Chúng ta đều sợ sự nhạt nhẽo, sợ mình trở nên nhạt nhẽo hoặc làm người khác cảm nhạt nhẽo.
Sự nhạt nhẽo còn đáng sợ đến nỗi vào năm 2014, một nghiên cứu của Đại học Virginia còn cho người tham gia tự... giật điện để tránh phải ngồi suy nghĩ về sự nhạt nhẽo của bản thân.
Dưới đây là 10 dấu hiệu thường thấy nhất của đàn ông nhạt mà Bussiness Insider tổng hợp từ Quora:
1. Đàn ông nhạt nhẽo thường chỉ nói hoặc nghe, khiến cuộc hội thoại mất cân bằng
Mở đầu và giữ nhịp cho cuộc hội thoại là một nghệ thuật, người bình thường khó mà làm tốt điều này. Tuy nhiên, luân phiên nói và nghe là chuyện ai cũng làm được.
Đàn ông nhạt nhẽo lại không biết cách cân bằng giữa nói và nghe trong những cuộc nói chuyện. Vô hình chung khiến những người tham gia cảm thấy bất lực và mệt mỏi. Đây được gọi là "đối thoại không cân bằng" (unbalanced conversation), tức là chỉ biết nói mà không chịu nghe và ngược lại.
Nếu bạn vừa mở miệng mà những người xunh quanh bỗng dưng im bặt hoặc né ra xa, rất có thể do bạn... nhạt.
2. Đàn ông nhạt nhẽo ngó lơ ngôn ngữ cơ thể của người đối diện, không quan tâm tới việc họ có thấy cuộc đối thoại đó thú vị hay không
Một trong những "đặc sản" của đàn ông nhạt nhẽo chính là: bỏ qua ngôn ngữ cơ thể của người đối diện.
Đôi lúc, người đang nói chuyện với bạn bỗng im lặng và chỉ gật đầu liên tục, mắt nhìn lên trời, lái câu chuyện sang chủ đề khác... Thì rất có thể do bạn nhạt chứ không phải người đó mất lịch sự.
Để tránh điều này, cần tinh tế hơn một chút, quan sát người đang nói chuyện với mình. Họ có thấy thú vị và lôi cuốn hay không chỉ cần nhìn ngôn ngữ cơ thể là rõ.
3. Không thể làm người khác cười
"Em có thích ăn rau dền không?"
Để có được sự hài hước, bạn cần một bộ não có nhận thức linh hoạt, vốn hiểu biết phong phú, và quan trọng nhất là thông minh. Đôi khi tô vẽ một chút cho câu chuyện thú vị hơn là điều hoàn toàn ổn.
Đàn ông nhạt nhẽo lại khá kém trong việc này, vì đôi khi chẳng có gì để nói nên cứ bâng quơ hoặc hỏi những câu vô nghĩa. Có thể bạn luôn muốn truyền đạt thông tin theo kiểu "nghiêm túc và chính xác nhất". Cũng ổn, tuy nhiên như vậy rất dễ dẫn tới... nhạt.
4. Lặp đi lặp lại mãi một việc hoặc một câu chuyện
Trong cuộc sống, việc thay đổi hoạt động liên tục sẽ khiến kinh nghiệm sống của chúng ta trở nên phong phú. Nếu cứ mãi làm một việc vào một thời gian cố định, nói đi nói lại một câu chuyện thì bạn rất dễ trở nên tẻ nhạt hoặc khiến người bên cạnh cảm thấy tẻ nhạt.
Hãy tham gia những hoạt động mới mẻ, đọc sách hoặc chịu khó đi đây đi đó. Thế giới này luôn vận động không ngừng nghỉ, nếu cứ để cơ thể hoặc đầu óc ở yên một chỗ thì việc trở nên... nhạt nhẽo chỉ là chuyện sớm muộn.
5. Đàn ông nhạt nhẽo thường... chẳng có gì để nói
Tăng động, cười nói quá vô tư mà không để ý đến những người xung quanh sẽ dễ trở nên thô lỗ, ngược lại thì dễ thành nhạt nhẽo.
Sợ nói sai, sợ không ai nghe, sợ bị phản bác, luôn lo lắng và ngập ngừng theo kiểu "tôi đoán...", đó là một trong những đặc điểm cơ bản của đàn ông nhạt nhẽo.
6. Không có chính kiến
Khi đã không tự coi trọng suy nghĩ của bản thân, tất nhiên bạn cũng không thể tự tin đưa ra chính kiến trong các cuộc trò chuyện hoặc tranh luận.
"Những người tẻ nhạt thường không tự tin. Thế nên, họ rất ít khi tranh luận hoặc nêu ý khiến về các đề tài khác nhau trong cuộc hội thoại", Maranda Marvin - một cô gái tự nhận mình "nhạt nhẽo" trên Quora đã khẳng định như vậy.
7. Không biết kể chuyện hoặc thuật lại câu chuyện của ai đó một cách tẻ nhạt
Không cần đẹp trai, đây mới là yếu tố cần có ở đàn ông khiến phụ nữ chết mê chết mệt: Đó chính là khả năng kể chuyện.
Muốn gây ấn tượng, tạo thiện cảm với một ai đó thì cách đơn giản nhất chính là kể những câu chuyện thú vị. Dù trên người có cả tá đồ hiệu đắt tiền, trông có vẻ phong trần, bụi bặm nhưng không biết kể chuyện thì hơi... đáng tiếc.
8. Không có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác hoặc không thể hiểu những lời bóng gió
Ngoài việc không hiểu ngôn ngữ cơ thể, đàn ông nhạt nhẽo thường cũng không có khả năng hiểu những lời bóng gió xa xôi của người đối diện.
Thực sự thì điều này chỉ đúng với trẻ em - chưa có kinh nghiệm sống, chưa va vấp. Nếu đã trưởng thành mà bạn vẫn thường xuyên như "chú nai vàng ngơ ngác" thì nên nghiêm túc suy nghĩ về bản thân. Thẳng thắn và thật thà với nhau là điều tốt, tuy nhiên chẳng ai dám chắc rằng khi bước chân ra ngoài xã hội, ai cũng chân thật với bạn 100%.
9. Không thích hoặc sợ những điều mới mẻ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, não bộ của chúng ta luôn cảm thấy phấn khích trước những điều mới lạ. Đó chính là một trong những yếu tố giúp loài người tiến hóa rất xa trong thế giới động vật. Rõ ràng, cứ giữ khư khư những gì đã biết mà không bổ sung gì đó mới mẻ thì lấy đâu ra chuyện gì mà nói.
10. Không có khả năng khiến người khác muốn tham gia cuộc hội thoại của bạn
Qua một vài lần nói chuyện, người khác có thể biết bạn có... nhạt nhẽo hay không.
Chủ đề mà bạn đưa ra không gây hứng thú với người khác, hoặc đang túm năm tụm ba rồi ngay lập tức giải tán khi bạn mở miệng thì có thể thấy rõ vấn đề.
Bạn có thể rơi vào trường hợp này khi chủ đề không hề nhạt nhưng bị "lệch sóng" (ví dụ như nói chuyện xăng tăng, thuế tăng với học sinh cấp 1 chẳng hạn).
Đôi lúc, cần phải "ngụy trang" theo mạch truyện của số đông để tránh bị nói là nhạt nhẽo. Khó nhưng không phải không làm được.
Tham khảo B.I