Năm 2023 tiếp tục là một năm đầy biến động với chiến tranh, xung đột tiếp diễn, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp. Trong khi đó, vẫn có những điểm sáng về khoa học công nghệ phục vụ cho lợi ích của nhân loại ra đời.
1. XUNG ĐỘT HAMAS - ISRAEL
Ngày 7/10, xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bất ngờ bùng phát tại Dải Gaza. Hơn 20.000 người dân đã thiệt mạng, trên 50.000 người bị thương. Liên hợp quốc đã gọi đây là "một cuộc khủng hoảng của nhân loại".
"Chảo lửa" Trung Đông càng thêm nóng sau khi phong trào Houthi ở Yemen tấn công tàu trên Biển Đỏ nhằm phản đối Israel. Diễn biến này không chỉ làm gián đoạn tuyến vận tải huyết mạch Đông-Tây, mà còn gây nguy cơ xung đột mới tại Trung Đông.
2. ĐỐI ĐẦU DAI DẲNG ĐÔNG - TÂY
Ngày 4/4, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ được phép sử dụng 15 căn cứ quân sự ở Phần Lan và triển khai vũ khí, khí tài sát biên giới với Nga.
Liên minh châu Âu nhất trí sẽ đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova, đồng thời cấp quy chế ứng cử viên cho Gruzia. Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS nhất trí sẽ kết nạp thêm 6 thành viên mới. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải kết nạp Iran. Đây có thể là giai đoạn các trung tâm quyền lực đang tiếp tục tập hợp lực lượng, để có khả năng cân bằng tương quan.
Năm 2023 khép lại 3 năm đại dịch COVID-19 hoành hành. (Ảnh: Getty)
3. CÁC NƯỚC TĂNG NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG
Nhiều nước đang tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng trong năm 2024. Trong đó, Mỹ dự chi 886 USD, lớn nhất lịch sử. Chi tiêu cho quốc phòng và an ninh của Nga cũng tăng cao kỷ lục, dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% tổng chi ngân sách. Trong đó, chi cho quốc phòng sẽ tăng gần 70% so với năm nay. Nhật Bản cũng sẽ chi 56 tỷ USD, mức cao kỷ lục, tăng 16,5% so với năm nay và tăng trong năm thứ 12 liên tiếp. Còn Hàn Quốc dự chi gần 266 tỷ USD trong 5 năm tới để tăng năng lực phòng thủ.
4. BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN "TĂNG NHIỆT"
Tháng 8, hai đồng minh Mỹ - Hàn Quốc đã triển khai cuộc tập trận dựa trên kịch bản chiến tranh tổng lực khi xảy ra tình huống bất ngờ. Tháng 9, Triều Tiên hạ thủy tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên. Tháng 11, quan hệ liên Triều rơi vào trạng thái căng thẳng mới, sau khi Triều Tiên khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận liên Triều năm 2018. Bình Nhưỡng gọi đây là hành động đáp trả các cuộc tập trận Mỹ - Hàn. Tháng 12, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18, vụ phóng thứ 5 trong năm nay.
5. KINH TẾ THẾ GIỚI PHỤC HỒI CHẬM
Do thế giới bất ổn về chính trị - an ninh nên năm 2023 tiếp tục là một năm bất ổn đối của các nền kinh tế lớn. Lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng cao, nợ xấu tăng cao, giá vàng tăng cao kỷ lục, nhưng tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, lạm phát trung bình toàn cầu giảm tốc từ 9,2% vào năm 2022 xuống còn 5,9% trong năm nay và 4,8% vào năm 2024. Kinh tế toàn cầu sẽ "hạ cánh mềm", đó là lạm phát được kéo xuống và không có sự suy thoái lớn.
6. KẾT THÚC 3 NĂM ĐẠI DỊCH COVID-19
Ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố: "đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Năm 2023 đánh dấu thời điểm thế giới chấm dứt được đại dịch Covid-19, sau hơn 3 năm dịch bệnh hoành hành làm 7 triệu người thiệt mạng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả các quốc gia cần học cách ứng phó với dịch bệnh này cùng với những dịch bệnh khác.
Trí tuệ nhân tạo phải vì con người. (Ảnh: iStock)
7. KỶ NGUYÊN "NUNG NÓNG TOÀN CẦU"
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố, "kỷ nguyên của hiện tượng "ấm lên toàn cầu" đã chấm dứt, kỷ nguyên "nung nóng toàn cầu" đã tới.
Trong 10 tháng đầu năm, nhiệt độ trung bình Trái đất cao hơn 1,43°C so với 10 tháng đầu của giai đoạn 1850-1900. Năm 2023 "gần như chắc chắn" sẽ là năm nóng nhất từ 125.000 năm qua. Như vậy, cộng đồng quốc tế chỉ còn ít năm nữa để giữ được mục tiêu 1,5°C. Nếu nhiệt độ trái đất tăng quá mức này, nhân loại sẽ đối mặt với những thảm họa thiên nhiên vượt tầm kiểm soát.
8. "CHUYỂN ĐỔI DẦN DẦN" NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH
Sáng 13/12 được ghi vào lịch sử nhân loại như một bước tiến lịch sử. Gần 200 nước tham gia COP28 đã thông qua thỏa thuận sẽ "chuyển đổi dần dần" các năng lượng hóa thạch. Đây được coi là sự khởi đầu của kỷ nguyên chia tay với năng lượng hóa thạch, nguyên nhân chính làm cho Trái đất nóng lên. Các nước cũng cam kết hướng tới tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất năng lượng tái tạo sau 6 năm tới. Bên cạnh năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hydro, nhiệt hạch đang là những hướng đi mới, hứa hẹn vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới.
9. TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÌ CON NGƯỜI
Ngày 8/12 Liên minh châu Âu đạt được 1 thỏa thuận lịch sử về luật quản lý trí tuệ nhân tạo. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn trí tuệ nhân tạo được tổ chức tại Anh. Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển thông qua Bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến, nhằm giảm thiểu rủi ro do công nghệ này mang lại.
10. CHINH PHỤC MẶT TRĂNG
Ngày 23/8, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ xuống cực Nam của mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới đưa tàu đáp xuống hành tinh này. Sau đó nửa tháng, Nhật Bản phóng thành công tên lửa đẩy mang theo tàu đổ bộ thông minh thăm dò mặt trăng. Cũng trong tháng 8, trong chuyến thám hiểm mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976, tàu Luna25 đã mất kiểm soát và nổ tung trên bề mặt của vệ tinh này. Khám phá mặt trăng đang được coi là cách để các nước phô diễn sức mạnh và ảnh hưởng của mình.
Trung Quốc: Giám đốc công an mê mổ lợn tự tay làm thịt 3.000 con, tham vọng kiếm hơn 200 tỷ