10 năm mở rộng Hà Nội: Cấp phó đông quá, nhiều tâm tư, luân chuyển ai bây giờ?

Huyền Anh |

“Bước thứ hai khó khăn không kém là sắp xếp cấp phó. Vì số lượng cấp phó ở các sở, ban, ngành quá đông. Khi hợp nhất, Hà Nội có 29 quận, huyện sẽ có ít nhất 58 người phải luân chuyển. Hơn 900 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý, phải luân chuyển ai?"

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư thường trực kiêm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nói về những khó khăn của công tác cán bộ sau khi Hà Nội mở rộng.

Ông Soái kể lại: "Khoảng 6 tháng trước ngày 1/8/2008, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có trao đổi với tôi về yêu cầu là tạm dừng tất cả công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ".

“Vì nếu chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô được thông qua, bộ máy hợp nhất Hà Nội, Hà Tây sẽ rất đông.

Chúng tôi đã tham mưu thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Đấy là sự nghiêm túc của Hà Nội, không hề có chuyện tranh thủ bổ nhiệm “nước rút”.

Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong số 60-70 đồng chí giám đốc sở, ngành, hơn 10 đồng chí trưởng các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Tỉnh ủy thì chọn ai làm phó, ai làm trưởng”, ông Soái nói.

Sau nhiều bàn tính, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy một số nguyên tắc sắp xếp cụ thể. Sau khi các nguyên tắc được thông qua, Ban Tổ chức Thành ủy lập danh sách, điền tên dự kiến ai làm trưởng, ai làm phó gắn với lý giải cụ thể.

Ví dụ, đối với ngành Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội (trước khi điều chỉnh địa giới hành chính) chưa là Thành ủy viên, nhưng Giám đốc Sở Tài chính Hà Tây lại là Tỉnh ủy viên (sau khi mở rộng địa giới hành chính là Thành ủy viên), vậy phải chọn ai?

“Chúng tôi chọn Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội (trước khi điều chỉnh địa giới hành chính) tiếp tục làm Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội mới vì Sở Tài chính Hà Nội phải quản lý nguồn thu tài chính hằng năm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong khi Sở Tài chính tỉnh Hà Tây chỉ quản lý vài nghìn tỷ đồng”, ông Soái nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, thời điểm này ông có nhận được nhiều “tâm tư” của cán bộ không, ông Soái nói ngay “có chứ”.

“Nhưng cái chính là chúng tôi tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy có nguyên tắc, bảo đảm công khai, dân chủ, nên cán bộ không ai nghĩ phải có tác động này, tác động kia; chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia...”, ông Soái nhớ lại.

Vẫn theo ông Soái, sau khi sắp xếp xong cấp trưởng, bước thứ hai khó khăn không kém là sắp xếp cấp phó.

Vì “số lượng cấp phó ở các sở, ban, ngành quá đông. Trung ương cho mỗi quận, huyện thêm 2 người: Một Phó Bí thư, một Phó Chủ tịch UBND (so với quy định thời điểm đó).

Khi hợp nhất, Hà Nội có 29 quận, huyện vậy sẽ có ít nhất 58 người phải luân chuyển. Trong số hơn 900 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, phải luân chuyển ai bây giờ?”.

Nói rồi ông Soái cho biết, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy lựa chọn các đồng chí nam sinh từ năm 1955 và các đồng chí nữ sinh từ năm 1960 trở lại đưa vào diện luân chuyển.

Khi rà soát hơn 900 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, chúng tôi lọc được khoảng 150 cán bộ đưa vào danh sách.

“Trong số hơn 150 người này, chúng tôi đề xuất ưu tiên luân chuyển đồng chí nào chưa kinh qua cơ sở nên danh sách được khu biệt tiếp còn khoảng 120 người.

Chúng tôi tham mưu tiếp một nguyên tắc nữa là những người công tác ở các ban Đảng Thành ủy và đoàn thể sẽ điều chuyển về làm Phó Bí thư, ai ở sở, ngành giới thiệu về làm Phó Chủ tịch UBND.

Sau khi có danh sách cơ bản theo những tiêu chí, nguyên tắc như vậy, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức 4 nhóm công tác đến gặp gỡ từng đồng chí để làm công tác tư tưởng.

Sau khi gặp mặt, chúng tôi báo cáo Thường trực Thành ủy giải quyết tiếp một bước theo hướng đáp ứng nguyện vọng của cán bộ.

Bằng cách làm từng bước chặt chẽ như vậy, cho nên cơ bản hơn 100 đồng chí trong 3 đợt luân chuyển đều vui vẻ”, ông Soái nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại