Sức hấp dẫn của một người có đôi khi là bẩm sinh, là thứ sinh ra đã có nhưng đa số trường hợp, bạn có tự tạo ra nét cuốn hút cho riêng mình.
Có rất nhiều cách để tự gia tăng giá trị chỉ số lôi cuốn cho bản thân, chẳng hạn như tìm cho mình một phong cách thích hợp, chăm chút hơn cho vẻ ngoài, hay không ngừng học hỏi, mở rộng tri thức, củng cố nét đẹp bên trong.
Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cách hành xử, thói quen nhỏ có thể khiến bạn mất đi sức hấp dẫn riêng đấy, bạn có biết không? Một chút sai lầm trong giao tiếp cũng sẽ làm bạn rớt điểm trong mắt người khác, hãy xem thử bạn có đang mắc phải lỗi nào không nhé!
Không chắc chắn, lưu loát trong việc giới thiệu bản thân
Việc tự giới thiệu mình với một người bạn mới hoặc với một đám đông nào đó có vẻ không phải việc dễ dàng, vậy nên nhiều người có xu hướng chỉ gật nhẹ đầu hoặc vẫy tay, sau đó ngồi thu lu ở một góc.
Lần sau đừng làm vậy nhé, vì người khác sẽ cảm thấy bạn khó gần và mất hứng thú làm quen với bạn đấy. Cứ tự tin mà nói "Xin chào", và đừng quên nhìn vào mắt họ nữa nhé!
Không giới thiệu người đứng cạnh mình cho đối tượng bạn đang trò chuyện cùng
Bạn thử nghĩ đi, mọi chuyện sẽ thế nào nếu bạn đang đi cùng bạn mình và nó bỗng nhiên gặp một đứa bạn khác của nó, hai đứa trò chuyện vui vẻ và bạn đứng bơ vơ bên cạnh không ai ngó ngàng?
Nếu lần sau bạn cũng rơi vào trường hợp tương tự, đừng tiếc một câu giới thiệu bạn của bạn cho đối tượng bạn đang trò chuyện cùng. Đừng khiến họ cảm thấy như mình bị cô lập nhé!
Quên tên người đang nói chuyện với mình
Bạn có thể đổ lỗi cho việc trí nhớ mình kém nhưng cái cớ đấy nghe... sai lắm, mọi người sẽ chỉ nghĩ rằng bạn đang coi thường họ mà thôi. Vậy nên khi người khác giới thiệu tên mình cho bạn, hãy chào lại họ kèm tên của họ và không quên nhắc đi nhắc lại cái tên đó trong cuộc hội thoại để ghi nhớ.
Nói dông dài về những thứ không ai hứng thú
Đừng đưa ra n đánh giá chuyên môn về một bộ phim như thể bạn là một nhà phê bình đích thực với một người thậm chí còn chẳng xem phim bao giờ.
Cũng đừng luyên thuyên về tổ hợp dinh dưỡng cần thiết cho vận động viên với một người chỉ thích nằm nhà nghe nhạc. Hãy nói những chủ đề mà ai cũng có thể tham gia, đừng nói những thứ xa vời khiến người hiểu, người không.
Chỉ biết nói về bản thân
Chúng ta luôn thích nói về bản thân mình hơn bất kì điều gì khác, thế nhưng nếu bạn chỉ biết nói về mình, vậy người đối diện bạn thì sao, họ sẽ nhanh chóng cảm thấy chán, thậm chí là thấy phiền cho xem.
Nếu người ta có thể để tâm lắng nghe câu chuyện của bạn, vậy tại sao bạn không làm cả điều ngược lại nữa?
Nói xấu người khác, kể cả là người quen chung của cả hai
Có người rất thích lôi chuyện của người khác ra để làm chủ đề bàn luận, nói chuyện phiếm. Việc bình phẩm cái áo người khác mặc hôm nay xấu ra sao, hay chuyện bạn và những người bạn khác đặt biệt danh gì cho người đó như thế nào nghe thì có vẻ vui nhưng đối tượng đang nói chuyện với bạn sẽ nghĩ khác đấy.
Bởi vì nếu bạn đã có thể nói xấu một người với họ, thì biết đâu khi họ không có mặt, bạn lại nói xấu về họ với một người khác thì sao?
Nói lí nhí hoặc ngập ngừng, thiếu tự tin
Một người lúc nào cũng nói năng lí nhí, không dứt khoát, không đầu đuôi rõ ràng sẽ khiến người khác cảm thấy khó lắng nghe và dần dần là không quan tâm luôn.
Vậy nên hãy thử tập luyện trước gương và thay đổi xem nào, lần sau khi nói chuyện với bất kì ai, dù là một câu chuyện dài, một câu hỏi thăm hay chỉ là một lời cảm ơn, hãy nhìn vào người bạn nói chuyện và nói thật to, thật rõ ràng.
Trả lời nhát gừng, cụt lủn
Bạn nghĩ trả lời cộc lốc, ngắn cụt lủn là cool ư? Không đâu, nó sẽ khiến người đối diện cảm thấy hoặc là bạn hay ngại, hoặc là bạn không có hứng thú với việc nói chuyện, hoặc nghiêm trọng hơn, chính là bạn thiếu lịch sử, điều này sẽ gây ấn tượng xấu với họ đấy.
Hãy cố gắng để cuộc hội thoại được cân bằng, có hỏi có trả lời đầy đủ!
Lúc nào cũng than thở
Bạn biết không, việc suốt ngày than vãn chỉ khiến người khác cảm thấy phiền và đau đầu mà thôi. Thay vì than vãn, hãy nói ra vấn đề của mình và xin lời khuyên từ người khác. Không ai hoàn hảo cả mà, ít nhất là khi nói ra được, bạn cũng thấy nhẹ lòng hơn
Phá vỡ nguyên tắc riêng của mình
Một người nói một đằng làm một nẻo sẽ không bao giờ tạo được cảm tình tốt trong mắt người khác. Một khi bạn đã đặt ra quy tắc hay hứa hẹn gì cho mình, hãy thực hiện nó, như thế là tôn trọng bản thân bạn và cũng là tôn trọng người khác nữa.