Internet nở rộ, thời khai hoang thị trường nội dung số Việt nam
Năm 2008, theo ghi nhận của Tổng Cục Thống Kê, lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã xấp xỉ 20.834 người. Mặc dù mức độ phát triển hạ tầng Internet chỉ mới dừng lại ở công nghệ 2G, nhưng theo công bố chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp nội dung số đã là 35- 40%/năm.
Đứng ở góc nhìn phân tích nhu cầu thị trường, dễ dàng nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ của sự phát triển hạ tầng Internet và sự tăng trưởng của thị trường nội dung số.
Bằng chứng là sự bùng nổ của mạng xã hội hot nhất thời điểm đó - Yahoo! Chat, kế tiếp, viết blog và nghe nhạc trực tuyến có thể nói là trào lưu thịnh hành nhất thời điểm 2008, đồng nghĩa nhu cầu chia sẻ và tiếp cận thông tin trên nền tảng Internet liên tục gia tăng.
Nắm bắt thời cơ, các doanh nghiệp di động bắt đầu tung ra các dịch vụ nội dung số "đơn sơ" như nhạc chuông, logo - hình nền, tin nhắn hình, nhắn tin trúng thưởng hay xổ số trên di động…và nhanh chóng thu hút được sự yêu thích của đông đảo người dùng Việt Nam.
Kéo theo đó, tổng doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung đã đạt khoảng 2.500 tỷ, sau khi chia với các doanh nghiệp di động, còn lại khoảng 1.500 tỷ.
Thị trường nội dung số Việt Nam trước câu chuyện bản quyền và bước chuyển mình mang tính lịch sử
Khi tiềm năng nghành đã hiện rõ, các nhà sáng tạo nội dung bắt đầu đối mặt với câu chuyện bảo vệ bản quyền.
Bởi thời điểm này, nhận thức của người dùng lẫn doanh nghiệp Việt về bản quyền vẫn còn khá hạn chế, tư duy "xài chùa" còn khá nặng nề và chất xám đang bị "bán rẻ". Điều này vô hình trung khiến các nhà sáng tạo nội dung số dè dặt hơn.
Viết lại luật chơi theo luật Mỹ, POPS Worldwide, đơn vị cung cấp các sản phẩm âm nhạc trực tuyến non trẻ chỉ với 5 thành viên vào thời điểm đó đã liều lĩnh áp dụng chính sách trả tiền cho ca sĩ, nghệ sĩ, những người làm chương trình….
Bước đi này bị đánh giá là phi kinh tế vào thời điểm đó. Theo bà Esther Nguyễn - Giám đốc điều hành của POPS cho biết: "Bước đi này đã khiến chúng tôi nhiều phen điêu đứng vì thiếu vốn".
Chỉ một năm sau, với việc nhanh tay sở hữu và bảo vệ bản quyền cho các nhà sáng tạo nội dung, POPS đã trở thành nhà cung cấp nhạc chuông, nhạc chờ lớn nhất cho các nhà mạng Việt Nam, góp phần tạo đà phát triển chung lâu dài cho ngành công nghiệp "béo bở" này.
3G, 4G lần lượt ra đời, doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới và phát triển ứng dụng di động riêng của mình
Năm 2009, VinaPhone khai trương mạng 3G đầu tiên, hành vi người dùng dần chuyển sang làm việc và giải trí trên các thiết bị di động như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop. Việc có thể truy cập mạng ở bất cứ vùng nào phủ sóng 3G đồng nghĩa nhu cầu nghe và xem cũng tăng lên đáng kể.
Cùng thời điểm đó, thị trường nội dung số tại Việt Nam cũng bắt đầu bùng nổ với việc ra mắt thư viện âm nhạc Việt Nam lớn nhất trên Amazon, các game di động "made in Vietnam".
Năm 2011, các đơn vị cung cấp nội dung Việt Nam bắt đầu để mắt đến YouTube, vì nhận thấy tiềm năng khai thác các giá trị thặng dư từ việc sáng tạo, sở hữu nội dung số trên mạng lưới này. Một lần nữa, POPS lại là "chuột bạch" khi tiên phong kết nối với YouTube.
Kế đó, những đơn vị cung cấp nội dung số khác lần lượt nhảy vào cuộc chơi và cuộc chiến xác lập "lãnh thổ" diễn ra khá gay gắt trên diện rộng, tạo nên một cục diện vô cùng sôi động của ngành công nghiệp này.
Năm 2013, thị trường ghi nhận hàng trăm kênh giải trí được đầu tư và được người dùng đón nhận nồng nhiệt. Đơn cử, POPS Music, kênh âm nhạc riêng của POPS trên YouTube đạt 2,1 tỷ người xem; POPS Kids đạt 3,8 tỷ người xem chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Bên cạnh đó, bắt tay với các đơn vị sản xuất nội dung và tự đầu tư sản xuất, đặc biệt là "xuất khẩu" ra thị trường nước ngoài đang là chiến lược phát triển bền vững của các Doanh nghiệp Việt.
Đi đầu trong xu hướng này có thể kể đến POPS, với việc mở văn phòng tại Thái Lan và dự kiến trong thời gian ngắn sẽ có mặt tại Philippines, Indonesia… làm bàn đạp chinh phục thị trường Châu Á. Hiện tại, doanh nghiệp này đang ngày càng xác lập vững chắc vị thế của mình ở thị trường nội địa.
Thống kê cho thấy, từ năm 2015, chỉ riêng các kênh của POPS đã đạt 15 tỷ lượt xem.
Sóng sau xô sóng trước, năm 2016, dịch vụ 4G ra mắt. Người dùng lướt web nhanh hơn, tải những hình ảnh, video có chất lượng cao hơn với tốc độ vượt trội hay những người mê hát Karaoke có thế ngồi hát ở bất cứ đâu, chỉ cần một chiếc smartphone được truy cập vào kho nhạc trực tuyến vô cùng lớn trên Internet.
Tất cả đã tạo ra một diện mạo vô cùng "màu mỡ" đối với các doanh nghiệp nội dung số.
Nắm bắt thời cơ, các doanh nghiệp Việt đã nảy sinh mối quan tâm đến chiến lược khai thác giá trị tiềm năng từ việc đầu tư phát triển người dùng trên ứng dụng di động riêng của mình.
Bà Esther Nguyễn, người sáng lập POPS cho biết, con đường này đòi hỏi mất nhiều thời gian gây dựng nhưng nếu kiên trì, DN số Việt Nam sẽ có điều kiện tăng tốc nhờ thoát khỏi phụ thuộc YouTube
Nỗ lực từ phía các doanh nghiệp cộng với cách thức tham gia thị trường một cách chủ động hứa hẹn, thời gian tới, câu chuyện của thị trường nội dung giải trí số sẽ còn nhiều biến chuyển hấp dẫn.