải là một khách hàng có tầm nhìn thì mới chọn chúng tôi. Bởi vì nếu như một khách hàng họ chỉ muốn kinh doanh, họ không có những ước mơ hoài bão thì chưa chắc họ sẽ chọn chúng tôi.

Ông có nghĩ là công trình này sẽ giúp du lịch Bà Nà nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung khởi sắc mạnh mẽ?

GS. KTS Marco Casamonti: Vâng, tôi tự tin là có. Tầm nhìn của tôi là mong có thể tạo nên một điểm đến trên núi, mà ở đó có tất cả mọi thứ, nhưng khi du khách đến đây thì lại giống như đi lạc vào giữa thiên nhiên.

Cám ơn ông về buổi trò chuyện!

Bài viết: Trường Hùng
Thiết kế: Hà Mĩ