Năm 2007, chứng khoán không chỉ là câu chuyện của các chuyên gia tài chính mà đã lan tỏa khắp ngõ ngách Việt Nam. Những kỳ vọng lớn về việc gia nhập WTO, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như có nhiều doanh nghiệp hot lên sàn đã kéo chỉ số VnIndex tăng vọt lên gần 1.200 điểm, con số đáng mơ ước của…10 năm sau.
“Cơn điên” của TTCK đẩy mặt bằng giá cổ phiếu lên mức không tưởng, P/E TTCK Việt Nam khi đó thậm chí lên ngưỡng 50 lần và trở thành một trong những thị trường nóng nhất thế giới.
Có lẽ, thuật ngữ “bán là thua, mua là thắng” cũng xuất hiện từ những năm 2007 bởi vì chỉ cần nắm giữ cổ phiếu dù không biết doanh nghiệp làm ăn thế nào cũng gần như có lãi ngay lập tức.
Tuy nhiên, sau đợt tăng trưởng quá đà đó, thị trường đã có giai đoạn lao dốc kéo dài và mọi chuyện dần trở về với giá trị thật. Cổ phiếu của những doanh nghiệp hoạt động tích cực, tăng trưởng mau chóng hồi phục và thậm chí vượt qua vùng đỉnh cũ.
Trong khi đó, những cổ phiếu tăng trưởng “ảo” thì đã lộ rõ bản chất. Không ít trường hợp phải hủy niêm yết hoặc “lay lắt” không còn được nhiều nhà đầu tư chú ý và cổ phiếu BMC của Khoáng sản Bình Định là ví dụ tiêu biểu.
Năm 2007, trong cơn say của TTCK, BMC có thời điểm leo lên mức giá 847.000 đồng và trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường, bỏ xa những cái tên đình đám xếp sau như SJS, FPT, DHG…
Cổ phiếu BMC lao dốc sau khi lên đỉnh vào năm 2007
Có thể nói, đà tăng giá của BMC thời kỳ đó có nguyên nhân đến từ việc dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn trong khi hàng hóa trên sàn còn ít, dẫn tới giá cổ phiếu tăng mạnh. Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của BMC cũng rất cô đặc càng khiến cho cổ phiếu dễ tăng giá.
Ngoài ra, một yếu tố thúc đẩy đà tăng của BMC còn bởi đây là doanh nghiệp khai thác quặng tintan lớn nhất Bình Định. Trong quãng thời gian từ năm 2011 trở về trước, cơn sốt giá titan trên thị trường kéo theo kết quả kinh doanh của BMC tăng trưởng vượt trội và thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của 10 năm trước. Tình cảnh hiện tại trái ngược hoàn toàn khi thị giá BMC chỉ quanh ngưỡng 15.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh cao gần 100.000 đồng (giá đã điều chỉnh sau khi chia tách, cổ tức) vào năm 2007.
Có thể nói, việc cổ phiếu BMC “bay hơi” gần hết giá trị có nguyên nhân chính từ việc “bong bóng” chứng khoán 2007 đã vỡ và TTCK Việt Nam vẫn đang loay hoay trên con đường tìm lại đỉnh cao. Dù vậy, một điều quan trọng hơn là bởi chính nội tại doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn hơn so với cách đây 10 năm.
Lợi nhuận năm 2016 của BMC thấp nhất kể từ khi lên sàn
Trong những năm gần đây, giá titan trên thế giới lao dốc mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của BMC. Bên cạnh đó, việc thuế môi trường gia tăng đối với hoạt động khai khoáng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn. Ngoài ra, hoạt động khai thác của BMC chủ yếu vẫn chỉ dưới dạng khai thác thô, khó có thể đem lại biên lợi nhuận cao.
Năm 2016 vừa qua, lợi nhuận BMC đạt được chỉ là 9,5 tỷ đồng, con số thấp nhất kể từ khi niêm yết trên TTCK đến nay. Kết quả cũng như triển vọng kinh doanh kém tích cực khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với BMC và thanh khoản cũng như giá cổ phiếu ngày càng sụt giảm.
Câu chuyện BMC chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về sự lao dốc của cổ phiếu sau thời kỳ bong bóng năm 2007. Những cái tên một thời vang bóng khác như NAV, SFI, ITA, AGF, HAP…hiện cũng chung số phận với BMC và không còn được giới đầu tư ưa chuộng.